Nguyễn Hương Lan đang là SV năm 4 khoa du lịch ĐH Hà Nội. Đọc được câu chuyện do các anh chị đi trước kể về vùng đất biên cương này trên mạng Trái tim Việt Nam (www.ttvnol.com), Hương Lan đăng ký tham gia nhóm bạn 15 người đi du lịch lên Sín Thầu vào ngày đầu năm 2007.
Trong vô số kỷ niệm ấn tượng của mọi người về vùng đất hiểm trở cách Hà Nội 700km, Hương Lan quan tâm nhất đến những đứa trẻ Hà Nhì. Khi cả đoàn tới đồn biên phòng Leng Su Sìn ngày 31/12/2006, cô gái trẻ đã dành nhiều thời gian trò chuyện với các em. Những đứa trẻ ăn mặc tuềnh toàng, nói tiếng Kinh bập bẹ và thường nhút nhát trước người lạ đã cười nói với Hương Lan rất hồn nhiên.
Cô giáo Mai Anh, người Thái Bình, lên đây cắm bản đã bốn năm nay, kể với Hương Lan rằng học trò Hà Nhì hiếu học nhưng rất khó khăn để nắm bài vở vì các em không hiểu tiếng Kinh, còn các thầy cô giáo lại bập bẹ tiếng Hà Nhì. “Nếu có thêm người lên đây giúp các em nắm lại những kiến thức vỡ lòng thì tốt quá” – cô Mai Anh nói.
Bí thư xã Sín Thầu – ông Pờ Dần Sinh – cho biết trường của xã hiện nay đã dạy đến lớp 9. Trước đó, học trò trung học cơ sở phải đi bộ ra tận thị trấn huyện Mường Nhé cách xã 40km. “Nhưng vấn đề lo lắng nhất của chúng tôi là nhiều học trò mất căn bản”. Các chiến sĩ biên phòng và cán bộ xã đã mất rất nhiều công sức thuyết phục bà con Hà Nhì cho trẻ đi học.
Trước khi lên Sín Thầu, Hương Lan tìm hiểu rất kỹ tất cả chuyện này qua Pờ Hùng Sang – con trai ông Sinh, đang là SV năm 2 Phân viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội. Và khi Hương Lan nói: “Em sẽ ở lại nơi này để giúp các em học hành”, ông Pờ Dần Sinh vui mừng lắm và sẵn sàng đón cô gái trẻ về ở nhà ông trong suốt thời gian lưu lại trên này. “Tôi rất ngạc nhiên và cảm động vì chuyện đó!” – ông nói.
Còn cô gái trẻ cảm thấy ngại ngùng khi mọi người trong bản cứ bàn tán việc cô quyết định ở lại Sín Thầu trong thời gian nghỉ giữa hai học kỳ: “Xin mọi người đừng làm em mất tự nhiên. Em lên đây cũng bình thường như các anh chị thôi mà”. Hương Lan cười tươi khi tạm biệt những người đồng hành trở về Hà Nội.
Kể từ lúc những nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đầu tiên đặt chân lên Sín Thầu vào tháng 9/2006 đến nay, vùng đất này đã trở nên nổi tiếng và gắn bó với những người muốn tìm hiểu cuộc sống nơi biên cương. Nhưng Hương Lan lựa chọn sự dấn thân dành cho những đứa em nghèo.
Theo Vũ Thanh BìnhTuổi Trẻ