Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những câu chuyện được kể lại sau thời chiến vẫn có vị ngọt riêng. Mỗi lần nhớ lại ngày chồng trở về, đôi mắt bà Hà Thị Duyên (thôn 5, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) lại ánh lên niềm vui. Ngày ấy cách đây hơn 40 năm, ngày ông Trần Quang Phục, chồng của bà Duyên bất ngờ trở về sau 2 lần nhận giấy báo tử.
Đám cưới phải “mượn” chú rể
Quê hương của vợ chồng bà Duyên, ông Phục đều ở xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ngày ấy, bà Duyên là một cô sơn nữ duyên dáng, vui vẻ, hiền lành nhiều lần làm trái tim của ông Phục thổn thức. Chính vì vậy, suốt thời gian dài khi còn học cấp 2 trường huyện, ông Phục một mực theo đuổi bà, cho dù hai nhà cách nhau cả chục cây số đường rừng.
Học xong cấp 2 khi vừa tròn mười tám tuổi, như bao thanh niên trong bản, ông Phục lên đường tòng quân nhập ngũ. Trước ngày ra đi bảo vệ tổ quốc, ông Phục chỉ dặn dò cha mẹ đúng duy nhất một điều rồi mới yên tâm lên đường: “Bố mẹ đi hỏi người đó cho con và con phải lấy đúng người đó làm vợ”.
“Năm 1962 ông ấy đi bộ đội, nhưng phải đến 5 năm sau (tức là năm 1967) gia đình ông ấy mới mang lễ sang hỏi cưới tôi. Ngày cưới, ông không xin về được nên gia đình phải nhờ người anh họ đóng vai chú rể. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác ngày hôm đó, ngoài mặt thì vui mừng nhưng trong lòng thì tủi thân lắm vì ngày cưới lại không có chồng bên cạnh”, bà Duyên nhớ lại.
Cưới xong, bà Duyên cũng thu dọn hết đồ đạc để về nhà chồng ở. Được một thời gian, bà lên Hà Nội làm công nhân tại Công ty cao su Sao Vàng. Trong thời gian làm việc tại đây, ông Phục có về thăm bà một vài lần, nhưng hai người chỉ đủ thời gian nhìn mặt nhau nên thời điểm đó vợ chồng ông bà chưa có con cái.
“Tôi cứ cắm đầu vào làm việc cho quên đi nỗi cô đơn khi không có ông ấy ở bên. Một thời gian dài không có tin tức gì về chồng thì đến năm 1970, gia đình ông ấy ở quê đánh điện lên báo tin cho tôi biết rằng, chồng tôi đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Nghe tin, tôi chết đứng, buồn bã đau khổ suốt một thời gian dài. Đến năm 1972, chúng tôi lại nhận giấy báo tử lần 2, lúc này trong lòng tôi nghĩ có lẽ chồng của mình đã hy sinh thật rồi!”, bà Duyên kể lại quãng thời gian tuyệt vọng nhất.
Chồng trở về sau hai lần có giấy báo tử
Sau 2 lần nhận giấy báo tử của ông Phục, gia đình hai bên và bà con chòm xóm ai ai cũng nghĩ chắc ông đã “ra đi” thật rồi. Bà Duyên nhiều lần cũng nghĩ thế, nhưng với tình cảm sắt son, bà vẫn hy vọng có một phép nhiệm màu đến với cuộc đời bà.
Người phụ nữ tuổi 70 tâm sự: “Mặc dù chồng đã hy sinh, bản thân thì làm công nhân ở Hà Nội, nhưng tôi vẫn chu tất với nhà chồng và thờ chồng. Đến năm 1973, gia đình bên chồng động viên tôi đi bước nữa nhưng tôi vẫn chờ. Chiến tranh mà, biết đâu có nhầm lẫn và nếu ông ấy mà hy sinh thật thì tôi cũng chấp nhận ở vậy”.
Điều bất ngờ lớn lao nhất của cuộc đời bà Duyên vào một ngày cuối năm 1974, ông Phục đột ngột trở về sau những năm tháng bặt vô âm tín. “Lúc đó, trông ông ấy ốm yếu, xanh xao lắm. Tôi cứ nhìn chằm chằm và hỏi: Có phải anh Phục không? Có phải anh Phục không? Anh đã có giấy báo tử rồi mà? Nhưng ông ấy không trả lời vì không hiểu chuyện gì. Hôm đó ông ấy gặp tôi là lúc từ đơn vị về thẳng Hà Nội, chứ không về quê”.
Sau này, bà có hỏi vì sao suốt thời gian dài ông không có tin tức gì thì ông kể, tham gia chiến trường ở miền Nam ác liệt, rồi làm nghĩa vụ quốc tế ở các nước bạn Lào, Campuchia suốt mấy năm liền nên cũng chẳng thể thư từ, tin tức về nhà được. Có những trận đánh khi tỉnh dậy không hiểu tại sao mình còn sống, trong khi đồng đội và cả phía địch cũng nằm la liệt trên chiến trường. Ông cũng không ngờ ở nhà gia đình đã 2 lần nhận giấy báo tử của mình.
Ông được về với gia đình vì sức khỏe quá yếu và sau đó được cho đi an dưỡng. Sau chuyến trở về đó, đến năm 1975, vợ chồng mới sinh được con đầu lòng đặt tên là Trần Quang Trung, rồi lần lượt có thêm Trần Quang Thanh, Trần Quang Thắng.
Sau này, khi cả hai ông bà đã nghỉ hưu, bà có kể về hoàn cảnh gia đình mình cho người cháu họ bên chồng là chị Trần Thị Thanh, sống tại xã Trúc Sơn (huyện Cư Jút). Thương hoàn cảnh của gia đình bà, năm 2010, chị Thanh mời cả gia đình vào nhà rẫy của chị ở. Hai người con trai thì đi làm công nhân ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Những năm gần đây, ông Phục lại bị đau ốm suốt do tuổi già và những vết thương cũ tái phát dẫn đến tai biến. Cả gia đình tích cóp mãi mới được ít vốn, chị Thanh để lại cho mảnh đất và mới đây được Nhà nước hỗ trợ làm cho căn nhà. Nhưng dù khó khăn đến đâu, bà Duyên vẫn tần tảo vừa đi làm vừa chăm sóc ông chu đáo.
Được biết, ông Phục đã có 47 tuổi Đảng và được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương. Hai ông bà luôn được con cháu, làng xóm tôn trọng, quý mến.
Dương Phong