Thông tin cá nhân
Họ tên: Đỗ Anh Thông
Sinh năm: 1994
Hiện đang là Sinh viên năm cuối trường Đại học Công Nghệ Thông Tin – ĐHQG TPHCM
Hoạt động và thành tích nổi bật:
2014 – 2016: Phó chủ nhiệm CLB ITI tại trường 2015: Developer at Gameloft
2013 – Hiện tại: Trưởng nhóm kỹ thuật – Microsoft Student Partners Vietnam
2014 – Hiện tại: Người sáng lập nhóm KreLab (phát triển MediFree)
Giải nhất cuộc thi Microsoft Imagine Cup 2015 – World Citizenship Category
Giải nhì Microsoft Imagine Cup 2016 – Innovation Category
Giải nhì Microsoft Creative Gen Contest
Lọt vòng bán kết, đang giành vé chung kết cuộc thi Sáng kiến Toàn cầu 2016
Dự án được bắt nguồn từ câu chuyện có thật
Ý tưởng dự án MediFree bắt nguồn từ câu chuyện có thật về người hàng xóm mắc bệnh ung thư của Thông. “Sau một thời gian di chuyển bằng xe lăn, cô ấy không qua khỏi, chiếc xe đã bị cho vào kho, lãng phí trong hai năm. Sau đó, có một chú biết thông tin chiếc xe lăn, đã đạp xe 200km từ Bến Tre vào TP. Hồ Chí Minh để xin về cho mẹ”.
Ý tưởng nhanh chóng được các thành viên trong nhóm đồng ý triển khai, với mong muốn tạo ra hệ thống hỗ trợ kết nối giữa người hiến tặng và người có nhu cầu về thiết bị y tế.
Người có những thiết bị và dụng cụ y tế dư thừa không còn sử dụng có thể dễ dàng sử dụng MediFree bằng điện thoại để đăng hình ảnh của thiết bị mình lên hệ thống. Những người cần thiết bị y tế hoặc dùng điện thoại, hoặc tới bệnh viện nhờ sự trợ giúp để tìm ra những vật dụng cần thiết đang được hiến tặng.
Những thiết bị khi hiến tặng một thời gian nếu không có người nhận sẽ có các tổ chức phi lợi nhuận kết nối với MediFree lấy về lưu lại nhằm làm từ thiện.
“MediFree là một dự án phi lợi nhuận, giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, giải giải quyết được vấn đề lãng phí với các dụng cụ thiết bị y tế không còn sử dụng. MediFree không chỉ giúp tiết kiệm các nguồn lực xã hội, tăng sức khỏe cộng đồng, mà còn giúp tăng ý thức cho từng cá nhân thông qua làm việc tốt giúp đỡ những người khó khăn”, Thông chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Thông, giờ đây MediFree chỉ tập trung vào dụng cụ y tế, nhưng thị trường sẽ không đủ lớn, nên tương lai sẽ mở rộng ra cho người sử dụng được hiến tặng nhiều loại vật dụng hơn (không trái pháp luật) do người dùng báo cáo và nhóm quản lí.
Anh Thông từng giành giải Nhất cuộc thi Microsoft Imagine Cup 2015 – World Citizenship Category
Hiện tại trên thế giới đã có một số mô hình khác rất nổi tiếng như: sirum.org, Medicine Waste, Afya Foundation… nhưng lại cần có kho chứa và chưa có một nền tảng online để thuận tiện hơn cho người dùng.
Dự án của Thông đang hoàn thiện sản phẩm trên các nền tảng di động. “Theo kế hoạch, khoảng 3 tháng nữa sản phẩm có thể sử dụng trên nhiều nền tảng khác. Theo dự tính của chúng mình, sản phẩm sẽ hoạt động vào thời điểm cuối năm”.
Thông mang MediFree tham gia nhiều cuộc thi như: Microsoft Imagine Cup và GIST và đạt được những giải thưởng có giá trị. Ngoài ra sản phẩm còn được trình bày tại các sự kiện như American Center Science Fair, US Amabassdor Innovation Fair, US Ambassador Luncheon.
Vì đang đi học nên quỹ thời gian của nhóm Thông khá eo hẹp nhưng mọi người đều rất cố gắng phát triển, hoàn thiện sản phẩm để có thể nhanh chóng hỗ trợ người dùng.
“Chúng mình còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó luôn cố gắng hết sức để cùng nhau học hỏi và phát triển sản phẩm tốt hơn. Chúng mình học từ những anh chị khởi nghiệp đi trước, đọc sách, tham khảo các tài liệu về dự án, khởi nghiệp, đặc biệt là lắng nghe ban giám khảo các cuộc thi.
Tuy học công nghệ thông tin nhưng định hướng của mình là trở thành một doanh nhân. Tham gia các cuộc thi là cơ hội vô cùng tốt để mình không chỉ phát triển dự án tốt hơn, mà còn học hỏi và phát triển bản thân, cũng như sự nghiệp trong tương lai”.
Chàng trai ĐHQG TPHCM khá có duyên với các cuộc thi do Microsoft Vietnam tổ chức.
Thái độ dám đương đầu thử thách
Không dừng lại là một nhóm phát triển những phần mềm riêng lẻ, Thông mong muốn xây dựng công ty khởi nghiệp với môi trường mở, năng động nhằm tạo ra những sản phẩm công nghệ sáng tạo, có vị thế trên thị trường quốc tế.
“Với mình, startup (khởi nghiệp) là một cuộc hành trình đầy rủi ro nhưng đem lại những trải nghiệm sống mà không phải ai cũng có được. Là một người tư duy sáng tạo và thích mạo hiểm, startup chính là cuộc hành trình mà mình lựa chọn theo đuổi và phát triển”.
Trước nhận định rằng nhiều người trẻ đang theo đuổi startup như một trào lưu, Thông cho rằng, điều này xuất phát một phần từ việc truyền thông thường đăng thông tin về các nhân vật thành công kiếm triệu đô, tỉ đô nhưng những trường hợp về người khởi nghiệp thất bại, vỡ nợ, thậm chí có trường hợp phải tự tử thì rất ít.
“Lầm tưởng rằng startup sẽ giàu có, không ít bạn đã thiếu chuẩn bị, cứ có ý tưởng là bắt tay làm luôn, chưa cần biết có khả quan hay không. Bản thân mình nhận thấy, làm start-up khá rủi ro và vất vả, luôn luôn sẵn sàng đối mặt với một cuộc sống không ổn định, cần phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, kiến thức cần thiết cũng như mở rộng các mối quan hệ để củng cố quá trình khởi nghiệp. Ngoài ra còn cần những người đồng hành giỏi, chung đam mê và sự trải nghiệm về lĩnh vực mình làm.
Có người từng gợi ý mình làm về nông nghiệp, nhưng mình chưa từng được trải nghiệm về trồng lúa, chăn heo… thì không thể nào biết được vấn đề cần giải quyết của người nông dân là gì. Mình nghĩ để đạt tới thành công, cần sự trải nghiệm ở lĩnh vực đó, và nên làm cái mình giỏi, hơn là làm cái mà bản thân thích”, Thông nói.
Dự án Medifree của Anh Thông đang là một trong 3 dự án của Việt Nam đang cạnh tranh tấm vé vào Chung kết cuộc thi Sáng kiến toàn cầu tại Mỹ.
Với Thông, để khởi nghiệp, sẽ không thể tránh khỏi thất bại. “Nhưng mình không sợ nó. Thất bại đem đến những bài học quý giá, mà qua đó ta biết được mình đang ở đâu, và đâu là thứ cần sửa chữa để phát triển tốt hơn”.
Thông cho biết, trong quá trình phát triển MediFree, Thông cùng các cộng sự đã gặp không ít vướng mắc về kĩ thuật – cách thức để sản phẩm trở thành ứng dụng lâu dài, đáp ứng được trên nhiều nền tảng, cũng như có thể mở rộng được khi cần.
“Bên cạnh đó, vì sản phẩm phi lợi nhuận nên chúng mình khá bối rối trong việc phát triển mô hình kinh doanh, để đảm bảo hai yếu tố: phục vụ được cộng đồng, nhưng vẫn đáp ứng được tính chất sống còn, bền vững của dự án.
Và đứng trước những khó khăn ấy, mình luôn sẵn sàng giải quyết, và vững lòng tin vào sự phát triển của sản phẩm, cũng như con đường bản thân đã lựa chọn”.
Cuộc thi Sáng kiến toàn cầu (GIST Tech –I 2016) được khởi xướng bởi chính phủ Mỹ, nhằm chọn ra những công ty về công nghệ có giá trị cộng đồng cao. Năm 2016 có tổng cộng hơn 1000 hồ sợ nộp từ rất nhiều nước trên thế giới và đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam có đại diện lọt vào vòng bán kết (top 102 dự án trên tổng số 1075) GIST Tech – I 2016.
Độc giả hãy ủng hộ cho MediFree và các sản phẩm khác của Việt Nam lọt vào top 30 dự án tranh tài tại chung kết cuộc thi này, hãy bình chọn tại trang web: http://www.gistnetwork.org/content/tech-i-semi-finalists-voting .
Hoài Thư