Ký túc xá lúc 0h: Chuyện “vượt rào” và “cạm bẫy tình yêu”

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 05/11/2014
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

“Vượt rào” lúc nửa đêm

 

Để kiếm thêm tiền trang trải học tập, sinh hoạt đỡ đần bố mẹ, nhiều sinh viên trong KTX đi làm việc thêm buổi đêm. Ngoài áp lực học hành, họ phải lo thêm gánh nặng công việc, các mối quan hệ xã hội, rồi phải gồng mình chống đỡ những cám dỗ nơi đất khách, quê người.

 

22 giờ, cổng KTX người vào ra tấp nập. Hoàng Linh, sinh viên năm 3 với cặp kính cận dày cộp trên mặt, bước vào cổng đầy hớn hở. Cầm túi trà sữa, mấy gói bim bim trên tay, cô vừa đi vừa hát.

 

 Linh chia sẻ: “Mình làm gia sư cho một học sinh học lớp 6 ở Hà Đông. Hôm nay, gia đình em ấy trả lương cho mình. Vì thành tích học tập tiến bộ, mẹ em ấy thưởng thêm cho mình 500 nghìn đồng, đây là quà khao mấy đứa bạn cùng phòng”.

 

Những sinh viên ở KTX đi uống rượu về trong đêm.

 

Cũng đi làm thêm buổi đêm, nhưng Văn Hùng, một sinh viên năm 2 không được may mắn như vậy. Mặc chiếc áo đồng phục của một hãng gà rán, Hùng thẫn thờ dắt chiếc xe đạp qua cổng với vẻ mặt buồn.

 

“Mình làm ca ở KFC, từ 17h đến 22h. Mỗi tháng lương được khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng. Tối nay, khách ra vào quán đông quá, khi thanh toán mình tính tiền nhầm cho khách, bị trừ hẳn nửa tháng lương”, Hùng tâm sự.

 

22h30 phút, khi cánh cổng đã sắp đóng cửa thì Nguyễn Trung Đức mới dắt chiếc xe đạp ra cổng KTX. Với bộ đồng phục bảo vệ màu xanh, nửa đêm Đức mới bắt đầu đi làm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn vì bố mất sớm, mẹ không thể chu cấp hàng tháng, Đức phải đi làm để kiếm tiền ăn ở, học phí. Đức chọn công việc làm bảo vệ buổi đêm cho một siêu thị lớn ở Hà Nội, công việc bắt đầu từ 23h đến 5h sáng, với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.

 

Chị Nguyễn Thị Hường, một người bán nước ở trước cổng KTX cho biết: “Ở KTX này nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lắm. Các em làm thêm kiếm tiền ăn học bằng các nghề khác nhau như: Gia sư, bán hàng, bưng bê, rửa bát chén cho nhà hàng, bảo vệ… và để không ảnh hưởng đến việc học tập trên trường, nhiều em chọn đi làm vào buổi tối”.

 

Cũng vì thế, ở KTX có những câu chuyện cười ra nước mắt. Nguyễn Thái Huy, một sinh viên ở trong KTX kể, chỗ làm thêm quá xa, nên không ít lần Huy phải xin ngủ nhờ nhà bạn rồi trở về phòng lúc mờ sáng để kịp đi học. Nhưng ngủ nhờ nhiều cũng ngại, nên đôi lần cổng đã đóng chặt, Huy đành phải vượt tường, leo qua rào để về phòng.
 
Tình yêu sinh viên trong khuôn viên KTX.
 
Nói về chuyện sinh viên trèo tường vào KTX lúc nửa đêm, Phan Thị Hạnh, nữ sinh ở trong KTX kể cho tôi nghe câu chuyện “bi hài”có thật. Chuyện là N.K.L.C, một nữ sinh viên có vốn ngoại ngữ khá, xinh xắn nên được giới thiệu đi làm tiếp thị rượu cho một nhà hàng sang trọng, chuyên phục vụ khách nước ngoài ở khu vực Hồ Tây. Công việc không có gì nặng nhọc, chỉ ngồi rót rượu, phục vụ khách ăn uống và đôi khi uống chút rượu giao lưu. Ngặt một nỗi C. phải thức khuya.

 

Khi KTX đã vắng lặng, mọi người chìm trong giấc ngủ thì cô mới về. Thường, C. phải trèo tường vào KTX. Tường có đoạn xây thấp, rồi giăng thêm mạng lưới dây thép gai. Ở đoạn tường này, đám sinh viên nam chuyên về muộn đã rẽ rào thép, tạo thành một khoảng đủ cho người lớn chui vào. Lâu ngày thành quen, các sinh viên nữ cũng theo lối đó trèo và chui vào mỗi khi về muộn.

 

Đêm đó, C. về muộn, lại mặc bộ váy khá… te tua nên vô tình bị mắc vào dây thép gai. Khi đó, chân của C. đã gần chạm đất. Không thể gỡ nổi, cô đành tháo váy để thoát thân. Sự việc trên vô tình bị một số sinh viên nhìn thấy, trở thành câu chuyện bàn tán suốt một thời gian dài.

 

Công việc làm thêm vào buổi đêm của sinh viên cũng gặp vô vàn những cạm bẫy, đặc biệt là đối với các nữ sinh. Bùi Huệ Phương (người dân tộc Mường, quê Hòa Bình) làm phục vụ trong quán bia hơi.

 

Ngoại hình khá xinh xắn, Phương thường xuyên bị những khách hàng nam giới ở đây trêu chọc, buông những lời khiếm nhã. Cô thường xuyên phải gọi quản lý can thiệp.

 

Phương tâm sự: “Nhiều lúc nghĩ cũng thấy tủi thân lắm, muốn bỏ việc cho xong chuyện. Nhưng lương làm việc ở đây cao hơn so với những chỗ khác sẽ phụ giúp được bố mẹ nhiều hơn. Chỉ e ngại quán bia đóng cửa muộn, mình sợ về khi cổng đã đóng cửa, lại phải đi ngủ nhờ hoặc trèo tường vào”.

 

Những nữ sinh ở KTX đi chơi đêm với bạn trai.

 

Những “cạm bẫy tình yêu”

 

22h30, tôi cùng L.V.N đi dạo trong khuôn viên KTX. N. bảo, cuộc sống sinh viên ở đây có nhiều điều hay, tuy nhiên cũng nhiều những chuyện đáng suy ngẫm. Vừa nói cậu vừa chỉ tay về những góc khuất trong sân KTX, nói: “Mình đi xem phim nóng trực tiếp đó”.

 

Thoạt tiên tôi chỉ thấy những bóng người lờ mờ những nhìn kỹ lại là năm, sáu đôi trai gái đang ngồi tâm sự, ôm ấp, thân mật như chốn không người. N. kể thêm: “Buổi tối ghế đá là của những cặp đôi. Cũng có cặp bạo dạn “môi kề môi, tay luồn trong áo” ngay trong khuôn viên KTX. Đây là chuyện “thường ngày ở huyện”, N. nói.

 

Thuý Hằng, một nữ sinh viên cho biết, từng rất nhiều lần là khán giả bất đắc dĩ khi chứng kiến cảnh “nóng” ngay trong khuôn viên KTX. “Phòng mình ở tầng 2 của khu nhà, giường mình lại ngay cạnh của sổ hướng xuống khuôn viên KTX. Hầu như tối nào nhìn xuống cũng thấy cảnh âu yếm của các đôi trai gái. Đôi khi có cả bạn cùng phòng của mình. Nhìn nhiều cũng quen, mọi người cứ lờ đi thôi chứ biết làm thế nào?”, Hằng nói.

 

23h, một cặp đôi đi chơi về muộn không vào được KTX nữa khi cánh cổng sắt đã được khóa chặt. Không biết làm gì sao, nữ sinh ôm mặt khóc nức nở. Người con trai đi cùng vội dỗ dành.

 

Sự việc trở nên căng thẳng hơn khi đôi trai gái bắt đầu cãi vã, giằng co nhau trong đêm ngay trước cổng. Cô gái tát bạn trai một cái vào mặt, rồi khóc. Chàng trai ôm cô gái vào lòng, sau một lúc tâm sự, khuyên nhủ, cô gái ngồi lên xe. Cặp đôi từ từ mất hút trên con đường vàng vọt ánh đèn cao áp.

 

N. cho biết, chuyện như vừa rồi xuất hiện hầu như mỗi đêm ở KTX. “Các bạn nữ ở KTX không được thoải mái như ở ngoài, bị gò bó về thời gian. Nếu đi chơi về muộn thì cổng đóng và không có chỗ ngủ, đành phải qua đêm ở ngoài”, N. nói.
 

Chia sẻ về điều này, Nguyễn Lệ Quyên, sinh viên có thâm niên 3 năm ở KTX, cho biết thêm: “Ở đây các bạn nữ cũng thường hay khuyên bảo nhau đi chơi buổi tối thì chỉ đi với người mình tin tưởng, về trước thời gian đóng cổng KTX để tránh bị lợi dụng.

 

Nhưng nhiều sinh viên năm nhất xuống học tập còn thiếu kinh nghiệm nên bị lợi dụng. Là đàn chị, đôi khi gặp các em gái mới vào ở KTX, mình thường kể những câu chuyện đã từng xảy ra để các em rút kinh nghiệm”.
 

Đôi bạn trẻ mắc kẹt vì về lúc KTX đã đóng cửa

 

Tiếp tục nán lại trước cổng KTX, tôi gặp thêm 4,5 cặp đôi về muộn, và cũng giống như cặp đôi trước đó, họ quay đầu xe khi gặp cánh cửa sắt đã khóa của KTX.

 

Một hôm khác, tôi và N. gặp Nguyễn Thị Linh, Trần Thị Ngà, đều đã là sinh viên năm 4, diện nhiều kinh nghiệm nhất KTX. Linh, Ngà tâm sự với chúng tôi những câu chuyện hàng ngày ở KTX nữ.

 

Phòng Linh có 8 bạn nữ, mỗi người một vùng quê khác nhau. Ở đây, chỉ cho người vào phòng chơi những ngày nhất định trong tuần, nhưng kể từ khi Hòa, cô bạn cùng phòng Linh có người yêu thì sinh hoạt trong phòng bắt đầu có sự thay đổi.

 

Ngày nào ban quản lý cho phép là Hòa lại đem người yêu vào phòng chơi, mặc các bạn trong phòng học bài thì cặp đôi vẫn nói chuyện tình tứ với nhau rôm rả. Có hôm Hòa còn lấy lý do xe hỏng để cho người yêu được ngủ lại phòng qua đêm.

 

Khi nhiều bạn trong phòng có ý kiến, dọa báo ban quản lý thì Hòa mới từ bỏ ý định. Nhưng từ đó, Hòa ít về phòng hẳn, chỉ về tắm giặt, lấy sách vở đi học, thời gian còn lại Hòa ở bên nhà người yêu, có khi cả tháng Hòa mới về ngủ ở nhà một, hai lần.

 

Ngà cũng góp vui bằng câu chuyện “sống thử” của một bạn cùng phòng:. “Phòng mình cũng có một bạn tên Phương, yêu một cậu sinh viên cũng ở trong KTX này đã được 3 năm. Hai đứa đã thuê với nhau một phòng trọ bên ngoài để sống với nhau, một tuần mới về phòng một vài ngày, nhưng vẫn đăng ký ở đây để bố mẹ, người thân, bạn bè đến chơi thì dẫn vào KTX”, Ngà nói.

 

Theo N., Linh thì không chỉ mỗi Hòa, Phương mà có rất nhiều bạn sinh viên nữ khác ở KTX chỉ là “bình phong” để bố mẹ ở nhà yên tâm, nhưng thực tế là đang sống thử với bạn trai ở bên ngoài.

 

Theo Phan Anh

Tấm gương/Tiền phong

Exit mobile version