Nhan nhản việc làm “ma”
Thi học kỳ chưa xong, Hiền và Nhung, sinh viên năm ba trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã tranh thủ đi kiếm việc làm thêm dịp Tết. Đã nhiều lần mất tiền oan cho các trung tâm gia sư, hai người không dám đến trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) tìm việc.
Qua một tờ báo, thấy có việc bán hàng tại hội chợ trả công 120 nghìn đồng /ngày, trực tiếp chủ cửa hàng tìm người không qua trung gian nên hai người lập tức liên lạc xin đi làm. Hiền và Nhung tìm đến theo địa chỉ đã hẹn trên đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì đó một công ty dịch vụ tổng hợp.
Nữ nhân viên ở đây cho biết cô ta là “người nhà” của chủ cửa hàng nọ, cần 7 người bán hàng, đã tìm được ba. Hiền và Nhung chỉ cần nộp tất cả 100.000 đồng vì sợ có quá nhiều người đến xin. Hí hửng, hai người nộp tiền chờ đến ngày thành… nữ nhân viên bán hàng.
Đến ngày nhận việc, cả hai té ngửa khi “người nhà” thông báo đã tìm đủ người. Đòi lại tiền nhưng Hiền và Nhung chẳng trình được giấy tờ biên lai gì. Cô nhân viên kia tỉnh bơ: “Đi tìm việc, được hay không cũng phải mất chút ít phí dịch vụ chứ”.
Thấy nhiều sinh viên khác đứng chảy nước mắt đòi lại tiền, Hiền và Nhung mới biết không chỉ mình bị lừa.
Thu Hoài, cô sinh viên khoa Văn, ĐH Sư phạm cũng gặp tình huống oái ăm không kém. Hoài nộp 75.000 đồng cho nhân viên tư vấn tại TTGTVL trên đường Láng với lời hẹn “ngày mai đến nhận việc”.
Hôm sau, Hoài đến thì cô nhân viên khác làm việc và lại hẹn hôm sau. Hẹn đến lần thứ năm, Hoài ra thì trung tâm đã đóng cửa. Đằng trước còn có tấm biển “cho thuê văn phòng”.
Gần dịp Tết, các TTGTVL đều đua nhau “trưng” ra các bảng tin tìm người làm như “cần tuyển gấp”, “tuyển ngay”… với rất nhiều công việc hấp dẫn, thu nhập cao nhưng thật ra không phải việc nào cũng được an toàn. Không ít trung tâm đưa ra các địa chỉ làm việc “ma” để “bẫy” tiền của người đến tìm việc.
Một người đã từng làm nhân viên cho TTGTVL trên đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân) tiết lộ: “Nhiều công việc là tìm trên báo, trên mạng hoặc “bịa” ra chứ không có thật. Mỗi một địa chỉ “ma” chỉ cần vài người “dính”, trung tâm cũng đã thu được vài trăm nhìn tiền “dịch vụ”. Nhất là những ngày gần Tết, nhiều SV mắc “bẫy”, hôm nào cũng có vài ba cô cậu đứng khóc lóc trước trung tâm”.
Có được việc cũng chưa “thoát nạn”
Nhiều SV tưởng rằng, qua TTGTVL mà “nắm” được việc trong tay coi như “tai qua nạn khỏi”. Vậy nhưng chẳng ít người nhận thêm “bài học đau thương” ở chính cửa ải tưởng như tiền đã vào tay..
Năm trước, qua một TTGTVL, Thu Quỳnh (ĐH Y Hà Nội) may mắn tìm được việc bán bánh kẹo cho một siêu thị gia đình với tiền thù lao 80.000 đồng/ca. Đến tận chiều 29 Tết, Quỳnh hí hửng sắp xếp nghỉ việc, chờ lĩnh lương để lên đường về quê ăn Tết. Vậy nhưng, chủ cửa hàng chỉ thanh toán cho cô mức thù lao 30.000 đồng/ca. Quỳnh thắc mắc, thì được trả lời là nhờ tìm người qua trung tâm chỉ với mức giá đó.
Chẳng có giấy tờ gì chứng minh với nhà chủ, Quỳnh đi ra trung tâm để giải quyết thì nhân viên trung tâm lắc đầu: “Trung tâm chỉ giải quyết trong thời hạn một tuần sau ngày ký hợp đồng, còn sau đó thì… hết trách nhiệm”.
Quỳnh chỉ biết kêu trời, ngậm ngùi cầm số tiền làm việc gần ba tuần nhưng chỉ bằng số tiền cô nộp phí hoa hồng cho TTGTVL.
Không qua TTGTVL để tìm việc, trước tết năm ngoái, Văn, HV Tài chính tự thân xin làm mứt tận làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm). Ăn uống rồi, mỗi ngày Văn được trả tiền công 50.000 đồng làm từ sáng đến tối.
Đến ngày nghỉ, Văn nghe chủ nhà tuyên bố là trả tiền công một nửa bằng tiền mặt, còn một nửa trả bằng mứt. Đòi cũng chẳng được, Văn đành chấp nhận mang một bao tải mứt về quê. Còn 650.000 đồng tiền mặt, chủ nhà cũng hẹn ra Tết mới thanh toán.
Sau Tết, Văn đi lấy tiền thì bác chủ nhà chỉ vào mấy tải mứt ở góc nhà, nói: “Năm nay ế hàng, bị lỗ nặng, lấy đâu ra tiền mà trả cho cậu. Cậu thích thì tôi cho đống mứt ấy mang đi mà bán”. Đường đường là nam nhi, lúc ấy Văn cũng phải bật khóc.
“Sinh viên đi làm thêm mấy khi có giấy tờ cam kết công việc, thù lao gì nên khi bị “trở mặt” đều phải chịu mất oan. Mà nếu có cũng chẳng biết kêu ai” – Thu Quỳnh bức bối.
Hoài Nam