Ưu thế của thế hệ mới
Mới đi làm một vài năm nhưng thế hệ những người sinh năm 1978 trở lại đây ở Mỹ đã tự xây dựng được tên tuổi và “thương hiệu” của riêng mình trong môi trường kinh doanh của các tập đoàn lớn.
Họ có những điều kiện làm việc mà ai nhìn vào cũng phải thèm muốn: làm việc theo thời gian biểu riêng, công việc đa dạng, thường xuyên có phản hồi của sếp, và thường xuyên được học hỏi… Đây là những lợi thế có được do những thay đổi trong cơ cấu tháp tuổi Mỹ cũng như nhờ những nỗ lực lớn của bản thân.
Theo dự báo của Cục Thống kê Mỹ, hiện nay, thế hệ babyboom của nước Mỹ (sinh ra sau Chiến tranh thế giới 2) hầu hết đã bước vào tuổi nghỉ hưu, và thị trường lao động Mỹ sẽ thiếu từ 4-10 triệu người từ nay đến năm 2010. Số dân sinh sau năm 1978 đã lên tới 78 triệu, gần tương đương với số dân thuộc thế hệ babyboom, và áp đảo số dân thuộc thế hệ Generation X (46 triệu).
Như vậy nguồn nhân lực của thế hệ Generation X (sinh từ năm 1969-77) sẽ không đủ cho thị trường lao động trong tương lai nữa. Đối với một số ngành thì những thông số này gây ra mối lo ngại không nhỏ.
Theo ông Robert Morison, đồng tác giả cuốn Workforce Crisis (Khủng hoảng của thị trường lao động) sắp xuất bản: “Không phải chúng ta không có đủ nhân lực, mà chúng ta sẽ thiếu những người có đủ kinh nghiệm, đặc biệt trong các ngành cần nhiều năm học tập như y tá, hoặc những ngành đang có nhiều người lớn tuổi làm, như ngành dầu khí”
Với hầu hết các ngành khác, những 8x với tấm bằng đại học (ĐH) trên tay đang có ưu thế để đạt được điều họ muốn ở nơi làm việc vì “Các công ty không thể coi thế hệ này là một thành phần thiểu số nữa rồi,” theo lời ông Robert Morgan, Giám đốc điều hành của Công ty Giải pháp Nguồn nhân lực Hudson. “Chính họ là những người quyết định nhịp độ công việc sẽ là nhanh hay chậm trong tương lai. Rất nhiều ưu ái đang được dành cho thế hệ này bởi các công ty hiểu rằng họ sẽ là nguồn lực chủ chốt trên thị trường lao động.”
Hiện tại, các tập đoàn lớn đang cố gắng tìm ra biện pháp hiệu quả để tuyển người và giữ người. Tập đoàn Deloitte and Touche, một trong những tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới, gần đây đã bắt đầu một chiến dịch nhân sự nhằm vào những người trẻ có tiềm năng.
Theo ông W. Stanton Smith, Giám đốc Dự án nhân sự Thế hệ mới của tập đoàn, “Trước đây, những người quan tâm đến Deloitte là những người chỉ thích làm kế toán. Bây giờ tập đoàn muốn tìm những người không chỉ giỏi tính toán mà còn giỏi về công nghệ, có khả năng diễn đạt tốt, và có đầu óc sáng tạo. Đây là một nhóm người nhỏ mà mọi công ty đều muốn giành giật.”
Để cạnh tranh với các tập đoàn khác, Deloitte đã nghiên cứu những mong muốn của người được tuyển dụng. Sau khi điều tra 1.000 người trẻ tuổi từ 14-21, họ phát hiện ra rằng hầu hết những người này đều mong có được sự linh hoạt và đa dạng trong công việc và có cơ hội thăng tiến cao.
Vì thế, công ty này đã mở ra một trung tâm tư vấn công việc để các nhân viên của mình có thể đến trao đổi về các lựa chọn nghề nghiệp của mình (mọi thông tin đều được giữ kín). Nhờ vậy họ dự đoán khoảng 550 nhân viên đã quyết định ở lại thay vì chuyển sang các nơi khác, tiết kiệm cho công ty khoảng 83 triệu USD chi phí tuyển dụng và đào tạo.
Các công ty và tổ chức khác cũng đang gắng sức đưa ra những điều chỉnh hợp lý để “chiều chuộng” nhân viên trẻ của mình. Với một nửa số nhân viên sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2007, Chính phủ liên bang Mỹ bắt đầu có chính sách làm việc chiều theo trước những yêu cầu và sở thích của các nhân viên trẻ, đặc biệt là các nhu cầu công nghệ: “Nếu có nhân viên trẻ nào muốn làm việc lúc 4h sáng từ nhà riêng của họ ở tận vùng trung Mỹ, chúng tôi cũng sẽ cố gắng đáp ứng điều đó,” bà Linda Springer, Giám đốc phòng quản lý nhân sự của Chính phủ liên bang, nói.
Có nghĩa là phải kết nối mạng lưới, cho họ các điều kiện về công nghệ để họ có thể làm việc từ nhà riêng hoặc các vùng sâu vùng xa, và luôn sẵn sàng mua các thiết bị công nghệ mới nhất. Những người trẻ tuổi luôn có nhu cầu lớn về công nghệ cao “vì họ lớn lên trong môi trường công nghệ!”
Thêm vào đó, thay vì việc ở lì trong một phòng ban, họ có thể chuyển từ phòng này sang phòng khác. Cơ quan Chính phủ liên bang cũng hợp tác với ba công ty về công nghệ thông tin để tạo điều kiện cho các nhân viên chuyển từ làm cho Nhà nước sang khối tư nhân và ngược lại.
Tự làm chủ tương lai
Tuy nhiên, không chỉ các công ty tuyển dụng phải chiều nhân viên trẻ và làm cho họ hài lòng. Theo bà Carolyn Martin thuộc Công ty tư vấn RainmakerThinking, những người trẻ mới đi làm cũng phải chủ động, tìm cách tăng trách nhiệm và nâng cao trình độ trong công việc.
Trên thực tế thế hệ 8x của Mỹ, đặc biệt là những người đã có bằng ĐH trở lên, đang tận dụng tối đa mọi cơ hội để khẳng định mình bằng cách trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm. Những ưu thế chính của thế hệ này là gia đình khá giả, có sự chuẩn bị sớm về kiến thức và kỹ năng, và có rất nhiều cơ hội việc làm mở ra trước mắt. Theo lời ông Neil Howe, tác giả cuốn Millennials Rising viết về thế hệ 8x và 9x của nước Mỹ: “Khi còn là học sinh họ đã dành phần lớn thời gian chuẩn bị cho các bài thi sát hạch. Vào cấp 2 họ đã bắt đầu nhòm ngó các công ty rồi chứ không đợi đến khi vào đại học nữa.”
Stella Kenyi đã chuẩn bị sẵn một CV hoàn hảo từ lâu trước khi tốt nghiệp đại học. Là cử nhân trường Davidson College ở Bắc Carolina, Kenyi, năm nay 23 tuổi và là người gốc Sudan, bắt đầu sự nghiệp phát triển quốc tế của mình bằng một công viêc rất hoành tráng: tự thiết kế và thực hiện một chương trình đào tạo các kỹ năng kinh doanh ở Sudan.
Rất vững tin vào con đường của mình, cô nói: “Bạn phải làm nhiều công việc (từ khi còn đang học) và phải làm tốt. Đừng gói gọn mình trong một môi trường làm việc hẹp và khép kín”. Khi mới ra trường, cô đã chọn làm việc cho Hiệp hội HTX Điện Nông thôn Quốc gia và có cơ hội đi đến các địa phương khảo sát trực tiếp chứ không chỉ ngồi bàn giấy. Năm ngoái cô được cử sang Yai, Sudan, để làm điều tra về việc sử dụng điện ở đây. Bây giờ thì cô lại trở về Sudan để làm một dự án khác.
Một trong những đặc điểm của thế hệ này là luôn có nhu cầu có phản hồi thường xuyên của cấp trên. Họ có lợi thế là sếp của mình, những người thuộc thế hệ Generation X và đã trải qua giai đoạn khởi nghiệp này chưa lâu, hiểu rất rõ và cố gắng đáp ứng nhu cầu này.
Dan Ross, 29 tuổi, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh ở ĐH Stanford năm 2005. Trước khi vào làm tư vấn cho công ty dược Covance, anh đã chủ động đề nghị sếp thường xuyên trao đổi và nhận xét về công việc với mình. Giờ đây khi lên chức sếp, anh cũng làm như vậy với những nhân viên mới. Sau mỗi dự án, anh liệt kê ra những điểm tốt và chưa tốt của mỗi nhóm làm việc. “Làm việc đến 3 tuần rồi mà không nói cho cấp dưới biết chất lượng công việc của họ được đánh giá như thế nào thì sẽ không giữ được họ lâu”, anh nhận định “Những người trẻ luôn muốn có thách thức phải thay đổi cái gì đó”
Bà Carolyn Martin khuyên các nhân viên trẻ nên nói chuyện với sếp về các nhu cầu chưa được đáp ứng của mình khi làm trong công ty, tự nguyện nhận thêm dự án về làm, và luôn luôn làm nhiều hơn những gì được yêu cầu. “Bạn là người làm chủ cuộc đời mình,” bà nói. Đây cũng chính là mục tiêu mà giới trẻ Mỹ đang hướng tới.
Theo Khánh NgọcVietnamnet