Cùng với “Quỳnh búp bê” thì Lan “cave” do Thanh Hương đảm nhiệm cũng là vai diễn ấn tượng đặc biệt với khán giả trong phim. Thanh Hương từng tốt nghiệp trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Hiện tại, cô công tác tại đoàn kịch 2 – Nhà hát kịch Hà Nội. Cô cũng từng đạt giải Á khôi 2 cuộc thi Hoa hậu Hải Dương 2006.
Mới đây, Thanh Hương đã có những khoảnh khắc sâu lắng kể về những ký ức tuổi thơ khó quên năm 7 tuổi “ngây thơ, khù khờ và vụng dại”.
“7 tuổi, cả tuổi thơ bị khoá trái trong 4 bức tường vì điều kiện bố mẹ phải đi làm xa. 7 tuổi, cái nhìn dòm ngó, soi xét, của bọn trẻ con cùng trang lứa”, Thanh Hương chia sẻ.
Mùa hè năm đó, Thanh Hương được bố mẹ đưa về quê ngoại chơi. Trong con mắt của cô bé vốn dĩ chỉ biết đến 4 bức tường thì đó là một thế giới đầy lạ lẫm, từ mùi rơm rạ, đến những cánh đồng lúa và cậu bạn đặc biệt mà cô gọi là “gã”.
Đó cũng chính là người mà dù đã hơn 20 năm rồi không gặp vẫn khiến Thanh Hương nhớ mãi không bao giờ quên: “7 tuổi cũng sẽ “trôi qua êm đềm” nếu như không có gã”, Thanh Hương viết.
Thanh Hương ngày đó “bướng, gấu và lì”, về đến nhà ai cũng thương, cũng quý, ra chợ mua không biết bao nhiêu thức ăn ngon để chế biến mời 2 bà cháu sang, nhưng bản thân Thanh Hương lại chẳng thích.
Cô kể: “Bà bảo: Vào ăn đi không mọi người buồn con. – Không, con không thích, con đi chơi đây, bà phần cơm tí con về ăn sau ạ. Bà chỉ phần đậu luộc và tép thôi nhé. Con không ăn thịt gà đâu.
Đấy, chỉ mê tép và đậu luộc. Ăn ngon và đưa cơm đừng hỏi, chứ nào phải cao lương mĩ vị gì đâu. Đậu luộc là món khoái khẩu từ đó cho đến tận bây giờ. Một phần khoái vì thích ăn nó, còn 9 phần còn lại là kỉ niệm yêu thương, kỉ niệm của một thời “trẩu tre” chính hiệu”.
Và kể về “gã”, Thanh Hương có kỉ niệm khó quên khi người ấy đèo cô trên một chiếc xe đạp cà tàng: “Cũng chẳng biết gọi tên là xe đạp gì. Chỉ biết nó cũ kĩ, ọp ẹp, không giỏ, ghi đông thì lệch hẳn sang một bên, ngồi sau ê hết cả mông, đèo nhau đi cứ cót ca cót két. Ai không lái vững là ngã chỏng qoèo ra ngay. Ấy thế mà, một gã nhỏ con, bé bằng một nửa mình (Em “voi” từ bé các bác ạ) lại đạp phăng phăng trên chiếc xe đạp ấy, thi thoảng lạng lách, đánh võng một cái rồi cười ré lên.
Mình thì ngồi sau tay bám chặt yên, tay ôm eo gã, có đoạn ổ gà sóc, nẩy cả đom đóm lên, ức, khóc, bảo gã đi chậm gã không chịu. Mình phi phộc một phát xuống, ngã đánh cốp đầu xuống đường khóc bù lu bù loa lên, giẫm chân ăn vạ, về mách bà ngoại”.
Và để dỗ cho cô bé Thanh Hương nín khóc, “gã” quyết “đền đáp” lại bằng cách hứa chở cô đi… bẻ trộm na.
“Ôi từ bé có biết đi ăn trộm bao giờ? Nghe thấy thế con bé như mở cờ trong bụng, sướng lắm, cứ cái gì mới là háo hức, hồ hởi, hân hoan, hí hửng. Lần đầu mà!
2 đứa phi đến vườn na nhà bà Mít cuối làng, na nhà bà to, sai trĩu quả, quả nào quả nấy đều tăm tắp, mắt na to như mắt em lúc ấy luôn. Cái cảm giác háo hức được ăn na không lạ lẫm bằng cảm giác được hái trộm na đâu.
Hái đến quả thứ 3, tay với cao quá, cái que bị rớt vào trong vườn, con chó chạy sồ ra đớp lấy cái que sủa lên inh ỏi. 2 đứa ba chân bốn cẳng xách xe chạy 1 mạch. Lúc ấy áo bị vướng vào bờ rào, rách tả tơi một mảng, mặt lấm lem, mồ hôi vã ra, chân tay xước cả mảng đỏ to. Gã nghĩ cách về nói dối cho mình. Còn mình lại tồng tộc kể hết từ đầu đến cuối, như khoe chiến tích. Bà ngoại mắng, bảo ăn trộm là xấu, lần sau còn thế dứt khoát không bao giờ cho về quê. Con bé sợ quá, lấy cớ chạy đi tắm rồi trốn biệt vào trong luôn”, cô nhớ mãi không quên.
Chưa dừng lại ở đó, buổi tối “gã” lại mò sang rủ cô đi mò cua bắt tép. Cô cho rằng, nhờ người ấy mà năm 7 tuổi của cô được “khai sáng bao nhiêu điều mới mẻ, được lang thang mệt nhoài với một đống những trò chơi, thú vị lắm”.
“Hồi nào đến giờ đâu có được làm mấy cái trò đó. Thấy gã rủ vậy là háo hức, phấn khởi lắm. Gã trông nhỏ con, gầy guộc vậy thôi mà ga lăng nhanh nhẹn ra phết. Gã dắt mình chạy dọc ra bờ ao.
Mà lúc ấy ở quê làm gì có đèn sáng như ở thành phố, chỉ loé lên cái ánh sáng ít ỏi của cái đèn pin soi đường mà thôi. Đến nơi, gã ủn cho mình cái rổ, và ngồi chọc chọc vào cái hang, bắt những chú cua bò lổm nhổm ra ngoài, gã chộp lấy nhanh từng con một rồi thả vào rổ. Lần đầu được chứng kiến tận mắt con cua còn sống giãy giụa, chứ không phải hình ảnh bát canh cua mẹ nấu ở nhà.
– Gã hỏi: Có thích không?
– Mình sung sướng đáp ngay không cần nghĩ: Thích lắm”.
Đến nay, đã 20 năm trôi qua nhưng Thanh Hương và cậu bạn năm xưa vẫn chưa gặp lại nhau. Nhưng Thanh Hương vẫn luôn hi vọng, “gã” năm đó: “Hãy sống thật tốt và là phải là chính mình nhé”, “Cảm ơn vì đã góp phần vẽ lên bức tranh tuổi thơ thật đẹp trong ta”, cô xúc động tâm sự.
Phương Nhung