Tích tụ ruộng đất… làm ăn lớn
Đến An Giang, hỏi thăm nông dân nào nhiều đất, biết ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là người ta chỉ ngay ông Nguyễn Lợi Đức (64 tuổi, thường trú tại ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Nhiều năm qua, ông Đức (còn gọi là Sáu Đức) thành công với nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: sản xuất lúa giống, nuôi bò, trồng chuối… Sự thành công của ông Sáu Đức hiện nay là tấm gương về tinh thần ham học hỏi, tư duy nhạy bén theo cái mới mà ít nông dân nào có được.
Ông Sáu Đức kể, từ nhỏ ông theo cha sinh sống ở Campuchia, đến năm 1973 mới về Việt Nam và lập gia đình vào năm 1978. Từ đó ông sinh sống bằng nghề mua bán kinh doanh nhỏ, rồi mở vựa mắm tại Khánh An (huyện An Phú) cung cấp cho các vựa mắm lớn ở TP Châu Đốc.
Đến Năm 1981 ông lại chuyển sang nuôi cá ba sa (cá tra) trong lồng bè. Khi con cá ba sa xuống dốc ông lên bờ tìm đến vùng kinh tế mới (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) để khai phá ruộng đất, trồng lúa. Lương An Trà lúc bấy giờ là vùng đất hoang hóa, khắc nghiệt, đầy lau sậy, đất nhiễm phèn, đường sá không có, thiếu nước ngọt nên giá đất rất rẻ ( chỉ 1 triệu đồng/ha). Nhưng kể từ khi con kinh T5 được khai thông và Ủy ban tỉnh An Giang chọn Lương An Trà xây dựng nhà máy chế biến mì (sắn), bà con hồ hởi, hy vọng tương lai sẽ có điện, nước ngọt.
Nhiều bà con cũng đến đây mua đất canh tác nhưng do đất phèn nên lúa non chết quá nhiều, trong khí đó lúa của ông năng suất lên đến 32 giạ/công nhờ áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Bí quyết của ông là đào kinh xả phèn và dùng phân lân để bón lúa. Từ đó nhiều bà con đến học hỏi, ông hết lòng chia sẻ, giúp cho nhiều người khai thác thành công. Riêng ông, nhận thấy cánh đồng Lương An Trà là một vùng đất hứa đầy tiềm năng và triển vọng nên ông đã mạnh dạn đầu tư mua thêm trên 1.000 công đất. Tiếp đó, ông về xã Vĩnh Gia mua thêm hàng chục ha đất, quyết tâm… làm ăn lớn.
Để làm ăn lớn, ông đã thành lập công ty SD (Sáu Đức), xây dựng logo và đăng ký sở hữu trí tuệ. Năm 2013, ông Sáu Đức giảm việc sản xuất lúa giống (có thời điểm ông cung cấp mỗi năm trên 10.000 tấn lúa giống), dành 3ha mở trang trại bò giống với qui mô hàng trăm con. Năm 2017, ông Sáu Đức tiếp tục dành 55ha đất tại xã Vĩnh Gia, thực hiện mô hình trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu, mỗi năm thu lợi hàng tỷ đồng.
Áp dụng công nghệ “bắt” đất xấu “đẻ” ra tiền
Năm 2013, ngành chăn nuôi có nhiều biến động (dịch bệnh, thị trường), tuy nhiên, ông Sáu Đức mạnh dạn thành lập trang trại nuôi bò. Trong lúc nhiều người thực hiện mô hình nuôi bò thịt, ông Sáu Đức quyết định làm bò giống chất lượng cao. Để làm được mô hình này, ông phải học từ những việc nhỏ nhất, như từ cách làm chuồng, thức ăn, cách chăm sóc bò và khó nhất là kỹ thuật gieo bò giống…
Lúc đầu ông nuôi 100 con, nay đã tăng lên 600 con, trong đó có trên 300 con bò cái, mỗi năm cho ra đời 200 con bò con. Bò ông nuôi được tuyển chọn từ những giống có chất lượng cao, giống siêu thịt như Brahman, Red, Angus, Itali và mới nhập thêm các giống bò Úc, Thái, Pháp… Đặc biệt, ông Sáu Đức đang lai tạo ra giống bò ba máu (lai ba dòng) có chất lượng thịt tương đương với bò Kope của Nhật.
Ông Sáu Đức, chia sẻ: “Chưa ngành nào có nhiều biến động như ngành nông nghiệp. Như nghề nuôi bò, một mặt người nuôi cạnh tranh khốc liệt với thịt bò ngoại thì người nuôi còn đối mặt với dịch bệnh, thức ăn, giá cả… Do vậy, để thành công với nghề nuôi bò giống, tôi phải nắm chắc kỹ thuật, áp dụng khoa học, công nghệ vào chăn nuôi. Và một trong những điều giúp tôi thành công là tôi tạo ra được nguồn thức ăn tươi ngon, đủ chất nhưng không tốn tiền tại trang trại của tôi từ việc tận dụng rơm rạ, thân chuối, quầy chuối bị lỗi để cho bò ăn”.
Trong khi ông Sáu Đức được coi là người tiên phong trong việc xây dựng mô hình kinh tế trang trại nuôi bò giống chất lượng cao và quy mô lớn nhất ở miền Tây thì đầu năm 2017 ông mở rộng thêm diện tích 55 ha (đất thuê) để trống chuối già Nam Mỹ. Hình thành vườn chuối không chỉ bắt vùng đất phèn cho thêm thu nhập mà ông Sáu Đức còn hoàn thiện mô hình nuôi – trồng khép kín của mình. Nói vui như ông Sáu Đức: “Bò có thức ăn, cây chuối không còn tốn nhiều phân nữa, tính ra mình lời gấp đôi rồi”.
Ông Sáu Đức còn cho rằng, ngày nay khoa học công nghệ tiến bộ rất nhiều, nông dân không cần lo vùng đất này phèn hay xấu quá. Vấn đề là cần hiểu vùng đất này phù hợp với cây trồng, vật nuôi nào rồi vận dụng khoa học kỹ thuật phát triển nó theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn và chất lượng cao thì sẽ thành công. Ngoài ra, người nông dân phải gắn bó với công việc mình đang làm (không chỉ đạo từ xa); việc quản lý người làm cũng phải mềm mỏng, sắp xếp công việc phù hợp cho từng người, vì làm nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nặng chân tay…
Hiện nay, doanh thu của DN Sáu Đức từ nguồn lúa giống, trang trại bò và trồng chuối xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm, trừ hết các chi phí còn lời trên 5 tỷ đồng. Ngoài việc làm giàu cho gia đình, ông Sáu Đức còn giải quyết công ăn việc làm cho 100 lao động thường xuyên với mức lương trên 4 triệu đống/tháng, đồng thời ông Sáu Đức còn là một hộ dân tích cực trong việc phối hợp, hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới.
Liên kết mới phát triển…
Sự thành công hôm nay, ông Sáu Đức cho rằng ngoài sự nổ lực của bản thân thì còn sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo tỉnh An Giang. Nhất là chính sách về vốn vay ưu đãi, về cơ sở hạ tầng, chủ trương tích tụ ruộng đất… dành cho người dân, DN làm nông nghiệp sạch, có ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Tuy nhiên khi bắt tay vào sản xuất nông nghiệp lớn, tham gia những chuyến khảo sát, học tập các mô hình nông nghiệp ở những nước phát triển, ông Sáu Đức trăn trở nhiều vấn đề, trong đó câu chuyện liên kết giữa các DN, trang trại, HTX ông xem là con đường hướng duy nhất để tồn tại và phát triển vững mạnh trong thời buổi kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Ông Sáu Đức cho rằng, mối liên kết giữa DN, trang trại hay HTX lâu nay đã gắn bó mật thiết với Nhà nước, nhà khoa học. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các đơn vị này với nhau còn hạn chế, nếu không muốn nói là mạnh ai nấy làm. Từ hạn chế này, dẫn đến sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng sản phẩm không đồng đều và khó đơn vị nào có một lượng hàng lớn để đáp ứng cho các đơn vị nhập khẩu tầm cỡ quốc tế. Từ đó, phải đẻ ra các thương lái, các DN trung gian thu mua, công ty xuất khẩu… nên một sản phẩm của Việt Nam trải qua nhiều trung gian, làm tăng giá thành khi chưa kịp xuất ngoại.
Do vậy, theo ông Sáu Đức, các DN cần liên kết lại, sản xuất theo nhu cầu thị trường, áp dụng qui trình, kỹ thuật canh tác như nhau để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều. Ngoài ra, vấn đề vốn vay hiện nay tuy có thông thoáng, ưu đãi về lãi suất, tuy nhiên việc các ngân hàng giải ngân cho các tổ chức cá nhân làm nông nghiệp theo tài sản thuế chấp (chủ yếu là đất) thường rất thấp, dẫn đến thiếu vốn, khó đầu tư phát triển sản xuất theo qui mô lớn, áp dụng công nghệ cao.
Ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Để phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà, những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã có chủ trương phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng ở những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả; tổ chức liên kết sản xuất theo hướng qui mô lớn, gắn liền sản xuất với tiêu thụ…
Bước đầu ngành nông nghiệp đã chuyển biến theo hướng tích cực, giá trị nông nghiệp tăng lên, thu nhập người dân theo đó cũng tăng đáng kể. Và một trong những nông dân tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao là nông dân Nguyễn Lợi Đức ở huyện Tri Tôn. Đây được xem là mô hình điểm mà tỉnh đang tập trung nhân rộng trong thời gian tới”.
Ông Sáu Đức là một nông dân giàu nghị lực trong suốt quá trình lao động sản xuất, mang lại hiệu quả cao, phát triển kinh tế địa phương và có nhiều đóng góp cho xã hội nên ông đã nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh An Giang, của Bộ Nông nghiệp và PTNT, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, vào 18/9/2017, nông dân Nguyễn Lợi Đức vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước Công hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Nguyễn Hành