Nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 18/05/2012
Lần cập nhập cuối: 14/01/2021

Hội thảo là cơ hội để các nghệ sỹ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu, ôn lại những ký ức, chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác, biểu diễn và thể hiện hình tượng Bác Hồ nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Người.

 

Đây cũng là dịp để ngành chức năng đánh giá lại những thành tựu, hạn chế trong sáng tác, biểu diễn nhằm tìm ra giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác, biểu diễn để có thêm những tác phẩm sâu khấu chất lượng góp phần đưa hình tượng Bác Hồ đến gần hơn với công chúng.

 

Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết của các nhà khoa học, nghệ sỹ, diễn viên đã góp phần tạo dựng hình tượng của Bác Hồ cao cả mà gần gũi, nghiêm túc mà bao dung, giản dị mà chân thật trên sân khấu.

 

Ông Kỳ nhấn mạnh hình tượng của Bác đã được thể hiện qua nhiều loại hình nghệ thuật, ở thời điểm, giai đoạn lịch sử khác nhau và vẫn là mạch nguồn vô tận cho các nghệ sỹ khai thác để tiếp tục vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật. Nhưng để thể hiện thành công hơn nữa hình tượng Người trên sân khấu, các nghệ sỹ, diễn viên, nhà biên kịch… cần hiểu sâu hơn về cả cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp của Bác.
 

Nghệ sỹ Tiến Hợi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Các ngành chức năng cần ưu tiên hơn, có đầu tư thỏa đáng cho nghệ thuật, nhất là những tác phẩm nghệ thuật xây dựng hình tượng Bác Hồ, vị lãnh tụ của cả dân tộc.

 

Hình tượng Hồ Chí Minh đã được các loại hình văn học-nghệ thuật khai thác nhiều ngay từ khi Người còn sống. Nhưng tới năm 1976, lần đầu tiên hình tượng Bác được phản ánh trên sân khấu trong vở “Người công dân số một” do Nhà hát Cải lương Trung ương thể hiện. Từ đó, hình tượng Người xuất hiện rất nhiều và để lại ấn tượng trong lòng khán giả và làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sỹ.

 

Nghệ sỹ Nguyễn Tiến Hợi, một trong những người được ghi nhận là thành công trong việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu chia sẻ việc diễn tả được hình tượng của Người qua diễn xuất, trước sự đón nhận trực tiếp của công chúng, từ gương mặt, dáng người đến giọng nói, các cử chỉ thông thường, không gây sự ngỡ ngàng, xa lạ và gượng ép đòi hỏi người nghệ sỹ dồn hết tâm sức, đầu tư có chiều sâu, hòa mình vào vai diễn.

 

Tiến sỹ Trần Đình Ngôn, tác giả của 4 tác phẩm kịch nói, chèo về Bác lại cho rằng không thể thiếu được sự “vào cuộc” của các nhà viết kịch, đạo diễn. Theo ông, các nhà viết kịch, đạo diễn cần nhìn rõ các khó khăn, phải “lao tâm khổ tứ” khi khai thác đề tài về Bác. Bởi chính những khó khăn về độ chênh lệch giữa tầm vóc vĩ đại của nguyên mẫu với tài năng sáng tạo của tác giả còn nhiều hạn chế, hình tượng Bác Hồ trên sân khấu không còn được các tầng lớp khán giả quan tâm như trước… Cho đến nay, sâu khấu Việt Nam chưa có được nhiều vở diễn thể hiện hình tượng Bác Hồ.

 

Cùng chung quan điểm trên, nghệ sỹ ưu tú Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và đạo diễn – nghệ sỹ ưu tú Lê Chức cho rằng, các nghệ sỹ thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu gần gũi với đời thường phải đạt được yếu tố ngoại hình và cả cái “thần” của Bác. Để có được điều này đòi hỏi sự thống nhất, tập trung cao độ, tinh thần, trách nhiệm và tâm huyết của cả một êkíp các nhà biên kịch, diễn viên, nhân viên hóa trang, phục trang, phụ trách ánh sáng…

 

Đơn cử như sự phối hợp của cố nghệ sỹ ưu tú Sỹ Hùng và họa sỹ hóa trang Nhữ Đình Nguyên cho công chúng hình ảnh gần với Bác lúc mới về nước (từ 1941, vài năm sau đó khi Người ở Pác Pó, Cao Bằng và đau yếu); nghệ sỹ Tiến Hợi cho hình ảnh Bác khá gần gũi vào những năm 1945 và vài năm sau đó…

 

Theo Mỹ Bình

TTXVN

Exit mobile version