Người trẻ mở chân trời bay

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 20/02/2010
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

 
Nguyễn Đỗ Khoa: Mở  cửa Hollywood 

Mất hai tháng quay, dựng phim chỉ hơn 3 triệu đồng, khi giải xuất sắc thể loại phim kinh dị của Liên hoan phim Sinh viên quốc tế tại Hollywood xướng tên “Số tử” (The 4th), đoàn làm phim không khỏi nghẹn ngào.
 
Phim cũng đồng thời được chọn là một trong số 26 phim hay nhất của liên hoan. Điều bất ngờ nhất là đạo diễn Nguyễn Đỗ Khoa, cũng như ê-kíp thực hiện bộ phim ngắn 20 phút này đều là những người không được đào tạo chuyên ngành điện ảnh. 
 
Cao ráo, điển trai, ăn nói có duyên, lại là thành viên “ruột”  của đội văn nghệ trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TPHCM, ít ai ngờ Nguyễn  Đỗ Khoa lại bước chân vào khoa Đông Phương của trường chỉ vì “sai lầm của người tư vấn”.
 
Ngày đó, Khoa say sưa với chuyên ngành thiết kế sáng tạo. Gia đình tạo điều kiện cho cậu sang Singapore du học, nhưng gần sát ngày lên đường, nhận được đầy đủ hồ sơ nhập học, Khoa mới hốt hoảng nhận ra, chuyên ngành mình sẽ theo học lại là ngành thiết kế phần mềm.
 
Quay về luyện tập cho kỳ thi tuyển sinh đại học thì đã quá muộn, nhưng lại chẳng muốn phí thời gian, Khoa đành dựa vào các môn thế mạnh ứng thi vào chuyên ngành Trung Quốc học, khoa Đông Phương của trường. “Học hỏi không bao giờ là phí cả”, Khoa tự an ủi. 

Sau khi “kịp” có thêm tấm bằng trung cấp đồ họa vi tính và đi làm nhân viên thiết kế một năm, anh quyết định tạm ngưng công việc để tiếp tục học ngành mình yêu thích.

Khoa tìm thêm thông tin các chương trình đạo tạo thiết kế ứng dụng và ghi danh và trường Cao đẳng Quốc tế Raffles tại TPHCM, một phân nhánh chính thức của Raffles Education Corporation, Singapore. Chương trình đào tạo cho Khoa tiếp xúc với đủ thể loại chuyên ngành Interactive và đặc biệt là tất cả các công đoạn làm một bộ phim, từ viết kịch bản phân cảnh, thiết kế hình ảnh đến biên tập, xử lý hậu kỳ,… 

Chọn đề tài phim kinh dị, một thể loại còn khá mới mẻ với  điện ảnh Việt Nam, khó khăn lắm Khoa mới bảo vệ được kịch bản của mình trước giáo viên hướng dẫn người Canada, bởi nỗi sợ về con số 4 chỉ có trong đời sống tâm linh của các nước phương Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,…khi chữ “tứ” phát âm khá giống chữ “tử”.

“Đề tài này đến với tôi khi tôi chứng kiến nhiều sự việc khá kỳ lạ, đó là tầng 4 trường tôi đang theo học thường xuyên bỏ trống từ lúc mới khánh thành; tòa nhà Parkson Hùng Vương không có tầng 4 mà chỉ có tầng 3 rồi lên thẳng tầng 5…”, Khoa hạ giọng, ra vẻ bí hiểm.

Tìm hiểu sâu hơn về triết lý một vòng đời người về “sinh, lão, bệnh, tử” (chữ tử cũng ở vị trí thứ 4) mình được học ngày trước, Khoa hiểu thêm và dần xây dựng đường dây kịch bản cùng các bạn. Mỗi thành viên trong nhóm đều có thế mạnh riêng, từ viết nhạc cho phim, thiết kế kỹ xảo đến truyền thông…, lại làm việc, bàn bạc, thống nhất ý tưởng với nhau từ trước nên việc bắt tay vào ghi hình, rồi dựng phim diễn ra khá suôn sẻ.
 
Sự cố duy nhất mà ê-kíp làm phim gặp phải là việc nữ diễn viên chính bị phụ huynh cấm cửa vì…dám đi quay đến tận 3 giờ sáng chưa chịu về! Khoa kể: “Ngày ra mắt phim, cả hội trường vỗ tay khen vì cách làm phim khá mới mẻ và hấp dẫn, nhưng ai cũng thú thật là…không hiểu nội dung phim!”. Duy nhất chỉ có thầy hiệu trưởng người Singapore là hiểu nỗi ám ảnh của con số 4. 
 
Khác với phim kinh dị  phương Tây đầy máu me, chết chóc, ma quái…, “Số tử” của Nguyễn Đỗ Khoa mang phong cách phim kinh dị phương Đông, gây nỗi sợ từ trong tim và ám ảnh trong cảm nhận. Có lẽ nhờ vậy mà phim được ban giám khảo quốc tế ghi nhận.
 
Những ngày trên đất khách, dù đã nhận được rất nhiều đề nghị hấp dẫn từ các hãng phim có quy mô lớn tại Việt Nam, nhưng: “Năm tới, tôi sẽ gắng kiếm học bổng của các chương trình tu nghiệp tại nước ngoài, tham dự và học hỏi để nâng cao tay nghề”, Khoa chia sẻ. Song song đó việc làm lại “Số tử” của mình thành phim điện ảnh, công chiếu rộng rãi trong cả nước.  
Thi Anh Đào: Làm người tốt mỗi ngày 
 
 
Mãi đến khi rời TPHCM ra Hà Nội, bước chân vào Học viện Ngoại giao Việt Nam, Anh Đào mới biết mình thích hợp hơn với lĩnh vực đối ngoại cho doanh nghiệp. Khi nhận tấm bằng tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng là lúc Anh Đào nhận được học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ tại Anh do Hanoitelecom tài trợ.
 
Đó là kết quả của hai năm cộng tác với công ty trong nhiều dự án marketing. Dù nhận định “đó thực sự là một cơ hội đối với tôi”, nhưng cô vẫn gác lại chương trình học một năm để cùng với một người bạn lớn thành lập một nhóm làm việc trong ngành quan hệ công chúng để được tiếp xúc với thực tiễn.
 
Một năm sau đó, khi nhóm phát triển thành công ty Emerald hoạt động ổn định trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị số, Anh Đào quyết định giao lại công ty cho cộng sự của mình để theo đuổi tiếp con đường nghiên cứu. 
 
Chọn đề tài “Đóng góp của CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) với việc quản trị danh tiếng của doanh nghiệp Việt Nam” theo đánh giá của giáo viên hướng dẫn là “có quá nhiều việc phải làm”, Anh Đào phải vừa khảo sát, vừa đào sâu nguồn kiến thức học thuật, tổng hợp tư liệu, bởi khái niệm CSR tại Việt Nam lúc ấy vẫn còn khá mới. 

Hoàn thành luận án và tốt nghiệp, trở về nước, Đào phụ trách thương hiệu CSR Vietnam với mong muốn mang đến những giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực CSR. “Đây là con đường gian nan, mất nhiều công sức, sự đầu tư và thời gian mới gặt hái được thành công”, Đào nhận định. Tuy nhiên, cô vẫn kiên trì bởi với Đào, việc quan trọng không phải là mình có thể tạo ra một “thương hiệu” của riêng mình, mà là mang đến được giá trị gì cho tập thể và cộng đồng. “Mình là một phần của tập thể mà”, Đào nhấn mạnh. 

Mang về kiến thức chuyên môn và sự hiểu biết thực tế nhờ  vào những nghiên cứu của bản thân đối với chuyên môn mình đã lựa chọn, Anh Đào mong muốn chia sẻ những gì đã được học, nghiên cứu… cho những đồng nghiệp trẻ. Thế nên, mới đây, cô đã đăng ký làm một giảng viên cho một trung tâm huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho các bạn trẻ. 

Trước thềm năm mới, Anh Đào chia sẻ: “Nói đến khát vọng thì có lẽ to lớn quá, thực ra chỉ là những mục tiêu mình tự đặt ra cho bản thân trong năm mới thôi”. Không bất ngờ khi mục tiêu của nhân vật được mệnh danh là “Cô gái CSR” chính là mong muốn có thể giới thiệu và phát triển CSR Vietnam trở thành một dịch vụ tư vấn hữu hiệu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cô cũng hy vọng có thể quyên góp được thêm nhiều nguồn hỗ trợ tài chính, sách giáo khoa, tập vở, phương tiện học tập…cho quỹ học bổng mang tên cha mình. “Đây chỉ là một quỹ học bổng nhỏ của gia đình, nhưng hy vọng có thể vận động được nhiều nguồn đóng góp khác để san sẻ không chỉ một hai trường, mà còn có thể giúp đỡ nhiều em nhỏ khác ở tỉnh Long An”, Anh Đào tâm sự. 

Riêng với bản thân, Đào mong mình luôn biết cố gắng: “Mỗi lần chỉ cần làm bản thân mình tốt hơn một chút thôi thì sẽ giúp mình làm được nhiều hơn và tốt hơn, không chỉ trong việc chuyên môn hay công tác quản lý, mà ngay cả trong cuộc sống của mình, để làm “người tốt” mỗi ngày. 

Phan Anh Tuấn: Người mê  thương hiệu Việt
 

 

“Tôi chỉ được cái nết cần cù và sự may mắn” Phan Anh Tuấn nói về mình như vậy khi nhìn lại chặng đường đã qua. 26 tuổi, cái tuổi người ta thường gấp gáp với những dự định cho tương lai của mình, điều ước đầu năm của Anh Tuấn tất nhiên là: “Năm dần, khỏe như cọp và có đủ thời gian chu toàn được công việc hiện tại, đồng thời hoàn thành bài báo cáo Chương trình Đào tạo Thạc sĩ Quản trị Marketing của Solvay Business School (Trường Đại học của Bỉ tại TPHCM)”. 

Sở hữu Công ty Dịch vụ Tiếp thị Woodpecker, hợp tác cùng Công ty Truyền thông Quảng cáo Ambrosia (Singapore) và đang kiêm nhiệm vụ vai trò giám đốc tiếp thị và phát triển thị trường cho Công ty Thực phẩm Minh Đạt, nhưng công việc dường như chưa bao giờ có thể gây áp lực cho Phan Anh Tuấn.
 
Anh chia sẻ: “Mỗi công việc có một đòi hỏi riêng, chỉ cần biết nghiên cứu sắp xếp thời gian hợp lý thì mình sẽ chu toàn được tất cả”. Say sưa với việc tiếp thị và thương hiệu, ít ai biết, ngày trước ước mơ lớn nhất của anh là vào được trường Đại học Kiến trúc, nối nghiệp cha để theo nghề xây dựng và thiết kế những ngôi nhà và những công trình thật đẹp.
 
Đáng tiếc, kết quả thi không như ý khiến dự định của Tuấn phải gác lại. “Những ngày sống với tin mình trượt đại học dài kinh khủng. Tôi cảm giác lúc ấy mọi việc xung quanh diễn ra chậm chạp đến đáng sợ, nhưng tôi không thể để mình trôi theo dòng xoáy ấy”, Anh Tuấn kể. 
 
Tuy nhiên, bình tĩnh nhận  định đại học là giai đoạn nước rút để trang bị cái nhìn về nghề nghiệp nên Anh Tuấn bắt tay vào chọn cho mình con đường khác và cũng để biết thêm lĩnh vực mới, anh đã quyết định theo học trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế.
 
Càng đi vào khám phá kiến thức mới anh càng cảm thấy thú vị. Bị hấp dẫn bởi môn tiếp thị và cụ thể là quảng cáo, anh xin vào làm việc tại Công ty Truyền thông Quảng cáo Thuyền Đông Dương để tiếp xúc thực tế và trải nghiệm con đường mới này. “Trong giai đoạn đó, ngành quảng cáo tại Việt Nam cũng đã chớm phát triển nhưng chưa có hệ thống đào tạo bài bản” Anh Tuấn kể.
 
Tiếp tục tận dụng thời gian triệt để, anh tranh thủ học thêm các khóa đào tạo để đào sâu kiến thức chuyên ngành với mong ước nhanh chóng am hiểu nghề mình đang làm. Chính thời gian này đã giúp anh định hướng rõ rang về con đường sự nghiệp sau này và tiếp tục nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm mới của nghề nghiệp. 
 
Tuấn nhận ra, các chương trình quảng cáo, chiến dịch tiếp thị, kích hoạt thương hiệu… chỉ là những công cụ tiếp thị ngắn hạn, là những chìa khóa nhỏ trong chương trình tiếp thị thương hiệu; công việc đòi hỏi sự định hướng rõ ràng về mục tiêu và kết hợp những công cụ trên một cách hiệu quả nhất trong khoảng thời gian xác định được gọi là chiến dịch tiếp thị thương hiệu.
 
Ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, anh liền theo đuổi khóa học thạc sĩ Quản trị Tiếp thị và Kinh doanh tại Solvay Business School. “Bao nhiêu tiền tích lũy từ việc làm bán thời gian trong lúc học đại học, tôi dồn hết vào các khóa học chuyên sâu về tiếp thị thương hiệu”, Anh Tuấn bộc bạch.
 
Đối chiếu thực tế, cộng với chương trình học nhiều khía cạnh khiến Tuấn nhận ra một điều: nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường chạy theo các hoạt động tiếp thị mang tính ứng phó với đối thủ cạnh tranh và tình hình thị trường, chứ chưa thực sự nghiên cứu sâu và xây dựng được những chiến lược tiếp thị lâu dài. Đây chính là “trải nghiệm cốt lõi” để Tuấn ứng dụng vào các chương trình kinh doanh và tiếp thị của công ty hiện tại. “Những phản hồi hàng ngày từ khách hàng và đội ngũ nhân viên thị trường giúp tôi càng am hiểu ngành, điều chỉnh và định hướng hiệu quả hơn các kế hoạch phát triển thị trường tiếp theo”, anh chia sẻ. 
 
Tổng kết lại, trung bình mỗi năm, dù bận rộn đến mức nào, Anh Tuấn cũng cố gắng tham gia ít nhất một khóa học nào đó. Anh giải thích: “Tôi muốn mình không ngừng học hỏi thêm, nâng cao tri thức và kiến thức của mình để nó được liền mạch như một đường thẳng, chứ không còn là những đường đứt khúc”.
 
Đây cũng chính là triết lý anh ứng dụng vào công việc để biết cách chọn các lĩnh vực có liên quan đến nhau mà thử sức và phát triển nghề nghiệp. Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ phát triển thị trường và tiếp thị thương hiệu, như hoàn thành mục tiêu độ phủ hàng hóa ít nhất 70% thị trường miền Đông Nam bộ trong năm nay mà anh đảm nhận ở Công ty Minh Đạt thật không dễ dàng với một người trước nay chỉ làm các hoạt động xây dựng và quảng bá thương hiệu, nhưng Anh Tuấn vẫn tỏ ra khá tự tin: “Chấp nhận thử thách là cơ hội để phát triển và trở nên hoàn thiện”. 
 
Theo Đặng Quý Yên 
 Doanh Nhân Sài Gòn

 

Exit mobile version