Mới nhìn thoáng qua, chị Phạm Thị Tỉnh (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) cũng như mọi người phụ nữ bình thường với dáng người hơi đậm, giọng nói lanh lảnh và bước đi khá chậm chạp. Chị mặc một chiếc quần dài phủ gần kín chân, để lộ một phần đôi dép tổ ong ngoại cỡ đen kịt vì bám đầy bùn đất.
Đến khi vào trong nhà, chị mới từ từ kéo ống quần lên, để lộ ra đôi chân khổng lồ sưng tấy, phần cổ chân xuất hiện nhiều nếp gấp nhìn rất đáng sợ. Mỗi bên chân của chị Tỉnh to đến hơn 60cm, sờ vào có chỗ cứng ngắc, chỗ lại mềm oặt, lõng bõng như có nước hay dịch ở bên trong.
Dưới bàn chân chị, từng khối u thịt nổi rõ, khô ráp, thâm đen. Các ngón chân cũng dính chặt vào nhau, chen chúc và sưng phồng.
Chị Tỉnh ngại ngùng nói về đôi chân kỳ lạ của mình: “Có những đợt nó còn sưng to hơn thế này, tấy đỏ y hệt quả gấc, không tài nào đứng lên được. Mấy hôm nay chưa gom đủ tiền mua thuốc nên thi thoảng các cơn đau lại kéo đến hành hạ. Đau buốt đến tận óc, đơ cứng cả người, muốn thay cái áo mà loanh quanh nửa tiếng cũng chưa xong”.
Chị Tỉnh cũng cho biết, cứ vài tháng một lần, toàn bộ phần da từ đầu gối trở xuống sẽ bị sần sùi, bong tróc từng mảng và dần lột sạch như rắn thay da. Ngày nắng cũng như ngày lạnh, đi ra đường hay lội chỗ bùn lầy, chị cũng phải dính chặt lấy đôi dép tổ ong, không thể đi đất và cũng chẳng xỏ vừa bất cứ cái gì khác.
Từ khi sinh ra cho đến năm 16, 17 tuổi, chị Tỉnh hoàn toàn khỏe mạnh, thậm chí còn có ngoại hình ưa nhìn và được nhiều chàng trai trong làng để ý. Một lần, chị không may bị ngã xe đạp. Tuy không có chỗ nào bị thương quá nặng, nhưng chị phát hiện một vết rách nhỏ ở mắt cá chân. Nghĩ không có gì nghiêm trọng, chị Tỉnh vẫn thản nhiên lội ruộng đi cày. Nhưng chỉ một thời gian sau, phần bàn chân bắt đầu sưng to và lan rộng cả phía trên.
Chị Tỉnh nhớ lại: “Bố mẹ lo lắng nên hồi đó cũng mua thuốc Nam hoặc cho tôi đi chữa ở bệnh viện đa khoa của tỉnh, của huyện nhưng không ai xác định được nguyên nhân hay tên chính xác của căn bệnh. Thuốc thang đủ kiểu, đôi chân này vẫn không trở lại như bình thường. Đợt đó, gom góp đủ tiền nên gia đình đưa tôi lên bệnh viện ở Hà Nội thì các bác sĩ kết luận, đây là chứng bệnh giun chỉ phù voi. Khám thì khám là vậy, nhưng không có tiền điều trị nên đành sống chung với nó”.
Cho đến giờ, chị Tỉnh vẫn phải uống thuốc cầm chừng hàng ngày. Dù cái chân ngày một sưng to, đi lại cũng khó khăn, vất vả hơn gấp bội, nhưng khi các bác sĩ ở địa phương đề nghị chuyển chị lên tuyến trên để chữa trị, tránh biến chứng về sau thì chị lại xin khất, hứa hẹn rồi để đấy. Chị Tỉnh nói, lên Hà Nội 1 ngày còn chẳng có tiền mà ăn, nói gì đặt chân vào bệnh viện.
Ở ngôi làng nơi chị sinh sống, nhắc đến cái tên Phạm Thị Tỉnh thì nhiều người đăm chiêu mãi không nhớ ra, nhưng nhắc đến “Tỉnh chân voi” thì ai nấy đều chỉ về căn nhà màu vàng nằm khuất trong một con ngõ.
“Mới đầu, tôi rất sợ ánh mắt dò xét của mọi người. Cứ có ai hỏi han về bệnh tình hay chỉ trỏ mỗi khi đi qua là tôi chỉ muốn cúi mặt chạy trốn thật nhanh. Từ ngày mắc bệnh, tôi không dám kéo quần quá cao, cố che giấu không để nhiều người biết. Nhưng chẳng mấy chốc, câu chuyện về tôi và căn bệnh quái ác này đã lan truyền khắp cả tỉnh. Lận đận mãi, đến năm 28 tuổi tôi mới lên xe hoa về nhà chồng”, chị Tỉnh bùi ngùi.
Những tưởng người phụ nữ tội nghiệp đã có bến đỗ của riêng mình, nhưng từ đây, đời chị lại là cả một chuỗi những bất hạnh khác. Anh Tiến – chồng chị thường xuyên uống rượu, không chịu tìm việc làm mà chỉ ở nhà đan rế cùng vợ. Mỗi ngày, anh này chỉ tỉnh táo một lúc, làm vừa đủ ăn rồi lại triền miên trong những cơn say.
Cuộc hôn nhân kéo dài được 8 năm, anh Tiến đột ngột qua đời do bị cảm sau khi uống rượu, bỏ lại đứa con gái 3 tuổi và người vợ đang gần đến ngày chuyển dạ. Chị phải vay mượn khắp nơi, nhờ đến sự trợ giúp của bà con xóm giềng mới lo nổi đám tang cho chồng. 12 ngày sau đó, đứa con thứ 2 ra đời.
“Bác sĩ chỉ định đẻ mổ vì chân tôi có bệnh, không thể đẻ thường. Lúc đó, trong người còn đúng 800.000 đồng. Một mình ở trong viện chống chọi với cơn đau, vừa thấy xót bản thân, vừa lo đứa con gái ở nhà không ai chăm bẵm. Nhớ lại ngày hôm đó mà nước mắt cứ chực trào”, chị Tỉnh nói mà mắt đỏ hoe.
Giờ đây, một mình người phụ nữ “chân voi” phải lo cho 3 miệng ăn, dựa vào chút tiền trợ cấp và số tiền ít ỏi kiếm được từ việc thông tâm hạt sen mà sống qua ngày. Hễ có ai biếu ít tiền, chị lại đem giấu thật kỹ để trang trải học phí cho các con. Chị bảo: “Dù mẹ không có tiền mua thuốc, dù bữa ăn chẳng đủ no, nhưng nhất định tôi phải cho các con ăn học đàng hoàng. Sau này đời chúng nó sẽ khác, sẽ không khốn khổ như tôi bây giờ”.
Căn nhà 3 mẹ con đang ở rộng chừng 30m2, bên trong chả có đồ dùng gì quý giá, nhưng trong mắt chị Tỉnh không giấu nổi niềm vui: “Căn nhà trước đây dột nát đủ đường, chẳng có nhà vệ sinh, chẳng có nước sinh hoạt nên toàn phải đi xin hàng xóm. Mới đây, được chính quyền địa phương quan tâm, lại thêm nhiều người tốt giúp đỡ nên 3 mẹ con mới có cơ hội sống ở nơi đẹp đẽ thế này. Đây là điều ngay cả trong mơ tôi cũng không dám tưởng tượng đến”.
Hoàng Ngọc