Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết diệt sâu bọ, Tết Đoan Dương, Tết mùng 5… Sở dĩ người Việt Nam gọi “Tết diệt sâu bọ” bởi vì đang trong thời giao chuyển mùa, chuyển tiết, dễ phát sinh gây bệnh nên vào ngày nay người dân có tục diệt trừ sâu bọ để phòng trừ bệnh.
Ngay từ sáng sớm rất đông người dân đổ về các chợ để mua sắm lễ vật chuẩn bị cho bàn thờ cúng. Cho đến bây giờ một số làng quê ở Việt Nam vẫn còn giữ nề nếp xưa, rất coi trọng ngày tết này. Ngoài tết Nguyên Đán thì tết Đoan Ngọ là dịp mà những người thân, họ hàng đi làm ăn xa về sum họp ấm áp bên gia đình. Bên cạnh đó còn là ngày con cháu thờ cúng nhớ về cội nguồn, tổ tiên ông bà, hướng tới trời đất cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Cũng vào thời điểm này là thời khắc mà cây trái, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết quả. Vì vậy trái cây là món đồ cúng không thể thiếu như vải, mận, chuối, xoài, ổi… Ngoài ra có những món ăn đã trở nên truyền thống, dân dã và quen thuộc đối với người dân như vịt xáo măng, xôi chè, bánh giò, rượu nếp… Bên cạnh đó còn có những món ăn khác tùy theo tập tục của từng địa phương.
Ngoài những công việc chuẩn bị đón Tết Đoan Ngọ người dân còn có tập tục đi tắm biển – đây là phong tục lâu đời của người dân vùng biển, họ tin rằng vào ngày này giờ Ngọ, chỉ cần xuống biển tắm thì mọi xui xẻo, bệnh tật đều tan biến.
Bà Nguyễn Thị Trọng (tại làng thôn Tân Hội, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) cho biết: “Thường cứ đến ngày mùng 5 là ngày tết truyền thống ai ai cũng chuẩn bị bánh trái, xôi chè chợ búa đông vui, nhộn nhịp hơn cả ngày tết Nguyên Đán. Đặc biệt món thịt vịt được coi là món ăn đặc trưng trong ngày tết Đoan Ngọ vì ngày 5/5 khí trời nóng nực ăn vịt mát bổ trong thời tiết nắng nóng. Ngoài ra thì còn món chè kê ăn kèm với bánh tráng giòn hòa chung với vị ngọt của đường có vị thơm cay của gừng nên món chè nhìn rất hấp dẫn”.
Chị Nguyễn Thị Mai ở huyện Phong Điền chia sẻ: “Ngoài những dịp lễ khác thì tết Đoan Ngọ là ngày mà dịp các thành viên sum vầy ấm áp bên gia đình, được về nhà thưởng thức những món ăn mẹ nấu món ăn truyền thống, không khí trong gia đình vui tươi rộn ràng hẳn lên khi các thành viên cùng nhau chuẩn bị và quây quần bên nhau”.
Chính vì vậy cho dù có bận bịu đến đâu, giàu có hay nghèo khổ nhưng tất cả người dân trong các làng, các xã cũng đều chuẩn bị cho mình một cái tết thật chu đáo, đầy đủ cả nhà đều tụ họp ăn uống bên nhau và cầu mong mọi đều tốt đẹp trong những ngày giao mùa không ốm đau bệnh tật, mùa màng bội thu.
Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận không khí Tết Đoan Ngọ ở làng quê Huế vào sáng nay 30/5:
Thu Mẫn – Nhã Phương – Đại Dương