Du học xa nhà nơi đất khách quê người, những ký ức về quê hương của nhiều bạn gắn liền với “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau…”, nên khi chứng kiến hình ảnh những cây xanh bị chặt phá, ai cũng cảm thấy xót xa , tiếc nuối và hụt hẫng như chính những kỷ niệm tuổi thơ đang mất đi.
Hà Nội quyết định dừng việc hạ chuyển, thay thế cây xanh
Nguyễn Minh Anh, du học sinh tại Slovakia cho biết: “Mấy tháng nữa mình về Hà Nội, nghĩ đến cảnh phố xá trống trơn mình cảm thấy khá trống trải. Những tuyến phố bị phá bỏ cây xanh lại ở gần nhà mình, mình đi học ở đấy bao nhiêu năm trời, cứ hè nắng là có cây xanh bóng mát che chở, mát cà nửa con đường.
Giờ xa nhà cả năm trời về thấy trơ trụi hết, hè nắng không có hàng cây ấy cũng mệt, đông về không có nơi chắn gió, nó lại gắn bó với mình từ thời còn nhỏ nữa nên mình thấy chạnh lòng.
Mình thì không thể làm được gì để giữ lại hàng cây đấy cả, sẽ thấy khá xa lạ và trống trải nữa vì ngày nào ra đường là lại đi qua đoạn đường Nguyễn Trãi, nơi có rất nhiều hàng cây bị phá bỏ. Giờ không có hàng cây này, như được về nhà mà niềm vui không trọn vẹn vậy”.
Du học sinh tại Slovakia, Nguyễn Minh Anh
Lê Thu Hồng, du học sinh tại Thụy Sĩ, tậm sự: “Từ hồi tháng 6, tháng 7 năm ngoái mình có về Việt Nam, thấy hàng cây cổ thụ đường Nguyễn Trãi nhà mình bị chặt ầm ầm. Mình thấy rất buồn, rất tiếc, đó là một sự mất mát lớn.
Mình không biết đề án chặt 6.700 cây xanh là đúng hay sai, nhưng Hà Nội sẽ không còn là Hà Nội nếu không còn cây sưa, cây sấu… đó có thể là nỗi đau cho những người yêu Hà Nội khi mà những thứ đã gắn liền với một phần tâm hồn của họ bị đánh mất”.
Cũng là một du học sinh đang du học tại Thụy Sĩ, Phí Hoàng Long cho rằng: “Mình hoàn toàn không đồng ý với việc chặt hạ một lúc nhiều cây như vậy. Có thể thành phố muốn cải tạo, nhưng việc chặt hạ như vậy mình không đồng tình”.
Đa phần những người con Hà Nội xa quê đều không đồng tình để những hàng cây bị mất đi
Phạm Hoàng Anh, 24 tuổi, hiện đang du học tại Thụy Điển, chia sẻ: “Những hàng cây xanh trên hè phố đã gắn liền với mình từ lúc đi học đến giờ. Từ thời đi xe bus hay đi bộ lang thang trên vỉa hè cho đến khi lớn lên. Nên khi cây xanh bị chặt đi, mình nghĩ thứ nhất là rất mất mĩ quan, thứ hai là mất đi đi hình ảnh Hà Nội cổ kính, và mất đi nhiều kỉ niệm của bọn mình nữa.
Nhớ những ngày cấp 3, đi học về đều đi bộ trên vỉa hè Kim Mã, mỗi mùa bằng lăng tím đều rất đẹp, đáng nhẽ lên xe bus về luôn, nhưng mình lại đi bộ thêm một bến để tận hưởng sự trong lành của Hà Nội. Hàng cây xanh gắn bó với mình nhiều kỷ niệm lắm.
Về thăm lại quê hương, thăm lại Hà Nội , mình nghĩ là sẽ thấy rất hẫng hụt, tưởng tượng Hà Nội đông đúc ồn ào vốn có cây xanh để điều hoà theo đúng nghĩa đen luôn, thì giờ chỉ còn toàn người, xe cộ và nhà cao tầng.
Ở Thụy Điển nói riêng hay cả châu Âu nói chung, dù các thành phố rất phát triển những vẫn “xanh”, họ rất yêu cây xanh, lúc mới sang, tớ còn nghĩ mình lạc vào một khu rừng vì đi đâu cũng thấy cây xanh. Mình mong Hà Nội sẽ phát triển những vẫn giữ được những nét cổ kính như trước đây”.
Hoàng Anh mong muốn một Hà Nội phát triển nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính như trước đây.
Bên cạnh những ý kiến không đồng tình với đề án chặt phá 6700 cây xanh ở Hà Nội, nhiều bạn du học sinh có ý kiến khá khách quan. Một bạn nữ giấu tên tại Hà Lan, chia sẻ: “Cảm xúc của mình khá lẫn lộn, vừa nuối tiếc và cảm thông. Mình tiếc vì đúng là có những kỷ niệm gắn bó, nhất là với hoa sữa và mùa thu Hà Nội.
Thế Quyết