Người lớn đang đi quá đà!

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 03/01/2007
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Thứ nhất, người lớn chúng ta làm cho em Trí và gia đình lo lắng ảnh hưởng đến việc thi hết cấp phổ thông và đại học sắp tới. Mặt khác làm cho em Trí né trách nhiệm trước hành vi vi phạm của mình với lý do “vì động cơ muốn cảnh báo lỗ hổng an ninh mạng” và do “tuổi trẻ nông nổi”, do “dũng cảm”… Đồng thời với quan điểm này lại đẩy những người có trách nhiệm quản lý website của Bộ GD-ĐT vào chỗ cố tìm cách “phản công” để né trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc website bị tấn công.

 

Ở đây tạm thời phân loại: Ông Quách Tuấn Ngọc – người chịu trách nhiệm về website của Bộ GD-ĐT, là “bên bị hại”; còn Bùi Minh Trí là “thủ phạm”. Nhưng cách làm của người lớn chúng ta đang đẩy cả bên bị hại và thủ phạm vào cùng một chỗ ngồi chung, đó là chỗ ngồi vô trách nhiệm.

 

Một bên cố khẳng định sự an toàn của website chứ không phải “không đếm xỉa” đến lời cảnh báo “có trách nhiệm” của Trí, một bên cố gắng hack website với lời thách thức “cach me if you can” (nếu có thể anh cứ việc bắt tôi) nhưng sau đó giải thích là do bức xúc, do xốc nổi…; một bên dùng những lời (bị hiểu là) có tính chất xúc phạm đối với gia đình Trí (sau đó đã xin lỗi), một bên thì nói nhiều điều, nhưng không nói nhiều đến trách nhiệm của một công dân trước hành vi phá hoại của mình…

 

Thứ hai, đẩy các cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc (theo quy định của pháp luật) vào chỗ lúng túng: Xử lý nghiêm thì bị cho là thiếu tình, thậm chí thiếu nhân văn; xử lý không nghiêm thì chính mình lại đẩy pháp luật vào chỗ không được áp dụng đối với những hành vi vi phạm cần phải điều chỉnh để bảo đảm trật tự xã hội.

 

Thứ ba, đẩy trách nhiệm xử lý vụ việc (trách nhiệm này thuộc cơ quan chức năng) vào tay ông Bộ trưởng Bộ GDĐT. Việc của vị bộ trưởng là phải lo chính sách, đường lối để ngành GDĐT thoát khỏi mớ bòng bong hiện nay, nhưng người lớn chúng ta đang “bắt” phải xử lý một việc quá cụ thể dưới sự giám sát quá chặt chẽ, thậm chí bắt bẻ đến câu chữ. Làm thế thì tránh làm sao khỏi việc ông bộ trưởng lúng túng, “đi vướng núi, về mắc sông”.

 

Trong một xã hội có nhà nước thì dù pháp luật tồn tại dưới hình thức văn bản nào đều là công cụ giữ gìn trật tự xã hội. Chúng ta không thể đồng tình với việc làm vi phạm của em Trí. Hành vi của em Trí phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật của chúng ta là nhân văn, giáo dục, phòng ngừa hơn là trừng phạt.

 

Vì thế, theo quy định của pháp luật, trường hợp em Trí cần được xem xét thấu tình, đạt lý, tính đến nhân thân học sinh có năng lực, sự hối lỗi, dũng cảm nhận thấy sai phạm của mình, và xét đến tương lai phấn đấu của em ở phía trước. Tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà ngụy biện cho hành vi gây hại cho xã hội theo kiểu nhà dễ cháy nếu cảnh báo không ai nghe để đề phòng thì mình tự tay phóng hoả cho biết tay!

 

Nếu cứ thế thì các bạn trẻ có chút trình độ về tin học sẽ cứ hack các website thoải mái rồi sau đó biện minh rằng do tuổi trẻ xốc nổi (?!). Như vậy, chúng ta sẽ đào tạo ra một lớp thanh niên sống vô chính phủ, không tôn trọng nguyên tắc.

 

Người lớn chúng ta đừng đẩy sự việc này đến chỗ “hình sự hoá” quá mức, nhưng cũng đừng đẩy đến chỗ “thường tình hoá”. Bởi vì cả hai thái cực này đều gây bất ổn cho xã hội.

 

Theo Tô Phán Lao Động

Exit mobile version