Quảng Nam không chỉ được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt, mà còn nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống tồn tại từ bao đời nay. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, làng nghề vẫn tồn tại và phát triển, giữ vững truyền thống cha ông để lại.
Làng đúc đồng Phước Kiều
Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) là làng nghề truyền thống lâu đời nhất của tỉnh Quảng Nam. Hơn 400 năm qua, các nghệ nhân trong làng nghề không những giữ vững được nghề mà còn đưa sản phẩm vươn xa.
HTX làng nghề đúc đồng Phước Kiều hiện còn 36 hộ gắn bó với nghề. Sản phẩm của làng nghề vào giai đoạn sơ khai chủ yếu phục vụ cho các sinh hoạt lễ nghi, thờ cúng và phong tục tập quán như đèn thờ, cồng, chiêng, lư đồng, nồi niêu, xoong chảo…
Hiện nay, ngoài những sản phẩm đã làm nên thương hiệu làng nghề, làng đúc đồng Phước Kiều còn chế tạo nhiều sản phẩm mang tính mỹ thuật, thương mại cao như khay đồng, đèn lồng chạm trổ hoa văn, tượng phật, rồng, lân cùng các mặt hàng nội, ngoại thất mỹ nghệ tinh xảo.
Đặc biệt, những ngày cận Tết, nhu cầu khách hàng tăng cao hơn so với trong năm, các lò đỏ lửa liên tục để kịp thời phục vụ cho khách hàng, có khi đến 30 Tết vẫn còn người đến mua.
Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH làng đúc Phước Kiều) cho biết: “Dịp Tết hàng bán chạy hơn so với ngày thường, chủ yếu các mặt hàng dành cho việc thờ cúng như lư, chân đèn. Tùy theo kích thước, độ tinh xảo mà có giá khác nhau, thấp nhất là 650 ngàn, cao nhất cũng lên đến vài chục triệu”.
Làng chổi đót Thạnh Hòa
Làng nghề chổi đót Thạnh Hòa 1 (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) đã trải qua nhiều thăng trầm. Hơn 20 năm giữ nghề, đến nay làng nghề đã sản xuất ổn định và được nhiều người biết đến. Thời điểm cận Tết cổ truyền làng nghề trở nên nhộn nhịp, tất bật hơn.
Làng nghề có 60 hội viên trong tổ sản xuất, chủ yếu là chị em phụ nữ. Nghề này cũng góp phần giải quyết việc làm ổn định tại địa phương. Cũng có hộ khá lên nhờ biết cải tiến sản phẩm, mẫu mã phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Gần tết Nguyên đán, đơn đặt hàng nhiều nên công việc của các chị trở nên tất bật hơn.
Bà Huỳnh Thị Xuân – một trong những hộ dân sản xuất ở đây – cho biết: “Những lúc rảnh rỗi, chị em phụ nữ làm chổi kiếm thêm thu nhập, công lao động cũng được khoảng 100 ngàn đồng/ngày. Công việc này không kén chọn người làm, chỉ cần chăm chỉ khéo léo là được nên nhiều trẻ em, người già đều có thể làm để kiếm thêm thu nhập. Nếu chỉ làm ruộng không thì không đủ nuôi con cái ăn học đàng hoàng”.
Trải qua nhiều thăng trầm, đối mặt với nhiều khó khăn nhưng người dân thôn Thạnh Hòa vẫn quyết không từ bỏ nghề đã gắn với cha ông từ bao đời nay. Họ luôn nhắc nhở nhau, mình không phụ nghề thì nghề sẽ không phụ mình.
Bà Phan Thị Minh Ánh (tổ phó tổ làng nghề Thạnh Hòa 1) cho biết: “Từ khi thành lập làng nghề chổi đót, đời sống bà con cũng khấm khá hơn. So với nông nghiệp thì ổn định hơn, có việc làm quanh năm, tạo thu nhập cho mọi người. Đời sống người dân từ đó mà thay đổi, có người thoát nghèo nhờ làm nghề này, có người đẩy mạnh sản xuất vươn lên làm giàu”.
Clip sản xuất chiếu và làm chổi đót
Mỗi độ xuân về, làng nghề chổi đót Thạnh Hòa 1 như nhộn nhịp hơn hẳn, dù ai cũng bận rộn với công việc nhưng ai cũng phấn khởi và mong ước có một mùa bội thu.
Làng chiếu Bàn Thạch
“Anh về Bàn Thạch em trải chiếu cho anh nằm. Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai”.
Nằm trên một doi đất dài giữa hai dòng sông Thu Bồn và Bà Rén, không chỉ là làng nghề truyền thống, từ lâu chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) giống như kho tư liệu sống tạo nên không gian văn hóa làng Việt thu hút khách đến tham quan, thưởng lãm.
Bàn Thạch hiện còn vài chục hộ làm chiếu. Trước thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường, không biết bao nhiêu nơi đã bỏ nghề làm chiếu, nhưng người Bàn Thạch chẳng những giữ được nghề mà còn đưa nó trở thành thương hiệu “chiếu Bàn Thạch” nổi tiếng khắp vùng trong và ngoài xứ Quảng.
Để đáp ứng nhu cầu về số lượng, cũng như chất lượng của thị trường, 5 năm trước người Bàn Thạch đã nghĩ ra cách đưa máy dệt chiếu vào để thay thế sức lao động con người. Ông Bổn – người đầu tiên đưa máy dệt về Bàn Thạch cách đây 5 năm – cho biết: “Chiếu dệt máy đã giải phóng được sức lao động và nhờ đó mà thu nhập của người lao động cũng tăng lên. Một ngày người dệt tay làm khoảng 4 chiếc chiếu, người dệt máy làm được 10 chiếc/máy”.
Theo ông Bổn, gần Tết đơn đặt hàng cũng nhiều hơn nên người làm nghề phải thức khuya để hoàn thành sản phẩm giao cho khách hàng.
Cô Ánh (hội viên hội ngành nghề xã Duy Vinh) chia sẻ: “Chiếu Bàn Thạch hiện nay phát triển cũng khá mạnh, đưa đi xuất nhiều nơi, hằng năm đến ngày 10 tháng Chạp, người dân Bàn Thạch lại đưa chiếu làng mình vào Tam Kỳ để dự triển lãm làng nghề”.
N.Linh-C.Bính