Chương trình Đường lên đỉnh Olympia Tuần 3 Tháng 1 Quý 3 (phát sóng ngày 31/3) và Tuần 2 Tháng 3 Quý 2 (17/2) xuất hiện màn trình diễn ngoài lề của 2 thí sinh Phạm Huệ Anh và Lại Kinh Châu.
Cả hai thí sinh đều có màn trình diễn tài năng… “múa quạt”. Điệu múa này được biết tới là một vũ điệu đang thịnh hành tại các vũ trường, gắn với các “dân chơi” ưa thích âm nhạc điện tử.
Do vậy, việc 2 học sinh thể hiện điệu múa này đã gây nên một hồi tranh cãi, đặc biệt là khi hai em trình diễn điệu múa quạt này trong một chương trình truyền hình, một sân chơi trí tuệ dành cho học sinh.
Có ý kiến cho rằng, việc điệu múa này xuất hiện nhiều lần trong chương trình Olympia như một tài năng có thể truyền bá nó trong giới học sinh – sinh viên, gây nên những ảnh hưởng xấu.
Song bên cạnh đó cũng có ý kiến khác, nói rằng một điệu múa không làm người ta trở nên tốt hay xấu đi mà đơn giản chỉ là một thú vui giải trí mà thôi.
Một số bình luận tiêu biểu trên mạng xã hội về vấn đề này là: “Múa đẹp đấy nhưng sai chỗ rồi”, “Múa quạt ít thôi để thời gian mà học mấy em ạ”, “Dẻo phết đấy chứ, tôi tập mãi mà không được”…
Về phía 2 thí sinh giỏi múa quạt Kinh Châu và Huệ Anh, các em đều coi màn trình diễn này như là một phần tương tác với khán giả, giúp bản thân giảm bớt áp lực trong cuộc đấu trí Olympia.
Lại Kinh Châu chia sẻ trong chương trình là cậu có thể “múa mãi mãi” nếu không bị ai làm phiền”. Trong khi đó, Phạm Huệ Anh tự nhận mình là một cô gái vui tính và hay đùa nhây với bạn bè.
Sau màn trình diễn múa quạt của Phạm Huệ Anh trong chương trình phát sóng ngày 31/3, MC Diệp Chi của chương trình Đường lên đỉnh Olympia bình luận: “Lại tiếp tục là múa quạt. Sau khi điệu múa đó được gây sốt từ trường quay S14 thì có vẻ như nó đã lan toả tới rất nhiều thành viên gia đình Olympia”.
Hiện nay, việc nên hay không nên đưa điệu múa quạt này xuất hiện trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia còn đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Đường lên đỉnh Olympia là chương trình thu hút rất nhiều học sinh giỏi, tài năng.
Đường lên đỉnh Olympia là một sân chơi trí tuệ dành cho học sinh trung học phổ thông, đã có uy tín 19 năm nay. Chương trình thu hút sự quan tâm không chỉ của các em học sinh ở các lứa tuổi khác nhau mà cả những khán giả yêu thích tri thức khoa học, các thầy cô giáo.
Hàng năm, chương trình Đường lên đỉnh Olympia tôn vinh những thí sinh có trí tuệ cao, vừa học giỏi, vừa có kiến thức xã hội phong phú. Qua chương trình này, học sinh ôn luyện được những bài học trên lớp, khiến những kiến thức đi vào thực tiễn sinh động hơn và mở rộng tầm hiểu biết.
Mai Châm