Nỗi niềm trăn trở tìm đầu ra cho nông sản Việt
Nguyễn Ngọc Thảo (sinh năm 1997) sinh ra và lớn lên tại làng gốm cổ truyền Bát Tràng, Hà Nội.
Từ nhỏ do bố mẹ thường đi làm xa để trang trải cuộc sống mưu sinh, Thảo chủ yếu sống cùng với ông bà ngoại. Nhà ông bà ngày đó có một mảnh vườn nhỏ nên từ bé, Thảo đã được bà chỉ dạy và đã nuôi dưỡng ước mơ từ chính mảnh đất này.
Dù không có điều điều kiện được tiếp xúc nhiều với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng trong suy nghĩ của cô học sinh cấp 3 Ngọc Thảo khi đó đã sớm ấp ủ mong muốn sẽ phải làm gì đó cho nông sản Việt. Thảo bắt đầu tìm hiểu trường, ngành và nhận được lời tư vấn từ các thầy cô.
“Những năm phổ thông, chứng kiến cảnh người nông dân phải vất vả sớm hôm, xót xa khi công sức của họ sau mỗi vụ thu hoạch lại gặp phải tình cảnh “được mùa mất giá”, mình đã nuôi dưỡng ước mơ được theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với mong muốn giúp đỡ người nông dân thoát khỏi tình cảnh ấy.
Với quyết tâm cao cùng với những nỗ lực không ngừng, mình đã trở thành tân sinh viên khóa 60 của khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào năm 2015”, Thảo kể.
Năm 2017, chứng kiến sự rớt giá của thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn khiến hàng trăm người nông dân rơi vào cảnh phá sản, cùng với những kiến thức học được trong quá trình theo học tại trường, Thảo đã tham gia vào dự án khởi nghiệp để giúp đỡ người chăn nuôi tìm đầu ra cho sản phẩm.
Dự án tuy chỉ kéo dài trong thời gian ngắn nhưng đã giúp Thảo có định hướng rõ ràng hơn cho tương lai. Vào năm 2018, Thảo tham gia cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và đạt giải ý tưởng sáng tạo khoa học.
Ngọc Thảo thực hành tại phòng thí nghiệm sinh học phân tử trong chương trình GKS tại Hàn Quốc (2018)
Điều đó là tiền đề để Thảo tiếp tục ứng tuyển và giành được học bổng GKS của bộ giáo dục Hàn Quốc, tham gia học tập và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chungnam năm 2018, tại phòng thí nghiệm chuyên về khoa học thịt.
Tiếp đó, những nỗ lực học tập đã được đền đáp khi Thảo có chuyến đi tới Đại học Quảng Tây, Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình giao lưu và kết nối văn hóa giữa hai trường đại học. Nhờ đó nữ sinh quê làng gốm Bát Tràng đã được mở mang thêm nhiều điều về những tiến bộ của nước bạn.
Khi những nỗ lực được đền đáp xứng đáng
Sau 4 năm học tập, Ngọc Thảo tốt nghiệp khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam với điểm tích lũy 3.78/4.00. Năm 2019, Thảo vinh dự là thủ khoa được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Trò chuyện cùng nữ thủ khoa “nhỏ nhưng có võ” Ngọc Thảo bộc bạch, bản thân thực sự bất ngờ khi biết mình có tên trong danh sách các thủ khoa được vinh danh. Thời điểm chuẩn bị hồ sơ để nộp, Thảo cũng không nghĩ mình sẽ nhận được vinh dự này.
“Khi mới vào đại học, mình không nghĩ sẽ đạt được danh hiệu thủ khoa sau 4 năm học tập vì điểm thi của mình cũng rất bình thường. Mình luôn nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất”, Thảo chia sẻ.
Không chỉ dành thời gian học tập và nghiên cứu, ngay từ năm nhất, Thảo đã tích cực tham gia vào các hoạt động Đoàn, Hội. Đặc biệt, trong quãng thời gian tham gia vào Liên chi hội khoa Công nghệ thực phẩm, Thảo đã được gặp gỡ nhiều anh chị đi trước, cũng như bạn bè có chung niềm đam mê, giúp cô sinh viên thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết.
“Quãng thời gian vừa học tập vừa tham gia hoạt động ấy đã cho mình những kiến thức, kinh nghiệm mà sau này mỗi khi nhớ về, đó thật sự là những kỉ niệm quý báu”, Thảo nói.
Bên cạnh đó, Ngọc Thảo cũng tham gia các cuộc thi do Học viện tổ chức và giành một số giải thưởng như: giải khuyến khích Olympic Tin học năm 2017, năm 2018 đạt giải tiểu phẩm kịch xuất sắc cuộc thi công dân với Kiến thức Pháp luật, cùng nhiều học bổng trong suốt 4 năm học…
Từ những kiến thức và trải nghiệm thực tế trong quãng thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Ngọc Thảo vẫn đang tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, nhằm đưa khoa học tới gần hơn với mọi người.
Hiện tại, Ngọc Thảo là trợ lý riêng của chương trình “Công dân trái đất”, một dự án phi chính phủ được tài trợ bởi Viện Goethe toàn cầu (Đức) và Quỹ hoàng từ Clause (Hà Lan).
Dự định của Thảo trong thời gian tới là săn học bổng để du học. Cô bạn cho rằng, nếu muốn giúp người nông dân thì việc đầu tiên mình phải học chuyên sâu hơn, lúc đó mới có đủ kinh nghiệm, kiến thức để chia sẻ tới nhiều người hơn.
Kim Bảo Ngân
Ảnh: NVCC