Nghề “hot” mùa Tết
Nguyễn Trang Thu (1991, cựu SV trường ĐH Lao động và Xã hội) đã gắn bó với công việc PG được 3 năm. Hiện tại, vừa tranh thủ tìm việc phù hợp với chuyên ngành đã học, hoàn thành một số chứng chỉ, Thu vừa làm PG trong những sự kiện cuối năm để kiếm thêm thu nhập.
Thu cho biết: “Mức lương sự kiện cũng tùy vào quy mô của công ty, tính chất công việc đồng thời ngoại hình của PG. Lương chương trình cao nhất có thể lên đến 1 triệu đồng, cho những PG có ngoại hình và khuôn mặt đẹp”.
Càng gần những ngày Tết, lịch đi làm của Thu cũng dày hơn nhưng số lượng sự kiện thì không phải quá nhiều, bởi thời gian diễn ra kéo dài, thường từ 2 – 3 ngày. Từ nay đến ngày nghỉ Tết, Thu nhận khoảng 7 sự kiện, đến ngày 25 – 26 Tết về quê chuẩn bị, dọn dẹp cùng bố mẹ.
“Dịp Tết, PG chúng mình lo nhất về lương. Nếu làm sự kiện một ngày thì sẽ được nhận tiền luôn nhưng nhiều ngày họ thường giữ lại, chờ quyết toán, nên rất nhiều chương trình phải ra Tết mới nhận được.
Làm công việc này, Thu được tham gia nhiều sự kiện lớn, tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, nhờ đó, mình biết cách ứng xử tốt trong mọi tình huống nên tự tin, linh hoạt hơn rất nhiều. Ngoài ra, mình hiểu thêm phương pháp tiếp thị sản phẩm.
Đặc biệt, part – time này cũng dạy mình cách chịu đựng và đối phó với môi trường, áp lực công việc. Như thời tiết giá rét những ngày gần đây, chúng mình mặc đồ mỏng và đứng ngoài hứng gió nhưng vẫn tươi cười với khách hàng”.
Thu cho biết thích làm PG cho sản phẩm công nghệ vì đỡ mệt và lương cũng ổn hơn. Tuy nhiên, để có thể làm tốt, Thu phải qua vài buổi học kiến thức và kiểm tra nên giờ kiến thức cũng trở nên “phong phú”.
Hà (năm thứ tư, trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng gắn bó với công việc này 1 năm rưỡi, nhận chủ yếu các sự kiện đồ công nghệ, các buổi giới thiệu sản phẩm.
Hà cho biết khi giới thiệu những sản phẩm điện máy, đầu tiên vẫn là cười duyên, giọng nói nhẹ nhàng và cần trí nhớ tốt để có thể giải đáp nhanh nhạy những thắc mắc về sản phẩm của khách hàng.
“Cuối năm nhiều công ty tổ chức tiệc theo kiểu tri ân khách hàng nên mình thường làm 2 – 3 sự kiện/tuần với mỗi buổi 4 – 5 tiếng, thậm chí kéo dài cả ngày. Gần Tết nhiều chương trình hơn nên cũng có những ngày Hà nhận 2 sự kiện”, Hà nói.
Trong quá trình làm PG, Hà cũng không tránh khỏi các sự cố nghề nghiệp như bị trừ lương do đi muộn, bị môi giới cắt lương nhiều, nhận lương chậm, bị sai vặt quá nhiều.
“Với những người lấy tiền môi giới cao, đó trở thành quy luật rồi, mình cũng phải chịu vì họ là đầu mối. Hầu hết chúng mình không làm trực tiếp với công ty mà thông qua một người gọi. 80% chương trình mình nhận từ môi giới.
Theo Hà, tùy người cắt giảm phí môi giới nhiều hay ít. Có người cắt đến 50% nhưng đa phần dao động ở mức 20 – 30%. Giờ nhiều việc nhưng số lượng PG cũng tăng cao, mức độ cạnh tranh lớn, giá nào cũng có người làm.
Nhờ công việc này, Hà cũng biết thêm nhiều bạn tốt mỗi khi làm chương trình khác nhau, có thu nhập khá, không phải xin bố mẹ tiền tiêu vặt… Tuy nhiên, với cô bạn gái xinh đẹp này, PG không mang lại nhiều kinh nghiệm.
“Mình thích nhận các sự kiện hội thảo vì công việc không nặng nhọc, sợ nhất là chương trình giới thiệu sản phẩm hay đứng mẫu xe phát tờ rơi, phải đứng 4 – 5 tiếng với giày cao gót rất là mệt, đau chân. Từ 27 Tết, lương PG sẽ cao hơn do thiếu người nhưng mình sẽ cố gắng về sớm với gia đình”, Hà bày tỏ.
Còn Đặng Linh (trường CĐ Sư phạm Hà Nội) thì lại là “lính mới”, làm PG được 4 – 5 tháng nhưng từ nay đến cuối tháng, lịch sự kiện của Linh kín mít nên hết 28 Tết Linh mới nghỉ để ăn Tết cùng gia đình. Chỉ một tuần nay, Linh đã nhận 5 – 6 chương trình.
Ban đầu Linh cho biết bản thân cũng thấy quá tải, nhưng làm nhiều nên quen dần. Với những ngày nhận 2 sự kiện, Linh phải đối mặt với lịch sát giờ nhau mà địa điểm lại cách xa nên đi lại luôn phải gấp gáp và giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi không có nên thường xuyên phải bỏ bữa.
Hà cho biết may mắn chưa gặp phải trường hợp “thiếu lịch sự” nào khi đi làm.
Cảnh giác với cạm bẫy
Hà cho biết mặc dù chọn những công việc nhẹ nhàng, ở những môi trường trong sáng, văn minh nhưng cũng vẫn bị trêu ghẹo bởi khách hàng thiếu lịch sự.
Hà chia sẻ: “Gặp những người thiếu lịch sự, mình chỉ biết lịch sự cười trừ thôi vì không thể làm to chuyện, tránh bị gán tội ghê gớm, hỗn láo với khách. Rất may, Hà cũng chưa có gặp phải trường hợp nào quá khích”.
Nếu như trường hợp của Hà vẫn là nhẹ nhàng, thì rất nhiều bạn trẻ hiện nay, khi làm ở những môi trường “nhạy cảm” như quán bia, bar…dễ bị sàm sỡ, Thu cho rằng các PG nên có khoảng cách khi đứng nói chuyện với khách đồng thời tạo thái độ nghiêm túc, hoặc quan sát kỹ lưỡng để nếu đối tượng có hành vi thái quá, mình không tiếp cận.
Hiện tại, có nhiều công ty tổ chức sự kiện không đáng tin cậy, lợi dụng mong muốn kiếm thêm thu nhập để tiêu Tết của sinh viên, gọi PG đi làm nhưng không trả lương.
Đối với những bạn mới bắt đầu công việc, nên tìm hiểu thông tin về công ty mình định đăng ký: quy mô, mức độ tin cậy trên mạng và bạn bè đã có kinh nghiệm.
Hay nhiều người mạo danh gọi PG đến làm nhưng thực chất lừa tiền môi giới hoặc cướp đồ, các bạn cần xem xét kỹ lưỡng nội dung thông tin gửi đến.
Hoàng Dung