Những dòng chữ nghuệch ngoạc, sai chính tả “loạn xạ” trong cuốn sổ mà anh Trần Văn Thắng đánh rơi lúc lục túi tìm giấy tờ của con trai, khi hai bố con đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám ngày 10/10 cùng các cô trong nhóm thiện nguyện.
Cuốn vở học sinh cũ. Từng trang giấy dường như đã được lần giở nhiều lần, mỏng dính. Một trang giữa cuốn, ghi ngày 26/8/2019, được đánh số thứ tự cẩn thận. Chỉ có điều, số thì có tên, có tiền, số lại chỉ ghi “xe Biếp số 27”, “cô ở bệnh viện nhi trung ương”… – những người tốt bố con anh chưa kịp biết tên. Chứng tỏ, anh đã đưa con đi viện nhiều lần, từ tỉnh đến trung ương.
Ngượng ngùng khi bác sĩ “biết chuyện”, ông bố của 4 người con ấy đỏ mặt, lý nhí nói: Để sau này con lớn con biết ơn…
TS Phạm Thị Việt Dung thăm khám cho bệnh nhi Nguyễn Thế Đà
Anh Trần Văn Thắng là người dân tộc Tày, quê ở Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh. 4 người con của anh, đứa lớn 14 tuổi, cậu con trai nhỏ mới 20 tháng. Một đứa trong đó bị khuyết tật. Ấy vậy mà, 4 tháng trước, vợ anh bệnh tật, bỏ 5 bố con anh ra đi. Ông bố trẻ bỗng nhiên trở thành đơn thân gà trống nuôi con trong căn nhà xuống cấp.
Bé Nguyễn Thế Đà 20 tháng tuổi, sinh ra đã bị những vết bớt sắc tố loang lổ nhiều màu. Gương mặt với trán, mũi cằm có lẽ là nơi ít bị “chàm ăn” nhất. Quanh má bé, vết chàm đen chạy dài bám rìa mặt như hàm râu quai nón. Toàn vùng bụng phủ đầy một màu đen như ai đánh đổ lọ mực. Vùng cánh tay, chân lại phủ màu đen mờ, loang rộng. Hiếm hoi lắm mới thấy một khoảnh da màu bình thường…
Những vết chàm đen khiến em dù đã gần 2 tuổi vẫn chưa từng một lần được gặp hình ảnh của mình, được nhìn mình trong gương. Có lẽ, em chưa biết toàn thân, mặt, chân tay của mình khác tất cả mọi người trên thế gian…
Anh Thắng địu con, một mình đưa cậu bé 20 tháng tuổi đi khắp các viện để cứu chữa.
Anh Thắng lưng địu con, tay xách túi đồ lỉnh kỉnh, thuần thục như một người mẹ. Có vẻ anh đã quen công việc này. Người đàn ông kiệm lời, tay cầm cuốn sổ hộ nghèo, không “trình bày kể lể” mỗi khi bác sĩ Phạm Thị Việt Dung – Khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỏi han.
Không trả lời quá 5 từ khi bác sĩ hỏi thăm, nhưng khi bế con, giữ tay con cho bác sĩ khám, anh Thắng mắt đỏ hoe, ầng ậc nước, không dám nhìn thẳng vào mắt ai, nhưng dường như tha thiết muốn bác sĩ cứu con mình.
Cậu bé nhỏ thó, nhìn đâu cũng thấy lạ lẫm. “Tôi hơi hoang mang, không biết lấy chất liệu ở đâu để tạo hình cho con, khi mà phần da lành của con còn quá ít ỏi” – TS Phạm Thị Việt Dung chia sẻ.
Chiều Chủ nhật 14/10, bé Đà sẽ được nhập viện, sẽ thực hiện mổ lần đầu tiên. Các bác sĩ hi vọng sau 3 lần mổ bé sẽ có gương mặt sáng.
“Chúng tôi sẽ cố gắng để kịp lần đầu tiên trong đời con nhìn thấy mình trong gương không phải là gương mặt lem nhem, đen sì đen sịt này. Con sẽ không còn phải cúi mặt khi gặp người lạ” – BS Việt Dung kỳ vọng…
Theo TS. Phạm Thị Việt Dung, các vết chàm đen chính là các u sắc tố lành tính. Chúng được xem là bớt sắc tố bẩm sinh, có người sinh ra đã nhìn thấy rõ các vết tích đó, nhưng cũng có người bớt sắc tố chỉ xuất hiện khi bước vào tuổi trưởng thành.
Các vết chàm đen thường xuất hiện ngay từ khi trẻ lọt lòng, lớn dần theo thời gian dù rất chậm, sau tuổi dậy sẽ cố định lại. Kích thước của các vết chàm có thể lớn bằng đầu ngón tay, bàn tay thậm chí là lan rộng trên 1 phần cơ thể.
Các bác sĩ cho biết dù chàm đen không gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng sự có mặt của chúng gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của trẻ, nhất là khi trẻ càng lớn.
Tuy nhiên, BS. Dung cũng cảnh báo, có một số trường hợp ung thư hắc tố xuất phát trên nền tổn thương của các vết chàm đen bẩm sinh. Nếu thấy xuất hiện tình trạng vết chàm đột nhiên to hơn, biến dạng hoặc bị đau, đây rất có thể là dấu hiệu của u sắc tố phát triển thành giai đoạn ác tính. Cha mẹ cần đưa con đi khám ngay lập tức nếu thấy các hiện tượng này.
Theo Gia đình& Xã hội