“Lại muộn nữa rồi!” H.H (khóa 30, Học viện Quan hệ quốc tế) cuống quýt ngoạm cố miếng bánh, nhoài người với vội chùm chìa khóa. Rồi vừa xốc lại cổ áo, cậu vừa chạy như bay qua mấy bậc cầu thang, không quên đỡ nhẹ chiếc cặp táp đen đang đeo chéo qua vai.
12 phút sau, cậu có mặt ở cuối lớp, hổn hển thở, kịp lúc giảng viên bước vào.
Cả lớp loạt soạt trong loạt âm thanh quen thuộc của tiếng mở cặp, tiếng va chạm của sách vở, bút thước… Bù lại sự vội vã lúc nãy, H. ngồi nán lại, rồi khẽ khàng kéo mở khóa cặp.
Cặp kính cận ánh lên phản xạ một quầng sáng nhẹ, thanh thản (và mãn nguyện) nhìn vào màn hình LCD trước mặt. Với “cuốn vở” 80GB này, mọi thứ đã nhanh chóng sẵn sàng.
H.H là 1 trong số ít những sinh viên Hà Nội hiện nay sử dụng máy vi tính xách tay cho việc học ở trường ĐH.
Everything… in 1!
Không cần phải bàn cãi thêm một lời nào về công dụng tuyệt đối của “gã khổng lồ” này trong việc “bao chứa” bài vở, tài liệu. Cứ thử tưởng tượng xem bạn sẽ có bao nhiêu giấy tờ, sách vở sau 4 năm học ĐH, và nỗi kinh hoàng mỗi khi muốn tìm 1… khái niệm nào đó trong kho kiến thức đồ sộ ấy.
Không chỉ thế, tài liệu cho môn học cũng được lưu trong máy, giảm tải đáng kể số sách vở phải mang đi mỗi ngày đến trường. Điều này đặc biệt “ý nghĩa” đối với dân ngoại ngữ: “Từ ngày có laptop, đi học tớ cứ… tểnh tềnh tênh. Chẳng bù cho những ngày trước, nghĩ nát óc xem có thể để bớt cuốn từ điển nào ở nhà thì những gì mang đi vẫn nặng ê ẩm cả người!” – T. Trang (Khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội).
Minh Hương (cùng trường) cao hứng: “Tra từ điển thì nhanh khỏi nói! Mà “khuân” cả… tấn tư liệu trên Internet đến lớp cũng được! Thử tính ra tiền nếu mang chúng đi phô-tô xem?”
Thi Anh Đào đang là sinh viên năm cuối HV Quan hệ quốc tế, dùng laptop ngay từ khi học năm 2, với lý do đầu tiên là “Em gõ máy tính nhanh và… đẹp hơn viết chữ tay nhiều!” Cô ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường năng động bật mí thêm: “Học bằng lap thì lúc thi rất nhàn, không cần mất thời gian phải làm đề cương nữa. Với cả, có lap bên mình thì lúc nào cũng có thể làm việc được, thời gian và ý tưởng đều được tận dụng tối đa!”
Với phương pháp giảng dạy bằng trình chiếu slide, laptop càng phát huy ưu điểm. Không còn phải nhoài người, căng mắt, nhíu mày… cố nhìn hình ảnh từ cuối lớp. Cũng không cần khổ sở dò dẫm từng chữ trên tập giáo án điện tử phô-tô đơn điệu và nhợt nhạt.
Nếu sở hữu một chiếc laptop, bạn cứ ung dung nghe thầy giảng, và bổ sung ngay vào màn hình của mình những gì cần thiết. “Chỉ với màu sắc sinh động của nó, ít nhất – laptop khiến mình ham học hơn!” – Việt Hùng (A10, K42 ĐH Ngoại thương) khẳng định.
Kẻ mang tên “phá bĩnh”
Với thiết bị học đa dụng như thế thì đi kèm với nó, tất yếu không tránh khỏi những phiền phức.
“Cơ học” nhất là nói đến việc phải mang vác một khối kim loại cỡ chừng 2 kg, với hàng loạt các thiết bị đi kèm: dây cắm, chuột ngoài, ổ cứng di động… “Thực chất, chẳng phải lúc nào cũng cần nhiều thứ đến thế. Nhưng thành thói quen rồi, không mang hẳn nào cũng thấy…thiếu thiếu, mà hình như lần nào không mang là cần thật!” – Quang Nam, ĐH Xây dựng phân bua.
Điều này phiền phức hơn đối với con gái: “Lúc nào trông mình cũng như…ốc sên, mang cả nhà đi học! Nhiều khi muốn mặc “diêm dúa” một chút, nhưng nghĩ đến chuyện sẽ vác trên vai một chiếc balô to uỳnh thì…ngao ngán ngay!” (Thi Anh Đào).
Có một điều “khổ tâm” cần cảm thông với những vị chủ nhân này về tâm trạng… căng thẳng của kẻ “chưa giàu mà mang theo mình hơn ngàn đô!” (một “ốc sên” tự trào).
Nếu như những áo kẻ khác chẳng băn khoăn gì khi vứt phịch chiếc balô xuống nền và lao vào một trận cầu cuối buổi học, thì việc một “ốc sên” ôm “nhà” trước ngực đi qua sân bóng một cách cẩn trọng cũng hết sức bình thường. Chuyện để máy xa tầm mắt cũng vô cùng hãn hữu, và cũng dễ hiểu khi giật mình trở thành tật… nan y của những người này!
“Của một đống tiền, lơ là sao được!” Minh Hương (ĐH Hà Nội) chép miệng.
Thực chất, tất cả những chuyện kia mới là phần nổi của vấn đề. Với những 8X dùng laptop thay vở, tiện ích cũng đi kèm với những cám dỗ khó cưỡng lại. Bộ nhớ khổng lồ của máy là kho chứa vô biên tài liệu, thì cũng có thể trở thành kho chứa vô biên… trò chơi!
Vẻ ngoài chăm chú và hào hứng, các game thủ hoàn toàn có thể đội lốt một cậu sinh viên chăm học trong khi tích cực “phá đảo” hết trò này đến trò khác không cần bùng một tiết học nào.
Không tai quái như vậy, nhưng chơi game, đọc truyện, và một tá các việc riêng (bao gồm cả việc làm bài tập môn khác, lập đề án kinh doanh, khám phá những phần mềm mới lạ, hay thiết kế… bưu thiếp tặng bạn(!)… ) là chuyện đã từng xảy ra với bất kỳ dân “ốc sên” nào. Trong khi đó, lại có quá nhiều lý do để tồn tại những giờ học nhàm chán.
“Mới dùng thì dễ bị phân tán hơn, nhưng sẽ nhanh chóng kiểm soát được. Với cả, nếu đã không thích học rồi thì thiếu gì việc làm được, dù không có laptop. Điều này chắc chắn không xảy ra trong không khí lớp học nghiêm túc. Thậm chí người dùng laptop còn có ý thức tự chỉnh đốn hơn. Chẳng ai muốn mình mang tiếng mang lap đi để ra oai cả!” (Việt Hùng, ĐH Ngoại thương).
Cú search đắc dụng mỗi khi động đến kiến thức cũ, ở một khía cạnh nào đấy, lại thành phản tác dụng khi “ốc sên” quá bị phụ thuộc vào một bộ nhớ ngoài bộ não của mình. Trong khi những sinh viên khác cố nặn trán hi vọng lục lại được chi tiết nào đấy, thì chỉ cần nghe câu hỏi xong, chủ nhân của cuốn vở thần kỳ lập tức hí hoáy gõ bàn phím. Kết quả là dù câu trả lời có được đọc lên vanh vách và “thần tốc”, nhưng chắc chắn rằng khi shutdown máy tính, bộ nhớ của “ốc sên” cũng tắt lịm theo ngay.
“Từ ngày mang lap đi học, hình như mình không thuộc thêm được đoạn thơ nào trọn vẹn!” (Hoàng Minh, khoa Văn, ĐH Sư phạm).
Niềm vui người… đi đầu!
Trường ĐH có lượng SV sử dụng laptop đông nhất ở nước ta hiện nay là RMIT, chiếm hơn 30%. Những trường khác thấp hơn rất nhiều, đến nỗi ở nhiều nơi, gần như ai cũng “nằm lòng” thông tin về số ít vị chủ nhân may mắn đó.
Cũng còn rất nhiều trường mà tất cả các giảng đường đều thiếu vắng tiếng gõ bàn phím lạch cạch của sinh viên. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là sinh viên trường đó không ai có laptop. Lý do có thể là “Mình chỉ mang nó đến trường khi phải thuyết trình. Bình thường mỗi ghi chép thì mang đi làm gì, không có thói quen!” (M.Quân, Học viện Tài chính).
Lý do chủ yếu là do mức giá “ngút giời” (tuy đã giảm nhiều) của loại mặt hàng cao cấp này. “Một cái laptop tầm tầm bỏ rẻ cũng phải cỡ gần nghìn đô. Mua đồ cũ thì không biết nguồn, cũng chẳng an tâm được. Có cần thì đợi ít ngày nữa, khi Việt Nam vào WTO rồi thì mua rẻ, tội gì!” ( Lê Mai, K23, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) .
Nhưng cũng không hoàn toàn những người có lap mang đi học thì gia đình phải rất “hoành tráng”, hay chí ít cũng “chịu khó đầu tư cho con”. Sinh viên K42 ĐH Ngoại thương ai chẳng biết “kỳ tích” vay tiền mua laptop thay vở đi học của chàng trai Cao Việt Dũng.
Xuất phát điểm của câu chuyện này do nhân vật chính quá ấn tượng đến… mê mẩn cách học bằng laptop phổ biến của sinh viên nước ngoài. “Xu thế tất yếu là sinh viên mình cũng sẽ học và làm việc như họ – chắc chắn là như thế. Mình học bằng lap, thì mình làm bằng lap sẽ tốt hơn.” Cậu nói thêm: “Mình chưa được ai chỉ cho dùng lap ở trường thì nên thế nào, nên có thêm sự khuyến khích bởi cảm giác đi đầu, chí ít là ở trường mình. Sau này, mình có thể đóng góp kinh nghiệm cho…các thế hệ sau! Thế là có tên của mình trong sự phát triển”.
Theo Nguyên NhungVietnamnet