Mới đây, bức ảnh chụp khay tầm bóp nặng 100gr có giá 338 yên, tương đương 70 nghìn VNĐ ở một siêu thị Nhật nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người bày tỏ sự bất ngờ, bởi ở Việt Nam tầm bóp vốn chỉ là quả dại.
Loại cây này mọc hoang khắp nơi, trên các bờ ruộng hay các bãi cỏ ven đường. Thậm chí quả của chúng cũng ít khi được sử dụng. Tuy nhiên, ở Nhật, tầm bóp lại được đóng hộp bán với giá khá đắt đỏ trong các siêu thị.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Phan Đức Thái, du học sinh Việt ở Nhật xác nhận thông tin trên và cho biết, bức ảnh được một người Việt chụp tại Osaka, Nhật Bản. Theo thông tin trên bao bì, loại quả này được trồng ở vùng Tokushima và có giá vào khoảng 700 nghìn VNĐ/kg.
Trong khi đó, chị Trương Thị Đào, thành phố ToSa, tỉnh Kochi, Nhật Bản cho biết, thực tế tầm bóp không phải là loại quả được ưa chuộng ở Nhật Bản. Tầm bóp được mua về làm thuốc hoặc dành riêng cho những người ăn kiêng chứ không phải là hoa quả ăn hàng ngày.
“Ở Nhật, tất cả các loại quả đều được đóng hộp bán chứ không đổ đống bán theo kg như ở Việt Nam. Trong đó, quả tầm bóp được bán như một vị thuốc nam, dành cho những đối tượng nhất định chứ không phổ biến. Chính vì thế, ở Nhật rất ít vùng trồng loại quả này”, chị Đào khẳng định.
Ở Việt Nam, quả tầm bóp còn được gọi là quả: lồng đèn, lù đù, thù lù hay đồm độp… Quả có hình tròn nhỏ như quả cà, bên ngoài được bao bọc một lớp bọc mỏng, giống hình lồng đèn. Khi bóp quả tầm bóp, vỏ bọc bên ngoài quả bị thủng phát ra tiếng kêu rất vui tai.
Chính vì thế, loại quả này thường được sử dụng như món đồ chơi ở các làng quê Việt. Ngoài ra, theo Đông Y, quả tầm bóp vị chua, tính bình tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm… vì thế đây còn được dùng như một vị thuốc Nam.
Trước đó, thông tin về vải thiểu Việt Nam bày bán ở Nhật có giá cao gấp hàng chục lần so với giá bán trong nước cũng khiến nhiều người bất ngờ. Theo chia sẻ của anh Lý Văn Tuấn (Đại Từ, Thái Nguyên), hiện đang là du học sinh tu nghiệp tại Nhật Bản, trong lần đi siêu thị mua hàng mới đây anh thấy bày bán quả vải thiều của Việt Nam với giá 1.980 Yên Nhật (12 quả), quy ra tiền Việt Nam khoảng 400.000 đồng, cộng thêm thuế thì 12 quả vải này có giá khoảng 430.000 đồng.
Tuy nhiên, vì nhớ hương vị quả vải quê nhà cũng như nhớ quê hương anh vẫn “cắn răng” chi tiền mua hộp vải có lẽ đắt nhất trong đời này để thưởng thức.
Hà Trang