Làng gốm Bàu Trúc tất bật chuẩn bị đón khách Tết

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 01/02/2019
Lần cập nhập cuối: 08/02/2021

Gốm Chăm Bàu Trúc là gốm làm bằng tay, không bàn xoay, sử dụng hòn kê, kỷ thuật chải, miết láng và nung ngoài trời, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc bản.

Vừa đưa một lô hàng gốm lên xe đi vào Sài Gòn, nghệ nhân Đàng Thị Phan – một trong những nghệ nhân nổi tiếng của một gia đình có truyền thống làm gốm lâu đời tại làng Bàu Trúc, cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ mỗi tết đến là nhà tôi lại làm nhiều gốm hơn bình thường. Lý do là có nhiều khách hàng đặt hơn ngày thường. Và mình cũng phải làm thêm sản phẩm để đi tham gia ở các Hội chợ và trưng bày ở của hàng của gia đình phục vụ du khách đến xem và mua hàng”.

“Năm nay, khách đặt hàng không bằng những năm trước, chủ yếu là những sản phẩm gốm mỹ nghệ như: bình căm hoa, bình trang trí, bộ ấm tách trà, chậu lan, chậu mai. Ngoài ra, gia đình cũng tập trung làm những sản phẩm gốm truyền thống như: Nồi nấu cơm, nồi kho cá, lò bỏ than, chum đựng than để bỏ cho các mối hàng quen thuộc”, bà Phan cho biết thêm.

Cứ mỗi mùa Tết là làng gốm Bàu Trúc lại thêm rộn ràng

 

Bà con chuẩn bị rất nhiều sản phẩm cho dịp này

 

Gốm Chăm Bàu Trúc là gốm làm bằng tay, không bàn xoay, sử dụng hòn kê, kỷ thuật chải, miết láng và nung ngoài trời

Theo bà Phan, để thay đổi kịp với xu hướng thị trường, nghệ nhân ở làng gốm Bàu Trúc cũng bắt đầu thay đổi mẫu mã sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Mặt hàng mà các hộ làm nhiều nhất trong dịp này vẫn là hình tượng con heo, vì năm nay năm Kỷ Hợi.

Bà Phan cho hay: “Mẫu mã cũng có sự đổi mới. Bên cạnh heo đứng thì chúng tôi làm thêm heo ngồi và heo màu vàng đồng, gốm hình con heo sau khi nung chín xong sẽ được phun màu đồng., làm phong phú hơn cho sản phẩm gốm con heo bên cạnh hai màu đỏ, nâu quen thuộc”.

Sản phẩm gốm “Heo ngồi” – sinh động hơn cho năm Kỷ Hợi 2019
Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc bản

Chăm chút trưng bày cửa hàng để đón khách tham quan dịp tết

Những ngày giáp tết, bên cạnh việc khẩn trương làm ra những sản phẩm mới, các hộ dân làm nghề gốm ở đây cũng tất bật trang hoàng cửa hàng, xưởng gốm của mình để mở cửa đón khách du lịch đến tham quan.

Đang trang trí cho một bình hoa sau khi đã được chải láng và tạo hình xong, chị Đàng Thị Thu Sương tâm sự: “Khoảng mồng 2 tết là bắt đầu đông khách. Nhờ có những đoàn khách du lịch về trong những ngày tết mà không khí trong làng cũng vui tươi rộn ràng hơn. Mỗi ngày, gia đình tôi đón vài trăm lượt khách. Đa số là họ tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm thực hành làm gốm”.

“Đặc biệt, khách rất thích thú khi được mình hướng dẫn cho họ cách làm gốm. Còn khách mua thì ít thôi, do họ còn phải đi chơi, họ sợ gốm bị vỡ. Đối với những khách muốn mua thì chúng tôi thường chuyển đến tận nơi cho họ sau tết”, chị Sương chia sẻ.

Nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm cách làm gốm ở làng Bàu Trúc
Các nghệ nhân thực hành làm gốm phục vụ khách du lịch

Dù công tác hướng dẫn khách tham quan xưởng và làm gốm không thu được lợi nhuận nhiều nhưng các hộ làm gốm ở đây rất nhiệt tình. Bởi họ mong muốn càng nhiều người biết đến gốm Bàu Trúc, 1 dòng sản phẩm độc đáo riêng có của đồng bào Chăm.

Chị Đỗ Thị Hồng Hảo (ngụ tỉnh Đồng Nai) cùng gia đình đến thăm làng gốm Bàu Trúc vào những ngày cận tết chia sẻ: “Rất thú vị khi tôi và các con được tận mắt thấy những sản phẩm gốm rất đẹp về mẫu mã lẫn màu sắc, được bày cho cách nhào đất và nặn thành những con vật, đồ vật… Bà còn ở đây rất gần gũi và dễ thương và nhiệt tình. Chúng tôi được thoải mái trải nghiệm làm gốm mà không tính phí nào hết!”.

Khách được hướng dẫn làm gốm

Nghệ nhân Đàng Xem chia sẻ: “Đây là làng nghề truyền thống lâu đời của chúng tôi, dù như thế nào chúng tôi vẫn làm để bảo tồn làng nghề này. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tất bật làm thêm nhiểu sản phẩm mới nữa để giới thiệu sản phẩm gốm Chăm cho khách du lịch khi đến tham quan làng nghề truyền thống gốm Chăm Bàu Trúc trong dịp tết này”.

Hải Bình

Exit mobile version