Nguyễn Hồng Quang (sinh năm 1980, thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) không chỉ là người gây dựng lại và thổi một luồng gió mới vào làng gốm nức tiếng một thời mà còn là thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi với mức thu nhập hơn 1 tỷ mỗi năm, nhờ vào nghề làm gốm.
Có duyên với gốm
Nguyễn Hồng Quang (SN 1980) quê ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hồi còn nhỏ, anh thường xuyên theo bố mẹ lên hợp tác xã làm gốm, từ đó tình yêu gốm lớn dần trong anh. Gốm sinh ra làng, gốm tạo công ăn việc làm cho người dân, gốm nuôi những đứa trẻ như anh khôn lớn.
Làng gốm Hương Canh hình thành và phát triển cách đây hơn 300 năm, nổi tiếng với những sản phẩm như: chum, vại, nồi niêu, ấm chén…
Tuy nhiên, những năm gần đây, gốm Hương Canh dần mất đi chỗ đứng trên thị trường, nghề làm gốm truyền thống cũng dần mai một. Hợp tác xã gốm Hương Canh giải thể, gia đình anh cũng “chia tay” lò nung gốm. Anh cùng gia đình chuyển sang sản xuất ngói, lãi không nhiều nhưng đó cũng là việc làm nuôi sống cả nhà.
Anh Quang trở lại với gốm khi bất ngờ gặp một họa sỹ xuống làng tạo hình gốm mỹ thuật. Anh nhớ lại: “Ban đầu nghe bác ấy nói về gốm mỹ thuật tôi không hiểu. Tác phẩm của bác hầu hết là những kiểu chum, vại méo mó, trông rất khó ưa.
Tuy vậy, bác giải thích, đó mới là nghệ thuật và còn nói nó có một thị trường rộng lớn. Tôi chủ động hỏi han và khi được bác định hướng, động viên tôi quyết định đi theo gốm nghệ thuật”.
Năm 2001, tỉnh Vĩnh Phúc có dự án mở lớp trung cấp khôi phục nghề gốm Hương Canh. Anh hào hứng đăng ký tham gia. Sau hai năm theo học trường trung cấp, đến năm 2003, anh thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội – Khoa Điêu khắc.
5 năm kiên trì học về gốm, anh Quang đã có thêm nhiều kiến thức về gốm nghệ thuật. Anh nhận ra rằng, để thành công nhất định phải sáng tạo, thoát khỏi cung cách sản xuất gốm xưa cũ.
Thế chấp nhà để dựng cơ sở sản xuất gốm
Để vay được 150 triệu từ ngân hàng, anh Quang phải thế chấp nhà. Anh dùng toàn bộ số tiền đó vào việc mua than, củi và những vật dụng cần thiết để mở cơ sở sản xuất gốm trên mảnh đất hơn 100m2. Hăm hở bắt tay vào công việc với hy vọng lớn, nhưng “ lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những mẻ gốm đầu tiên của anh đều thất bại đến 90%.
Thất bại không làm anh Quang nản chí và chùn bước. Với kiến thức có được từ 7 năm theo học trường Mỹ thuật và kinh nghiệm từ gia đình 4 đời làm gốm, anh đã hiểu ra nguyên lý nung gốm. Gốm thành phẩm có hai màu cơ bản là màu đỏ và màu nâu, nếu đốt lò ở nhiệt độ khoảng 1.000 – 1.100 độ C thì có được màu đỏ, còn đốt lò ở nhiệt độ trên 1.250 độ C thì sẽ được màu nâu rất đẹp.
Anh mạnh dạn đầu tư lò nung bằng ga. Hiện tại, anh là người sử hữu lò ga đầu tiên và duy nhất ở làng gốm Hương Canh, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nung được nhiều sản phẩm cùng lúc, vừa đạt hiệu quả cao từ 95 – 100%. Anh Quang cho biết, một mẻ gốm nung ở lò thủ công chỉ lãi 8 triệu, nhưng nung ở lò ga thì lãi được 40 triệu.
Cơ sở của anh Quang sử dụng hai phương thức sản xuất gốm, đó là thủ công và bán công nghiệp. Bán công nghiệp là lấy đất phơi ải rồi cho vào máy nghiền, nhào trộn rồi mang ra tạo hình. Còn thủ công là dùng tay nhào nặn đất. Anh Quang cho biết, sử dụng phương pháp thủ công tuy vất vả và lâu hơn nhưng đất lại mịn và dẻo dai, dễ tạo hình hơn.
Chất lượng đất sét là yếu tố quyết định sự thành bại của làm gốm. Anh Quang cho biết :” Sét Hương Canh có hai loại: Nâu và xanh. Phía trên là sét nâu, đào sâu xuống 3 mét là sét xanh. Lấy hai loại sét theo tỷ lệ 2 xanh, 1 nâu hoặc ngược lại trộn với nhau thì sẽ ra được màu tương ứng. Tùy theo sở thích, có người thích màu rêu xanh tựa ngọc thì sẽ dùng sét xanh nguyên chất”.
Gốm không phụ người
Sản phẩm gốm nghệ thuật của anh rất được ưa chuộng tại thị trường TP.HCM. Mỗi tháng anh thu về không dưới 100 triệu tiền lãi và thu nhập mỗi năm của anh lên tới hàng tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho 6 đến 7 người với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu/tháng.
Năm 2013, anh Hồng Quang được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng danh hiệu người thợ trẻ giỏi toàn quốc và đoạt nhiều danh hiệu nghệ nhân làm gốm của tỉnh.
Anh Quang dự định trong tương lai sẽ thay đổi mẫu mã, mở rộng quy mô sản xuất và nhân rộng mô hình sản xuất ra nhiều hộ gia đình khác, tạo nên những sản phẩm đồng bộ đạt chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài từ đó tạo tiền đề gây dựng lại làng gốm Hương Canh.
Theo Minh Trang
Dân Việt