Người tham việc

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 13/04/2006
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Bốn năm sống ở kinh đô ánh sáng làm anh thoáng dao động khi nhìn đường phố bụi mù, dây điện nhiều hơn tơ nhện. Nhưng hề gì, một khi biết chắc rằng có quá nhiều việc đang chờ đợi tuổi trẻ của mình…

Tại sao mỗi phút chỉ làm việc được có 60 giây?

Con trai của một cầu thủ bóng đá thập niên 70, nên chẳng cần kể cũng biết gia cảnh: cha đi chinh chiến suốt ngày, một mình mẹ giật gấu vá vai cho đủ gạo nuôi con. Tuổi thơ của tôi trôi qua với những cây phượng hè về hoa đỏ ở phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội. Cũng chơi bi, chơi quay, bắn thun đủ cả…

Cứ thế, cho đến ngày tôi tốt nghiệp đại học, có lẽ cũng thích, vì là thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra, chọn được một việc làm rất lạ so với bạn bè: sang Algeria làm quản lý. Nhưng sau đó, lại quyết định sang Pháp, theo học MBA của INSEEC, học viện về quản trị kinh doanh ở phía Bắc Paris.

Trong thời gian này, tôi tham gia vào dự án giáo dục InfoNations gồm một số sinh viên quốc tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về mọi quốc gia, trong đó bao gồm cả một website cung cấp thông tin miễn phí. Rất tiếc là dự án đã không thể hoàn thành khi chủ nhiệm dự án, thầy giáo người Ireland của mình đột ngột qua đời.

Cả nhóm đã khóc nức nở khi vợ của thầy đọc mấy câu thơ mà thầy luôn tâm niệm, đại ý là: “Tại sao thời gian ngắn thế, để mỗi phút tôi chỉ làm việc được có 60 giây? Tại sao cuộc đời ngắn thế, để tôi chỉ được sống có một lần?”.

Tôi thích từ “Sans arrêt”

1. Để chọn ba từ để nói về mình, anh sẽ chọn những từ nào? Tham việc (bạn tôi bảo thế), dám làm (tôi bảo thế), đẹp trai (mẹ tôi bảo thế)…

 

2. Câu nói mà anh thích được nghe nhất là gì? “Được đấy, cứ làm như con / anh / em / cậu / bạn / mày / cháu… vừa nói đi”.

 

3. Việc đầu tiên anh làm ngay khi về nhà sau giờ làm việc là gì? Là bật cái máy tính lên.

Những ngày ở Pháp, để nói về hoàn cảnh có thể dùng chữ “sans arrêt” tức là “không ngừng”. Tôi và các bạn quanh tôi đều thế cả, sáng đi học chiều đi làm thêm, làm cả hai ngày cuối tuần. Chúng tôi thường tranh thủ ngủ trên tàu điện ngầm hay trên xe buýt.

Ngày làm việc của tôi không giống nhau và thường bắt đầu từ ngày hôm trước, khi tôi bỏ ra một ít phút để ghi nhớ lại những gì mình đã làm được so với yêu cầu đặt ra của hôm qua và những gì mình sẽ phải làm cho ngày mai. Tôi luôn cân nhắc để lượng công việc vừa đủ để làm trong ngày, sắp xếp thời gian để không tự gây áp lực cho mình.

Ngoài việc đi học, đi làm thêm, làm công tác hội, tôi tự đặt ra cho mình mỗi ngày có được một cái gì đó mới: một bài viết mới, một chức năng hay một ý tưởng mới cho web, một người bạn mới, hay đơn giản hơn là đọc một cái gì đó mới.

Làm việc là nhu cầu, không cần có động cơ

Tôi thích cảm giác vận động, dù là công việc, hát hò hay đá bóng. Tôi thích đá bóng lắm. Có lẽ do hai nguyên do, thứ nhất là thừa hưởng cái máu đá bóng từ cha tôi, cựu cầu thủ Thể Công ngày trước; thứ hai là do tôi thích một môn chơi toàn diện về thể chất và mang tính tập thể.

Có thể nói tư duy kỹ – chiến thuật trong bóng đá quan trọng hơn nhiều môn thể thao khác. Chính vì thế mà mọi người lại bảo tôi tính toán cẩn trọng về tương lai. Vẫn biết phía trước là bầu trời, nhưng bầu trời ấy tôi không thể chạm vào được, nó như một viễn cảnh không tưởng vậy. Tôi thích phía trước mình là những điểm đến có thực và sau lưng là những cột mốc mình đã vượt qua.

Và sự chuyên nghiệp!

 

Tốt nghiệp MBA, tôi có theo học một khoá đào tạo về thành lập, quản lý và chuyển giao doanh nghiệp tại Đại học Paris XI. Tôi cũng thực tập tại một nhà xuất bản, phục vụ cho ý định của mình sau này. Khoảng đầu năm 2004, tôi và vài người bạn lập ra một nhóm nghiên cứu về quản trị, lấy tên là VietManagement, bước đầu xây dựng một thương hiệu kiến thức quản trị.

Nhu cầu quản trị chuyên nghiệp tại Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO. Doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng quản trị chuyên nghiệp, dưới hình thức tư vấn hay nội bộ, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hệ thống kinh doanh, giảm thiểu chi phí… Cái khó là làm thế nào để các chủ doanh nghiệp hiểu được thực tế ấy.

Những gì tôi muốn làm là phát triển một thương hiệu tư vấn, đào tạo và cung cấp nhân lực quản trị chuyên nghiệp. Hiện tại tôi đang tích cực xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao cho mình, thực hiện đào tạo và tự đào tạo gắn với thực tiễn Việt Nam để có thể sát cánh với các doanh nghiệp trong nước trong vòng hai năm tới.

Cũng trong thời gian này, Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp chính thức ra đời và được Chính phủ Pháp công nhận. Tôi có vinh dự được tham gia vào Ban thường trực hội, và sau này là quyền Tổng thư ký. Chúng tôi cố gắng gắn kết sinh viên Việt Nam tại các địa phương của Pháp, hỗ trợ các bạn sinh viên thông qua kinh nghiệm và thông qua mạng lưới bạn bè.

Sau đó, tôi tham gia vào dự án thành lập một công ty xuất bản với cái tên Alpha Books. Chúng tôi nỗ lực để có một quy trình xuất bản sách dịch chuyên nghiệp, từ khâu lựa chọn sách, liên hệ tác quyền cho đến khâu phát hành. Ngoài ra, trong thời gian thực tập ở phòng thí nghiệm của Trường Kỹ sư điện Supelec, tôi có nghiên cứu về năng lượng và hệ thống điện, có tham gia viết một phần trong đề tài nghiên cứu về các dạng năng lượng của Nhóm Khoa học Trái đất VnGG, sẽ ra mắt trong nay mai.

Hiện tôi cũng đang viết một cuốn sách về đặc điểm kinh tế mạng. Về nước, tôi ấp ủ dự định thành lập Hội cựu sinh viên Việt Nam tại Pháp, hy vọng là tôi sẽ đủ sức làm được điều này.

Trần Nguyên (ghi)Báo Sài Gòn Tiếp Thị

Exit mobile version