Ngày 14/3, Viện Nghiên cứu về đời sống và con người khu vực Đông Nam Á (HILL Asean) đã công bố kết quả khảo sát mới nhất về tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á. Nghiên cứu này được thực hiện tại 5 nước tiêu biểu trong khu vực là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Theo nghiên cứu này, tính theo thu nhập thì Thái Lan có nhóm trung lưu cao nhất với 72% số hộ, kế đó là Indonesia với 56% số hộ, Việt Nam với 50% số hộ, Malaysia là 46%, Singapore là 45%.
Tuy nhiên, khi khảo sát mức độ hài lòng với cuộc sống thì có đến 96% người Việt tự nhận mình có mức sống trung lưu. Trong khi đó, chỉ có 85% người Singapore tự nhận như vậy, ở Thái Lan là 80%, Malaysia là 79% và Indonesia chỉ là 72%.
Ông Yusuke Sonada, cán bộ HILL Asean phụ trách Việt Nam cho biết: “Ở Việt Nam, 96% người xem mình thuộc tầng lớp trung lưu so với tỷ lệ 50% dựa trên thu nhập thực tế của hộ gia đình hàng tháng. Thực tế này chỉ ra rằng, việc tái định nghĩa tầng lớp trung lưu là điều cần thiết”.
Theo HILL Asean, tầng lớp trung lưu thường xác định bằng thu nhập. Nhưng kết quả nghiên cứu trên cho thấy có một phân khúc lớn những người xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế của họ. HILL Asean gọi đó là “tầng lớp trung lưu không giới hạn”.
Không chỉ tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu, nhóm này còn khéo léo tìm ra cách để sống theo lối sống mơ ước của mình bằng việc cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu, họ đạt mức sống trung lưu theo mơ ước của mình mà không bị ràng buộc bởi thu nhập hàng tháng.
Ông Yusuke Miyabe, nghiên cứu viên HILL Asean lấy ví dụ dí dỏm: “Nhiều đồng nghiệp người Nhật của tôi có mức thu nhập rất cao nhưng thỉnh thoảng họ mới đi Starbucks để mua ca phê, và chỉ thường mua khi họ có khuyến mãi mua 1 tặng 1. Trong khi đó, nhiều người Việt Nam chỉ làm nghề bán hàng rong nhưng cũng dùng iPhone”.
Theo HILL Asean, để đạt được cuộc sống ở mức trung lưu theo mơ ước của mình mà không phụ thuộc vào thu nhập, người Việt áp dụng nhiều cách như: tăng thu nhập bằng việc làm thêm công việc thuận tiện mà vẫn duy trì được công việc toàn thời gian (nhân viên văn phòng bán hàng qua mạng); kiểm soát chi phí (mua dự trữ nhiều cà phê và hàng tiêu dùng khi có chương trình giảm giá)…
Ông Goro Hokari, viện trưởng HILL Asean, nhận định: “Xu hướng hiện nay của người Đông Nam Á là thay đổi từ việc sống một cuộc sống phù hợp với khả năng sang tìm cách chi trả cho cuộc sống mình mong muốn”.
Và người Việt làm rất tốt điều đó để có thể sống thoải mái theo ý thích của mình nên tỷ lệ người nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu rất cao.
Một chi tiết khá thú vị khác trong nghiên cứu này là rất ít người tự nhận mình thuộc tầng lớp giàu có. Chỉ có 8% người Indonesia tự nhận mình đang sống ở mức giàu có, người Singapore là 2%, người Malaysia và Thái Lan là 1%. Riêng Việt Nam, tỷ lệ người nhận mình đang sống giàu có là 0%, ngoài 96% tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu thì 4% còn lại nhận mình đang sống ở mức thấp, nghèo.
HILL Asean cũng có nghiên cứu cụ thể tại Việt Nam với hai mẫu điển hình là Hà Nội và TPHCM. Kết quả cho thấy cách sống của người thuộc tầng lớp trung lưu ở hai thành phố này rất khác nhau.
Về quan điểm sống, người TPHCM thì luôn muốn cố gắng tiến lên tầng lớp thượng lưu, người Hà Nội thì cố gắng để không nghèo hơn. Khi hỏi về mục tiêu cuộc sống thì ai cũng muốn hạnh phúc nhưng cụ thể thì người TPHCM nghĩ ngay đến cảnh vui vẻ xum tụ bên gia đình, còn người Hà Nội muốn có công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn…
Tùng Nguyên