“Voice talent” là khái niệm chỉ những người có giọng đọc tốt và tham gia vào ngành đọc các đoạn quảng cáo. Lĩnh vực này từ lâu vốn đã có một nhu cầu rất lớn về nguồn cung nhân lực, tuy nhiên việc tìm kiếm những giọng đọc tốt vẫn như “mò kim đáy biển”.
Thiếu trường lớp đào tạo, thiếu sân chơi chuyên nghiệp hay thiếu những tài năng… Đó là những câu hỏi lớn để một thực trạng tồn tại “một giọng đọc xuất hiện liên tục trong ba bốn đoạn quảng cáo liên tiếp trên truyền hình”.
Nhu cầu thị trường thì rất lớn nhưng trường lớp đào tạo thì hầu như chưa có. Các lớp luyện thanh theo kiểu truyền kinh nghiệm, hay “tiếng nói sân khấu”… thì chưa phải là nơi đào tạo voice talent. Sâu chơi để tìm kiếm và phát hiện tài năng trong lĩnh vực này hầu như còn rất hạn chế.
Mới đây, trong chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm những “Gương mặt truyền hình” bất ngờ có phần thi “Thử thách giọng đọc TVC”.
Không tham gia giảng dạy bất kỳ trường lớp đào tạo nào, voice talent hàng đầu Việt Nam này chỉ xuất hiện duy nhất trong show truyền hình thực tế về nghề MC của HTV và xây dựng kênh Youtube riêng dành cho cộng đồng yêu thích lĩnh vực này. Nhà báo Đông Quân chia sẻ: “Những nhân tố mới cho ngành thật sự không nhiều dù những người tiềm năng thật sự không thiếu, điều quan trọng là khả năng tự học theo kiểu “nghề dạy nghề”‘.
Thực sự trong thị trường voice talent, những cái tên đầu tiên sẽ được nhắc đến: Đông Quân, Trung Châu, Kim Phụng, Mai Trinh, Thy Mai, Đạt Phi… Thực tế đây là những gương mặt mà khán giả sẽ rất hiếm khi được nhìn thấy, nhưng giọng đọc – giọng nói của họ xuất hiện hầu hết trên tất cả các mẫu quảng cáo truyền hình. Nhiều công ty truyền thông đã một mực khẳng định đó là những cái tên không thể thay thế khi sản xuất các TVC (đoạn quảng cáo).
Thực tế đã ghi nhận, mỗi đoạn TVC quảng cáo chỉ dài chừng 15 đến 30 giây với lời đọc thường là các thông điệp, khẩu hiệu, slogan… chiếm tỷ lệ thời lượng không đáng kể. Để làm nên “thần thái” cho các nội dung này đòi hỏi nội lực của người đọc rất lớn: giọng đọc tròn vành rõ chữ, biểu cảm sắc thái phù hợp, và điều quan trọng nhất là đẳng cấp của giọng đọc để nâng tầm thương hiệu. Với tiêu chí này thì không có một thước đo cụ thể nào.
Những người làm nghề “đọc TVC” hiện nay hầu như cũng không mặn mà việc xuất hiện trước công chúng bởi lâu nay “chất giọng đẹp” đã mơ hồ dựng xây những hình ảnh “đẹp” trong các đoạn quảng cáo. Vậy nên khi làm nghề, họ hầu như mong muốn giữ hình ảnh cho các nhãn hàng bằng”thông điệp giọng nói” hơn là sự xuất hiện.
Thêm vào đó, các thế hệ “giọng đọc vàng” đều đã ở tuổi trên dưới U50 nhưng giọng nói, giọng đọc của họ hầu như là không tuổi, vì thế rất nhiều khán giả đã không khỏi tò mò về những người làm nghề này.
Vốn dĩ thị trường chỉ “quanh đi quẩn lại” vài ba giọng đọc, nên vô tình đã tạo thế “độc quyền” cho những người trong ngành. Có không ít “giai thoại” cho rằng: khi tìm giọng đọc quảng cáo thì giọng miền Nam phải là Trung Châu và giọng miền Bắc phải là Đông Quân. Thực tế, khán giả hầu như chưa hề biết những gương mặt này (chỉ riêng MC Đông Quân là có xuất hiện trong vài chương trình truyền hình gần 10 năm trước).
Nhưng đối với không ít nhãn hàng cho rằng nếu muốn nâng thương hiệu thì không gì khác hơn là phải mời cho được các “giọng đọc vàng” này thể hiện TVC. Đó cũng là lý do vì sao mà thù lao của các voice talent lên đến cả ngàn đô la Mỹ cho một đoạn quảng cáo. Giới sản xuất thậm chí còn truyền tai nhau câu chuyện một voice talent chỉ đọc hai từ “Đúng rồi” là nhận ngay thù lao 3.000 USD từ một nhãn hàng điện tử tầm cỡ.
Băng Châu