Mở quán cơm, miễn phí cho người bệnh
Chuyện nấu cơm miễn phí cho những bệnh nhân nghèo khốn khó bắt đầu từ dịp Tết âm lịch. Đang là kỹ thuật viên x-quang 18 năm của Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An, Hùng mở quán cơm ngay trên mảnh đất trước ngõ vào của bệnh viện. Hành động bắt nguồn từ lúc Hùng thấy mấy chục con người phải ở lại bệnh viện mà đón xuân trong không khí vắng lặng, ai cũng thấy tủi phận…
Hùng tự bỏ tiền trong túi, rồi mời mọi người ra nấu nướng cho vui. Hùng chỉ thu tiền cơm của người đi chăm, còn người bệnh, anh không lấy một đồng. Mọi người đều vui vì có một cái tết ấm lòng, nhiều người bệnh bắt chặt bàn tay Hùng cảm ơn mãi.
Bố mẹ anh Hùng cũng tham gia vào công chuyện của con.
Mồng sáu ra Giêng, được người nhà và bệnh nhân ủng hộ, Hùng khai trương quán cơm Đoàn Kết. Bà Nguyễn Thị Hải Vân – mẹ của Hùng, ngồi tẩn mẩn cắt cải để muối dưa chua, nói: “Trước Tết ở nhà có nuôi hơn 3 chục con gà, rứa mà thi thoảng ra là thấy hụt, cứ nghĩ nó đi lạc ở mô. Mấy bữa sau nó mới nói là bắt gà lên nấu nướng cho người bệnh. Tưởng nó nói có vài hôm, mà hết Tết thì cũng hết luôn cả gà.”
Làm việc gần 20 năm, Hùng cho biết, đi viện mà nhà đói rách thì mỗi bước đi là mỗi bước lo. Tiền ít, anh lựa chọn những bệnh nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, đa phần là những người dân tộc thiểu số ở những vùng xa xôi của tỉnh.
“Người nghèo khổ nhận ra họ cũng dễ lắm, tôi vừa chụp chiếu vừa hỏi han là biết hoàn cảnh họ liền. Vì cái nghèo thì che chắn thế nào cũng cứ lộ ra.” – Hùng bộc bạch “Người nghèo chỉ đói ăn, rách áo chứ họ cũng tự trọng ghê lắm. Phải dắt tay họ vào đến quán thì họ mới bớt ái ngại, mới chịu ngồi xuống ăn”.
Hùng cho tôi xem một bản danh sách, nửa năm nay, gần 30 người điều trị tại bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An đã ăn những suất cơm miễn phí tại quán. Người ít thì 3 ngày 5 ngày, còn thường thường là nửa tháng, có những người ăn cơm ở quán của anh cả tháng trời đến lúc ra viện. Lập danh sách để báo cáo hoạt động, bởi quán cơm mới mở này là một phần của cơ sở bảo trợ xã hội An Bình Xuyên mà anh đã dày công xây dựng.
Những bữa cơm miễn phí và giá rẻ cho bệnh nhân nghèo.
Tấm lòng đến với tấm lòng
Bước đầu manh nha từ 7, 8 năm trước, qua bao nhiều lần xét duyệt từ xã lên thành phố rồi lên tỉnh, cơ sở từ thiện An Bình Xuyên của Hùng mới thành hình được gần 2 năm nay. Chỉ có tấm lòng, còn lại thủ tục giấy tờ, anh đâu có lường hết được những tréo ngoe dích dắc. Có lúc nào mệt mỏi vì chờ đợi câu trả lời ở cấp trên? “Dĩ nhiên là có, nhưng tôi luôn có niềm tin ở việc làm của mình, sẽ có người hiểu thấu”- Hùng giãi bày.
Tình cờ một lần Hùng giúp một người trong nhóm du khách Pháp đi du lịch Nghệ An thoát khỏi tử thần. Họ ngoài cái ơn cứu mạng, còn tha thiết với kế hoạch lập một cơ sở bảo trợ xã hội của anh, xa xôi vạn dặm lại gặp nhau ở lòng thương người. Họ hứa với anh sẽ liên hệ với những tổ chức có điều kiện ở trời Âu hỗ trợ phương tiện máy móc để anh thành lập phòng khám.
Hùng nói say sưa đến một khung cảnh mà ở đó phòng khám với những máy móc hiện đại, những người dân nghèo được chăm sóc chu đáo, được bố trí ăn ở. Và nhất là anh sẽ dành một phần đất của cơ sở xây mấy dãy phòng đón lũ trẻ mồ côi ngơ ngác vào ở cùng. “Nhất là những đứa trẻ mồ côi, tôi ao ước lắm” – Hùng nói, “Với những người bạn ngoại quốc có trình độ, tôi còn nghĩ đến cách thức khám bệnh qua mạng, với những chỉ dẫn của họ không phải là không khả thi”, Hùng cười nói mà như sự thực đang ở trước mắt vậy.
Những người bạn ở hiệp hội Côtes d’ Armor Việt Nam thuộc hội Hữu Nghị Việt – Pháp tham gia giúp anh Hùng những ngày khó khăn.
Bác sỹ Thái Đình Lâm – Phó giám đốc bệnh viên Lao và bệnh Phổi Nghệ An nói về người nhân viên của mình: “Khi biết về hành động giúp đỡ những người bệnh khó khăn của anh Hùng, chúng tôi rất ủng hộ anh ấy. Đó là việc làm đáng trân trọng, cụ thể hóa tinh thần lá lành đùm lá rách của con người chúng ta”.
Nguyễn Văn Hùng không có được hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn, qua tuổi tứ tuần, mải mê với những việc “bao đồng”, anh mới lập gia đình. Nhưng hạnh phúc cá nhân hình như cứ trốn tránh, bỏ anh lại. Đã 43 tuổi, Hùng vẫn chưa yên bề gia thất.
Hết thời gian làm công việc chuyên môn ở bệnh viện, anh xăng xái soạn đũa bát, bày biện cơm canh cho những người bệnh ghé quán hằng ngày. Giữa cả mấy chục lượt người vào ăn cơm gia đình anh nấu, mỗi suất ăn chỉ phải trả 10-15 ngàn đồng giữa buổi vật giá tăng nhanh này sẽ được trích ra dành cho những bữa ăn cho một vài bệnh nhân khốn khó.
Và hàng tuần, sáng chủ nhật nào cũng vậy, Hùng cùng gia đình nấu một nồi cháo thịt lớn, bệnh nhân hay người nhà bất kể ai, cứ đói bụng là ghé quán được phục vụ miễn phí.
Danh Thắng – Nguyễn Duy