Hàng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng người Việt thường làm lễ trước bàn thờ Thần Tài và đổ xô đi mua vàng cầu may. Người ta tin rằng, vàng tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang vì thế nếu sở hữu càng nhiều vàng trong ngày Vía Thần Tài thì cả năm sẽ càng phát tài, phát lộc.
Theo truyền thuyết từ xưa, Thần Tài là tiên nhân trên trời. Đây là vị thần nổi tiếng trong việc chuyên cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian.
Khi tỉnh dậy Thần Tài bị mất trí nhớ phải đi xin ăn. Lạ kỳ, khi Thần Tài vào nhà nào xin ăn thì nhà đó buôn may bán đắt và trở nên giàu có… Đến một ngày nọ, Thần Tài nhớ ra mọi chuyện và bay về trời.
Đó là ngày mồng 10 tháng Giêng. Để tưởng nhớ Thần Tài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần Tài. Từ đó hàng năm, người dân lại sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài và mua vàng vào ngày mồng 10 tháng 1 âm lịch để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm.
Tuy nhiên, theo Giáo sư, Viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh câu chuyện về sự tích của Thần Tài chỉ là câu chuyện không có thật, được thêu dệt bóp méo để thần thánh hóa, mê hoặc lòng tham của con người.
Thực tế, Thần Tài là một vị Thần ở thiên giới. Ngài được Thượng Đế giao cho nhiệm vụ thống quản toàn bộ tài nguyên thiên hạ, bao gồm cả ở tam giới. Ngài cũng quản cả phong hoả ngũ lôi bộ, điều tiết việc nắng mưa, gió bão sấm chớp, hạn hán, mọi tài nguyên và mùa màng.
Việc hô hào mua vàng lấy may trong ngày Vía Thần Tài theo ông Lương Ngọc Huỳnh chỉ là chiêu kinh doanh, thu lợi nhuận chứ không hề đúng đạo.
“Thờ cúng kính đạo là đúng nhưng phải chuẩn mực và chính đạo. Dựa vía Thần Tài để hô hào người dân đi mua vàng lại là chuyện khác chẳng liên quan đến Thần Tài. Nếu các cháu nhỏ được tiền mừng tuổi Tết, bố mẹ mua một vài chỉ dành dụm làm của hồi môn cho các cháu sau này thì đó là điều tiết kiệm, chứ không có chuyện càng mua nhiều vàng càng gặp may mắn tài lộc trong ngày này”, ông Huỳnh nói.
Giáo sư, Viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh khẳng định không có chuyện càng mua nhiều vàng trong ngày Vía Thần Tài càng may mắn, phát tài trong năm mới
Cũng theo chuyên gia này, thực tế nếu đúng theo tín ngưỡng văn hóa tâm linh người Việt, ngày Vía thần Tài phải là ngày 15/3 Âm lịch.
“Theo quan niệm, ngày hiển linh của ngài hay còn gọi là ngày sinh nhật của ngài là ngày 15 tháng ba âm lịch. Hàng năm cứ vào thời khắc giao thừa tính từ 23 giờ đêm tức là giờ tý là ngài đi tuần tra đàn viện ở hạ giới, do vậy làm lễ cầu xin tài lộc của ngài thì có thể làm lễ từ giờ tý đến hết giờ tỵ của sáng mùng 1 tết nguyên đán. Tức là từ 23 giờ đêm giao thừa đến trước 11 giờ trưa mùng 1 tết.
Cứ mỗi năm Ngài thường đến theo hướng của cung năm ấy. Mỗi năm lại có một cung một mệnh khác nhau, năm nay thì ngài đến từ hướng đông bắc”, ông Huỳnh cho hay.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia văn hóa cũng cho rằng, ngày “Vía thần Tài” thực chất không phải truyền thống của Việt Nam mà chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Câu chuyện về ngày “vía” thần Tài được một số người làm kinh doanh (đặc biệt những người buôn vàng) tuyên truyền mạnh nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm. Nhờ “ăn theo” ngày Vía thần Tài, lượng vàng bán ra tại các cơ sở kinh doanh mặt hàng trong tháng Giêng tăng vọt.
Vài năm trở lại đây, có một bộ cư dân đặc biệt là cư dân đô thị đang bị lôi kéo trước sự mời gọi của tham vọng nhiều hơn là các giá trị văn hóa, tín ngưỡng. Và đây cũng là cơ hội để những nhà kinh doanh đầu tư, có lãi. Thực tế, không có tục lệ bắt buộc hay phải mua vàng trong ngày Vía thần tài mùng 10 tháng Giêng thì mới được may mắn, tài lộc trong cả năm.
Mặt khác, vàng không phải là thước đo, tiêu chí duy nhất trong ngày thần tài mà nó có thể là bất cứ thứ hàng hóa, đồ vật nào. Bởi lẽ, Thần tài có thể tượng trưng cho nhiều thứ của cải vật chất, hàng hóa trong cuộc sống. Nếu ai có điều kiện dư dả thì mua vàng, đó cũng như một khoản tích cóp cho gia đình phòng khi cần đến. Những ai không có điều kiện mua thì cũng không sao.
Hà Trang