Ngôi đền với tổng diện tích hơn 250 m2, được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ kính, nổi bật giữa nền xanh của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Toàn bộ kinh phí được nhân dân địa phương tự nguyện đóng góp xây dựng, trong đó phần đất do một người dân trong xã hiến tặng toàn bộ.
Ông Nguyễn Đình Lương (thôn 6, xã Đắk Búk So) cho biết, phần lớn người dân ở đây đều từ Phú Thọ vào Đắk Nông làm kinh tế. Rời quê hương gần 20 năm nay, nhưng mọi người vẫn nhớ đến ngày Giỗ Tổ. Hơn 1 năm trước, mọi người đã họp bàn, thống nhất xin phép chính quyền các cấp xây dựng Đền thờ Vua Hùng, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho bà con.
Ông Lương tâm sự: “Bà con quê Phú Thọ đều xác định, dù ở nơi nào thì tất cả người dân trên mọi miền đất nước đều là con cháu Vua Hùng, luôn hướng về quê cha đất Tổ, cội nguồn của dân tộc. Vì vậy, đền thờ còn là nơi đồng bào các dân tộc xung quanh đây có thể đến tưởng nhớ về nguồn cội, tổ tiên mình”.
Những ngày này, để chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ một cách chu toàn nhất, người dân tập trung gói bánh chưng, bánh dày để cúng tổ tiên. Trước đó vào các ngày mùng 8 và mùng 9 âm lịch, tại khuôn viên đền thờ cũng diễn ra nhiều hoạt động thể dục thể thao và các trò chơi dân gian như: Bóng chuyền, bóng đá, đá gà, cờ tướng…cùng các tiết mục văn hóa văn nghệ như hát xoan, diễn tấu cồng chiêng.
Hàng năm vào ngày tết và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hội đồng hương Phú Thọ đều gặp mặt nhau và tổ chức cúng giỗ một cách thành kính. Bên cạnh đó, ngày gặp mặt còn thu hút rất nhiều bà con sinh sống trong khu vực cùng tham dự, chung vui.
“Giữ gìn truyền thống đất Tổ Vua Hùng, bà con vào đây phát triển kinh tế mới thì coi đây là quê hương thứ hai, giúp đỡ lẫn nhau trong vấn đề sản xuất và đời sống hàng ngày. Từ trước ngày giỗ chính, người dân xã Đắk Búk So và nhiều xã lân cận của huyện Tuy Đức đã có mặt tại đền thờ các Vua Hùng để dâng lễ ”, ông Lương nói.
Anh Điểu Hương (dân tộc Mơ Nông, bon Bu Nrung, xã Đăk Búk So) cho biết, hàng tháng, hàng quý, anh đều tham dự các cuộc họp thôn Buôn tổ chức tại đền thờ. Công trình sinh hoạt văn hóa tâm linh này đã trở thành nơi gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết giữa các hộ dân và các thôn bon ở Đăk Buk So:
“Dù chưa được một lần về đất Tổ nhưng qua những trang sử đã học, chúng tôi đều biết các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đền thờ Vua Hùng là đền thờ Tổ, giúp mình hiểu hơn nguồn cội của dân tộc Việt Nam nói chung và anh em các dân tộc mọi miền tổ quốc. Mặc dù đền thờ được xây dựng ở xã biên giới, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng bà con nhân dân đều thành tâm hướng về cội nguồi, dân tộc”, anh Hương tâm sự.
Chia sẻ niềm vui, vinh dự khi lần thứ hai diễn tấu cồng chiêng trong Lễ Giỗ Tổ, chị Thị Hoa (dân tộc Mơ Nông, bon N’Jung, xã Đắk Búk So) cho biết: “Ngoài việc đến đây dự, chị em trong đội cồng chiêng chúng tôi còn thể hiện một số bài chiêng và bài hát dân ca. Nhờ ngày này mà bà con trong buôn làng mới có cơ hội gặp mặt đầy đủ, vui chơi thỏa mái lắm”.
Ông Phạm Thiên Viết, chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, cho biết, ngay từ khi xây dựng đền thờ, xã đã xác định đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của địa phương. Đền thờ Vua Hùng còn là nơi để cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông gặp gỡ, thể hiện lòng thành kính đến tổ tiên, giúp mọi người nhớ về cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
“Cái được lớn nhất là giúp bà con gắn kết nhân dân ở các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện phát triển kinh tế xã hội. Tính đoàn kết cộng đồng được nâng cao. Để cơ sở thờ tự này đảm bảo tính pháp lý thì địa phương cũng tạo điều kiện giúp đỡ hội đồng hương Phú Thọ tổ chức lễ hội hàng năm, và xã cũng đề xuất phòng Nội vụ và các cơ quan chức năng của huyện tạo điều kiện giúp đỡ để cơ sở thờ tự sẽ đảm bảo tính pháp lý lâu dài”.
Dương Phong