1. Mười sáu tuổi, Trang xuất ngoại lần đầu nhờ học bổng của Đại sứ quán Nhật. Sang đất nước hoa anh đào, được chứng kiến những nghi thức giao tiếp, trà đạo… Trang cảm động vô cùng vì cái cách mà người ta gìn giữ văn hoá – đó là một thứ nghi lễ “gin” và nó không bị pha tạp, không bị lai căng bởi bất cứ lý do nào.
Bên cạnh đó, người Nhật cũng rất khuyến khích giới trẻ sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Trang đặc biệt cảm tình với những người trẻ của Nhật ở sự hiện đại, hip-hop trong lối suy nghĩ, trong hành động của họ…
Năm sau, cũng nhờ học bổng, Trang tiếp tục đi Úc. Những chân trời mới mở ra đồng nghĩa với những mơ ước táo bạo hơn và những kế hoạch bước một, bước hai ngày càng cụ thể, quyết liệt hơn.
Trang bị cái nhìn lên quyến rũ hơn là “nhìn lại phía sau”, nhìn thành tựu của các bạn cùng trang lứa Trang lúc nào cũng tự hỏi: Họ làm được sao mình không làm được?
Thế là lại bắt đầu một quá trình loay hoay đi tìm con đường và cách đi riêng của mình. Đích thì rất xa, Trang chia nó ra thành nhiều chặng, lúc nào cũng có lý do để phấn đấu, thành ra rất thiếu thời gian để hỗn loạn với những ý nghĩ “quẩn”: mình nên làm gì?
2. Bận rộn suốt ngày với việc học, việc làm thêm, không hiểu thế nào Trang vẫn thu xếp được thời gian để kịp sở hữu hai ngoại ngữ: tiếng Anh và tiếng Nhật.
Đám trẻ con ở làng trẻ Hoà Bình cũng kịp làm quen với bà chị có khuôn mặt bầu bĩnh và biết cách làm cho chúng cười, chúng hát, chúng thoả mãn trí tưởng tượng trên những con hạc giấy…
Điều già dặn nữa ở Trang: từ rất sớm đã ý thức được tầm quan trọng của những kỹ năng sống và rất đầu tư để học các kỹ năng ấy. Trang biết cách giao tiếp, biết cách bày tỏ cảm xúc, biết tự trang điểm, biết nhảy, biết vận dụng các xu thế thời trang…
Trang không phải là một con mọt sách chỉ vùi đầu vào học, Trang có cách hưởng thụ cuộc sống của riêng mình: đi bơi đều đặn, chơi thể thao để tránh stress, đi ăn uống “bù khú” với bạn bè, có khi chỉ ngồi quán một mình để nhâm nhi những nỗi buồn như gió thoảng.
Trang có thứ kinh nghiệm riêng để chiến thắng những suy nghĩ vẩn vơ, “tiêu cực”: hãy nghĩ ra nhiều việc để làm, để chơi và lúc nào bạn cũng cảm thấy thời gian trôi quá nhanh.
3. Lại nói chuyện ngồi quán của Trang: trong tương lai, Trang đặt kế hoạch mình phải có một hệ thống quán cafê mang phong cách riêng và ở đó cô “kinh doanh các mối quan hệ”.
Trong câu chuyện Trang hay nhấn từ “quán của em” sẽ thế này, thế này, góc này sẽ dành cho những đối tượng nào, màu sắc, decor sẽ thay đổi theo mùa…
Trang kể: em nghiền ngẫm ý tưởng này từ rất lâu, sau này có vốn nhất định sẽ bắt tay vào làm. Có những khi em ngồi lỳ ở một quán cả 4 tiếng đồng hồ để ghi lại tất cả mọi thứ: thành phần khách, nhu cầu đến quán của họ, cách thức phục vụ của nhân viên, thực đơn của quán…
Những lúc như thế thấy Trang già hơn cái tuổi 19 của mình, thấy những điều ngạc nhiên mà một @ mang đến là… bất tận.
Bản thân Trang không ý thức lắm mình phải thế này mới ra dáng 8X, phải thế kia mới mới mẻ, tất cả đều đến tự nhiên, và đấy chính là điều Trang hấp dẫn người khác.
Điều “áy náy” lớn nhất hiện nay của Trang là khả năng nấu nướng không có. “Em sẽ đi học”. Lại học. Đấy là cái từ tôi hay nghe thấy nhất từ miệng các @, tất nhiên, cô MC này không phải là ngoại lệ.