Tới năm 1993 ông Khang được về nghỉ chế độ, công cuộc phát triển nghề đúc đồng truyền thống kết hợp với cơ khí hiện đại được ông nhen nhóm và cụ thể hóa từ đây. Ông Khang đi khắp nơi để học nghề lại từ đầu, nhiều làng nghề nổi tiếng như Ngũ Xá ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá… ông đều ghé qua.
Với kỹ năng sẵn có trong suốt quá trình học tập và làm việc ở nhà máy sửu chữa ô tô 3/2, ông Khang nhanh chóng học thành thạo nghề truyền thống. Xưởng đúc đồng truyền thống kết hợp với cơ khí hiện đại được ông dựng lên. “Đơn đặt hàng đầu tiên xưởng tôi nhận được là 20 bức tượng đồng cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Phía bảo tàng đòi hỏi rất cao về kỹ thuật thuật từ khối, từ mạc, từ nét các pho tượng mà chuyển thể từ thạch cao thành các pho tượng đồng phải trung thành với ý đồ tạo hình của các tác giả “, ông Khang cho biết.
“Bên cạnh đó Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có có yêu cầu với 20 bức tượng đồng, mỗi bức phải có một màu sắc khác nhau. Trước năm 1990, nói đến tượng màu quả là việc vô cùng khó, nhiều người ba đời làm nghề đúc đồng cũng không thể nào tạo màu cho tượng được. Tuy nhiên tôi đã làm được điều đó và 20 bức tượng đồng hiện tại đang đặt trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mỗi bức đều có một màu riêng, đến nay vẫn đẹp, sắc nét và chưa hề phải sửa chữa”, ông Khang kể.
Khoảng thời gian trước năm 1974, nghề đúc đồng vô cùng khó khăn vì thiếu nguyên liệu. Ông Khang kể, đã từng trên dưới 10 lần có ý định bỏ nghề nhưng cuối cùng vẫn bám trụ. “Có lẽ nghề này đi theo tôi đến suốt đời, thời điểm khó khăn chỉ là lúc mình chưa tìm được ra bí quyết để chinh phục những bức tượng yêu cầu cao, đòi hỏi kỹ năng thuần thục”, ông tâm sự.
“Nghề làm tượng đồng đặc biệt vất vả, phải tiếp xúc với đất, cát, khói, bụi, nắng nóng, nhưng khó khăn hơn là kỹ thuật tạo ra những chi tiết nhỏ như mắt phải có viền, môi phải có bờ, tai phải có gờ. Một pho tượng chân dung phải nhìn được ngũ sơn nhị thuỷ, tam đình ngũ nhãn. Đồng thời, phải nhìn lưỡng quyền, ấn đường, người nào thông minh thì ấn đường ra sao… Làm tượng đồng phải hiểu về nhân tướng học, khi hiểu về điều này thì người làm có thể bắt được ngay cái hồn của pho tượng và khi lên màu xử lý được pho tượng sẽ làm cho pho tượng đang nặng nề trở nên nhẹ nhàng đi, mới thật nhưng lại hóa cũ”, ông Khang kể.
Theo ông Khang, nghề đúc đồng khi làm là cả một tác phẩm nhưng khi ra lò bán ra thị trường thì chỉ là một sản phẩm. “Nhiều người nghĩ làm nghề này nhiều tiền lắm. Thực ra không phải vậy. Khoản tiền lớn khi được nhận phải chia cho nhiều khâu khác nhau. Nguyên liệu là thứ tốn tiền nhất, sau đó đến công cán của thợ”, ông Khang cho biết.
“Để làm ra một tác phẩm thì cần phải dựa xem đó là tác phẩm nào, trước tiên phải qua khâu ảnh chụp, phân tích rồi tạo hình bằng đất sét nặn thành mẫu. Sau khi đáp ứng được yêu cầu của khách hàng lúc ấy mới làm khuôn đúc ra thành tượng. Một pho tượng chân dung cao 50 cm thường làm trong khoảng 2 tháng”, ông Khang chia sẻ.
“Sau khi Việt Nam ra nhập WTO, thị trường nước ngoài mở ra, nghề đúc đồng của Việt Nam cũng có thua thiệt vì các nước trên thế giới họ đều làm bằng máy móc, sản phẩm ra lò rất đẹp và giá thành rẻ hơn hàng thủ công. Tuy nhiên nhiều người lại thích hàng đúc thủ công. Một pho tương Quan Công của Trung Quốc làm bằng máy móc đặt cạnh một pho Quan Công làm thủ công của Việt Nam, chắc chắn họ chọn sản phẩm thủ công vì nó nặng hơn, chất lượng cao hơn và đặc biệt, nó mang tính chất thủ công truyền thống, ông Khang chia sẻ.
Ông Khang quan niệm không dấu nghề, sẵn sàng truyền lại cho thợ. Hiện xưởng đúc đồng của ông đang được một người con trai quản lý. Thế mạnh của ông là đúc tượng đồng chân dung. Một trong những bức tượng làm ông ưng ý nhất đó là bức tượng Bác Hồ đang đặt tại Văn phòng Chính phủ.
Trọng Trinh