Theo tìm hiểu, trường hợp đông lạnh cơ thể đầu tiên xuất hiện tại Mỹ từ thập niên 60 nhờ dựa vào cuốn sách “Toàn cảnh về bất tử” của giáo sư Robert Ettinger (trường đại học Michigan), khi trong đó đề cập đến việc con người có thể sống lại nếu được cấp đông ngay thời điểm chết.
Trường hợp điển hình nhất có thể kể đến là Mike Carter, một người đàn ông 73 tuổi, đến từ Anh. Được biết, sau khi tìm hiểu kỹ về dịch vụ kỳ lạ này trên mạng, ông đã quyết định dành hơn 160.000 bảng Anh (khoảng 4,7 tỷ đồng) để hy vọng phép màu hồi sinh có thể xảy ra với mình trong tương lai.
Mike chia sẻ rằng: “Tôi đã rất tức giận khi nghĩ đến việc ngày nào đó mình sẽ phải ra đi vĩnh viễn. Đối với tôi, việc chết đi chính là một cách bị lãng quên. Do đó, tôi đã luôn tìm kiếm cơ hội để được sống tiếp”.
Để nắm bắt kịp thời khoảnh khắc ngừng thở của Mike, rất nhiều nhân viên của dịch vụ này đã phải túc trực ngày đêm bên giường bệnh. Bên cạnh đó, họ còn phải nhanh chóng làm các khâu chuẩn bị để khách hàng sẵn sàng “đóng băng” và đi tới một giấc ngủ dài.
Ngoài ra, các nhân viên còn thực hiện các thao tác khác như: tiêm thuốc chống đông máu, bảo quản cơ thể ở nhiệt độ -78̊ C với carbon dioxide,…Tiếp theo, cơ thể khách hàng sẽ được xử lý qua 16 quy trình khác nhau nhằm mục đích ngăn chặn tế bào không bị kết tinh.
Sau đó, toàn bộ máu và dịch sẽ được hút ra khỏi cơ thể, đồng thời, thay vào đó là chất chống đông. Cuối cùng, họ sẽ treo ngược cơ thể đông lạnh này trong một bồn chứa ni-tơ lỏng. Tất cả quá trình trên được thực hiện liên tục trong vài tiếng đồng hồ với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp.
Được biết, công cuộc tìm kiếm cơ hội hồi sinh này đã thu hút hàng nghìn đại gia trên khắp thế giới tham gia. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 3 trung tâm thực hiện dịch vụ đóng băng cơ thể được đặt tại Anh, Mỹ và Nga.
Minh Nhật
Theo MR