Làm giàu tuổi 20

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 02/02/2007
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

“Không” chưa hẳn là không có gì

 

… “Để chữa bệnh cho mẹ, gia đình đã có lúc không nhà, không thước đất cắm dùi. Chiếc xuồng gỗ là chốn đi về, cũng chính là “cần câu cơm” duy nhất của 6 miệng ăn trong gia đình, sau cái chết của người em nhỏ. Anh hai phải bỏ học. Tôi, đứa kế tiếp, ốm eo, gầy mòn và đen trũi. Cái đen vì nắng, gió miền đất Kiên Giang, có khi cái sắc rất riêng của tuổi thơ lam lũ.

 

Nhưng có lẽ, chính thôi thúc từ hoàn cảnh đã cho tôi  biết được điều chưa từng học trong sách vở: “không” chưa hẳn là không có gì…” – Vũ Đình Tiến, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoa Hướng Dương và Công ty sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Thiên Đức kể cho tôi nghe thời khốn khó của gia đình – một động lực thúc đẩy anh tự vươn lên, khẳng định mình.

 

Lên Sài Gòn học, chọn ngành Quản trị kinh doanh, chàng sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM đã định hình bước đầu về con đường “để không chỉ là người làm thuê”. Lăn lộn kiếm sống ngay từ năm đầu giảng đường, chàng Phó bí thư đoàn khoa kiêm Chủ tịch Trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường còn rất năng nổ tạo ra công ăn việc làm cho đồng môn. Ra trường, “nhảy cóc” qua gần 20 chỗ làm trong 5 năm là chuỗi hành trình có mục đích và chọn lọc của Tiến.

 

Trang mới mở ra trong “quyển” đời nhiều khó nhọc của Tiến phải đến năm 28 tuổi với sự ra đời của công ty chuyên sản xuất bàn ghế học sinh mang tên Hoa Hướng Dương, nơi ấp ủ tất cả vốn liếng, kinh nghiệm, cũng như hoài bão của chủ nhân.

 

Sau 3 năm, từ chỗ chỉ vài khách hàng quanh quẩn trong địa bàn quận 6, thương hiệu của Tiến đã vươn dài ra các tỉnh lân cận, loại hình sản phẩm không chỉ là bàn ghế học sinh, sinh viên, bàn giáo viên, bàn thí nghiệm, bàn vi tính, bàn văn phòng, các đồ trang trí nội thất, mà còn len chân sang thị trường đèn gỗ trang trí. Xuất khẩu sang Mỹ với mong muốn đưa thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài đang là dự án tâm đắc tiếp theo của chàng giám đốc trẻ.

 

Những cú rẽ trái ngoạn mục

 

Với cương vị giám đốc của ba công ty, cổ đông chiến lược kiêm Ủy viên hội đồng quản trị một công ty có tiếng khác, từng để lại tên tuổi trong “làng” tiếp thị, có trong tay tiền tỉ từ việc kinh doanh bất động sản ở tuổi 25… như Lê Quốc Duy, thì thành công đến với những cậu ấm, cô chiêu cũng không hề “dễ dãi”.

 

Ngay khi là sinh viên ngành Quản lý kênh phân phối và hệ thống thông tin (Supply Chain Management and Management Information System) của ĐH Washington (Mỹ), Duy đã muốn được trui rèn từ những công việc như: rửa chén, phụ bếp, thu lượm giấy tái chế, bảo vệ khuôn viên trường học… Trở về nhà sau 23 giờ đêm trên tuyến xe buýt đường dài, mệt nhoài vì đói, vì cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông đầy tuyết là những ngày quen thuộc của Duy ở xứ người.

 

7 đô la cho mỗi tiếng đồng hồ (chưa đủ tiền mua hai chiếc hamburger), với cậu không quan trọng bằng học được một điều giản dị “rửa chén cũng phải… nhanh và sạch”. Về nước, việc gật đầu về làm cho Công ty Starprint, ngày hai lần đón xe từ Sài Gòn xuống Đồng Nai đi làm, là thêm một lần Duy muốn thách thức chính đôi chân của mình. “Đại duyên” với Công ty địa ốc Vạn Phát Hưng trong cương vị một trợ lý giám đốc, rồi giám đốc marketing chính đã đưa anh thực hiện một cú rẽ trái ngoạn mục sang lĩnh vực marketing.

 

Cùng với nhiều người, Duy đã chung tay “hâm nóng” tảng băng của thị trường bất động sản bằng chiến lược tiếp thị mang tính chuyên nghiệp của mình qua khu căn hộ cao cấp Phú Mỹ. Bên cạnh các cương vị: Giám đốc tiếp thị cho Công ty Vạn Phát Hưng, Công ty Novaland, cổ đông chiến lược cho Công ty xây dựng Hòa Bình, Duy đang vun trồng cho “đứa con đẻ” – Công ty TNHH Phương Đông trong vị trí một giám đốc điều hành.

 

Tuổi 24, với Lê Việt Nga, sau 6 năm chuyên tu lĩnh vực Vi tính thương mại tại ĐH Massey (New Zealand), 2 năm đầu quân cho tiếng Hoa tại Trung Quốc và 6 tháng nắm giữ cương vị Phó giám đốc Công ty TNHH Hiền Nga, vẫn là “quá trễ trước nhiều cơ hội đã vuột khỏi tầm tay”.

 

Phát triển du lịch theo mô hình liên hoàn các loại hình dịch vụ, kết hợp với kinh doanh nhà hàng khách sạn, siêu thị mini… là hướng đi mũi nhọn trong chiến lược phát triển thời hội nhập của công ty trẻ như của Nga.

 

Theo Hà ÁnhThanh Niên

Exit mobile version