Bà Kăn Linh (gọi theo tên người Pa Kô) thường ít khi nhắc đến công lao của mình trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh, nhưng luôn tự hào rằng, mình có rất nhiều đứa con. Sự thật, Kăn Linh có đến 15 đứa con, dẫu có đến 11 người con nuôi, nhưng bao năm qua bà luôn xem như con ruột của mình.
“Chuyện cổ tích” viết trong nghèo khó!
Người dân xã miền núi A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không ai thấy xa lạ khi nhắc đến Kăn Linh. Chính vì vậy, không quá khó để tìm thấy nhà của người phụ nữ được ngợi ca là có tấm lòng bao dung, nhân hậu này.
Tên thật của Kăn Linh là Hồ Thị Vôi (SN 1964, trú ở bản Tăng Cô, xã A Túc, huyện Hướng Hóa). Cũng như bao phụ nữ khác, Kăn Linh lớn lên bên gia đình, làm nương, làm rẫy để sinh sống. Quê hương, bản làng từng trải qua chiến tranh tàn phá nên cái nghèo đói vẫn là nỗi lo của bà con nơi đây.
Bước sang tuổi 19, bà Kăn Linh kết hôn với ông Hồ Văn Tàng (SN 1960), cùng xây dựng cuộc sống. Là một phụ nữ nhiệt huyết, Kăn Linh vừa chăm lo cuộc sống gia đình, vừa năng nổ trong hoạt động đoàn thể. Sau nhiều năm hoạt động Đoàn, bà Kăn Linh được bầu vào Ban chấp hành phụ nữ xã A Túc, rồi làm Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã.
Giai đoạn từ 2004 đến 2011, Kăn Linh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã A Túc. Trong những năm 2011-2016, bà làm Chủ tịch HĐND xã A Túc.
Nhấp ngụm nước, câu chuyện Kăn Linh cưu mang những đứa trẻ bất hạnh được bà giãi bày. Với tình cảm của người từng làm mẹ, bà thấu hiểu được những khó khăn của những đứa trẻ mồ côi.
Vào năm 1986, bà nhận nuôi 3 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, người thân đã qua đời vì bạo bệnh. Nhờ cơ duyên mà các con đến với bà, được nhận nuôi và chăm sóc. Trong đó, đứa em út là Hồ Thị Pưng lúc đó mới 2 tháng tuổi.
“Khi ấy, do cha mẹ các cháu qua đời nên tui nhận nuôi 3 anh em Hồ Văn Dưa, Hồ Văn Dành và Hồ Thị Pưng trong khi gia đình cũng chẳng mấy khá giả. Nhưng vì thấy các cháu rất tội nghiệp, chỉ trong thời gian ngắn phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ nên mình không đành lòng. Việc nhận các cháu về nuôi tui cũng không nghĩ rằng mình lại đủ sức nuôi nấng thêm nhiều đứa trẻ khác đến hôm nay”, Kăn Linh nói.
Bà cảm thấy hạnh phúc bên những đứa cháu của mình.
Kăn Linh bộc bạch: Khó có thể kể hết những khó khăn của buổi đầu nhận nuôi các con. Vì có đứa quá nhỏ nên bà phải nấu cháo thật nhuyễn rồi cho ăn. Thế nhưng, có những lúc miếng ăn còn không đủ. Ban đêm thì cháu quấy khóc, bà phải thức dậy ẵm cháu lên dỗ dành.
Đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội phụ nữ nên Kăn Linh có cơ hội tiếp xúc với nhiều gia đình, thấu hiểu được khó khăn của nhiều chị em hội viên. Khi quyết định mở rộng vòng tay che chở cho các cháu, Kăn Linh cũng nhận được sự đồng thuận của gia đình, từ chồng và các con.
Tấm lòng nhân hậu của Kăn Linh cứ rộng mở, vào năm 1989, chị tiếp tục cưu mang giúp đỡ những 4 con người, gồm 3 đứa trẻ mồ côi cha lẫn mẹ là Hồ Văn Thiệt, Hồ Thị Tha, Hồ Thị Thiệp và bà nội của các cháu đã ngoài 80 tuổi, mất khả năng lao động không một chút đắn đo, suy nghĩ.
Kăn Linh cùng mẹ chồng, người luôn động viên hai vợ chồng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Kăn Linh nói rằng: “Sau khi nhận các cháu về nuôi, miệng ăn tăng lên khi kinh tế gia đình còn đang vất vả. Nhưng việc đã làm rồi nên hai vợ chồng quyết tâm chèo chống. Chồng hàng ngày lên rẫy, vợ thì ngoài việc xã hội cũng phụ một tay giúp chồng làm nương rồi chăm con. Cả nhà cùng san sẻ, nhường miếng cơm, manh áo để nuôi các cháu bất hạnh. Ấy vậy, sự đồng cam cộng khổ ấy đã đưa gia đình Kăn Linh vượt qua bao khó khăn, việc trong nhà lẫn ngoài xã hội đều vẹn toàn”.
Người mẹ bao dung, nhân hậu
Nhờ sự chăm sóc ân cần của vợ chồng Kăn Linh, những người con dần khôn lớn và được bà dựng vợ, gả chồng, cho ra ở riêng. Cô gái Hồ Thị Pưng bất hạnh ngày ấy giờ đã trở thành cô giáo dạy ở xã Xy.
Kăn Linh cười mãn nguyện bên người con dâu và cháu nội.
Bà Kăn Linh nói rằng, các con khôn lớn, thành gia thất thì mình cũng cảm thấy vui. Nhưng niềm vui ấy vẫn chưa thật sự trọn vẹn, bởi dẫu đã cố gắng nuôi dưỡng, cho các con học hành mà ít người thành tài. Tuy vậy, nhắc đến các con, Kăn Linh vẫn luôn tự hào, mãn nguyện vì giờ các con đã có cuộc sống riêng, xem như mình đã làm tròn trách nhiệm với các con.
Kăn Linh kể, vợ chồng bà có 4 người con đẻ, con đầu là Hồ Thị Líp đã có gia đình riêng và hiện đang là giáo viên. Người con thứ 2 là Hồ Thị Le, học xong Sư phạm Tiểu học đã có gia đình. Con trai thứ 3 là Hồ Cu Lết đang là cán bộ xã và người con út đang học trường ĐH Kinh tế.
Dẫu có đến 11 đứa con nuôi (1 người đã mất), 4 đứa con ruột nhưng hai vợ chồng luôn quan tâm đến các con, theo dõi bước trưởng thành của từng người. Hai vợ chồng luôn đối xử công bằng, bao dung với các con của mình.
“Con đã khôn lớn nên mình cũng được thoải mái hơn để chăm sóc những đứa khác. Dù các con ra ở riêng tôi vẫn xem chúng như con trong nhà. Dường như hiểu được những tình cảm của tôi dành cho chúng nên các con thường hay lui tới thăm hỏi, động viên mẹ. Ngày Tết, lễ, ngày mừng vào mùa các con đều tập trung tại nhà tôi, mẹ con cùng nhớ lại những chặng đường khó khăn, đói khổ nhưng luôn nhận được sự chia sẻ ngọt bùi của bà con lối xóm”, Kăn Linh trải lòng.
Với các con, Kăn Linh là người mẹ đầy nhân hậu và có tấm lòng bao dung, rộng mở. Kăn Linh cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc bởi có đông con cháu thường quây quần nên gia đình ngập tràn tiếng cười. Bà nhẩm tính có đến 14 người cháu, trong đó có 3 cháu nội, ngoại.
Không chỉ nuôi dạy trẻ mồ côi, với tấm lòng nhân hậu, vì việc thiện nghĩa, Kăn Linh đã tự nguyện hiến đất để xây dựng trường học, trụ sở Uỷ ban xã, Trạm Y tế.
Kăn Linh thấy vinh dự và tự hào khi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận.
Qua hàng chục năm công tác, với nhiều chức vụ khác nhau, việc làm của Kăn Linh đã được Đảng, Nhà nước, địa phương ghi nhận. Bà đã nhận không biết bao nhiêu tấm Bằng khen, giấy khen. Vinh dự nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao tặng vì “Có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Kăn Linh nói rằng, bản thân được mang họ của Bác Hồ nên phải sống thật xứng đáng, có trách nhiệm với cộng đồng và luôn cố gắng hết mình vì công việc. Những việc làm ấy cũng nhằm góp phần san sẻ sự khó khăn với người dân trong bản làng quê hương, nó xuất phát từ tấm lòng chứ không vì điều gì khác.
Đ. Đức