Nguyễn Lĩnh Sơn , cựu sinh viên Học viện Tài chính Hà Nội, hiện đang theo học Thạc sĩ Phân tích Tài chính tại Đại học La Trobe (Úc) . Sơn chia sẻ với PV những câu chuyện thú vị về làm thêm, khác biệt văn hóa tại Úc.
Công việc làm thêm tại Úc của Lĩnh Sơn là phụ bếp. Tính chất công việc không quá phức tạp, bao gồm sơ chế món ăn, rửa bát đĩa và dọn dẹp. Sơn mất khoảng một tháng làm quen với công việc. Hồi ở Việt Nam, việc bếp núc trong gia đình thường do mẹ đảm nhiệm.
Theo Sơn, một công việc làm thêm tốt ở Úc là công việc do người Úc làm chủ. Họ tôn trọng luật và trả lương cao cho sinh viên. Người chủ Úc thường trả lương qua tài khoản tax.
Việc trả lương qua tài khoản phải tuân thủ các điều kiện: lương cao hơn lương tối thiểu của Úc, thời gian làm thêm không quá 20h/tuần. Những công việc như thế thường có hợp đồng rõ ràng, sự cạnh tranh giữa các sinh viên cũng gắt gao để được nhận vào làm.
Du học sinh Việt mới sang hoặc dưới 18 tuổi chủ yếu làm thuê cho chủ người Việt Nam, Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Những người chủ Châu Á hay lách luật bằng cách trả lương trực tiếp (cash-on hand).
Trả trực tiếp đồng nghĩa với việc họ không đóng thuế. Mức lương sinh viên nhận được cũng thấp hơn rất nhiều so với mức lương cơ bản của Úc. Bên cạnh đó, sinh viên phải làm nhiều hơn 20h/ tuần. Đại đa số du học sinh buộc phải chấp nhận vì công việc làm thêm tốt thường không quá nhiều.
Hiện Sơn làm thêm cho một nhà hàng do người Việt làm chủ. Lịch làm thêm của Sơn rơi vào ba ngày cuối tuần. Tổng thời gian làm trong ba ngày là 24h/tuần. Thứ 6, thứ 7, Sơn làm từ 5h chiều đến 11h tối. Riêng chủ nhật thì cậu làm từ 11h trưa tới 11h tối.
Tôn trọng quyền cá nhân
Với một smartphone trên tay, giới trẻ Việt thường có thói quen “selfie”, chụp ảnh ở bất cứ đâu. Khi mới sang Úc, Sơn vẫn giữ thói quen này. Một lần, Sơn cùng bạn vào sở cảnh sát làm giấy tờ. Cảnh sát ở đây rất thân thiện, lịch sự. “Họ chu đáo và nhiệt tình”, Sơn nhớ lại. Quá ấn tượng với điều này, Sơn giơ điện thoại ra chụp để kỉ niệm.
Ngay lập tức, nhân viên cảnh sát đổi sắc mặt. Sơn bị gọi vào, yêu cầu cho xem ảnh và hỏi lí do chụp. Thái độ của họ khiến Sơn giật mình. Người bạn đi cùng phải giải thích là Sơn mới sang, chưa biết nhiều về luật bên này. Vì thế, cảnh sát chỉ nhẹ nhàng cảnh cáo và yêu cầu Sơn xóa ảnh.
Tại Úc, không phải cứ giơ máy lên thích chụp gì thì chụp. Đi đường, gặp em bé rất dễ thương đang chơi, muốn chụp phải xin phép bố mẹ. Ngay đến cả vật nuôi dạo công viên, đường phố cùng chủ, nếu muốn chụp thì cũng phải xin phép chủ.
Sơn cho biết người Úc tôn trọng riêng tư cá nhân. Điều này được thể hiện rõ trong môi trường học thuật. Sinh viên hay giảng viên có thể ăn mặc tùy thích nhằm thể hiện cá tính trong mức độ cho phép. Sinh viên nữ bình thản đến trường trong quần ngắn. Sinh viên khoe hình xăm, các loại khuyên,… như một kiểu làm đẹp, không bị dị nghị hay kì thị vì khác người.
Đặc biệt, theo Sơn, trong các giờ học, không có những cuốn giáo trình hay những tiết học mang tính chất kinh viện. Người thầy hay sách giáo khoa không phải là “chân lý”, sinh viên được khuyến khích tư duy phản biện, tự do trao đổi và “phản pháo” lại thầy, bạn bè trên cơ sở khoa học.
Không có “vùng cấm hay nhạy cảm” trong nghiên cứu, học thuật, tất cả được xem xét trên bình diện khoa học để chỉ ra hay hoặc không hay. Để có được những buổi học mang tinh thần phản biện, sinh viên phải tự nghiên cứu, phải đọc rất nhiều sách từ trước đó.
Theo Thúy An
Tấm gương/Tiền phong