>> Nhật ký tình yêu của Trang
>> Điều gì đang xảy ra với giới trẻ?
>> “Khi yêu phải hết mình!”
* Một trăm năm trước, nam nữ tỏ tình với nhau qua câu hò điệu lý, ánh mắt lén đưa qua vành nón.
Hai mươi năm trước, nam nữ tỏ tình với nhau qua tập thơ, cuốn truyện, bàn tay khẽ nắm dưới ngăn bàn.
Bây giờ nam nữ tỏ tình với nhau qua mail, chat, sms hay blog, ôm hôn nhau công khai chốn công cộng.
* Một trăm năm trước, Truyện Kiều bị coi là dâm thư. Rất ít người biết đến sự tồn tại của cái gọi là phim.
Hai mươi năm trước, Truyện Kiều được giảng trong sách giáo khoa. Phim trên tivi không nhiều cảnh hôn nhau.
Bây giờ, số lần tìm kiếm từ khóa “phim sex Vàng Anh” trên Google áp đảo gấp nhiều lần từ khóa “Truyện Kiều”.
* Một trăm năm trước, từ tránh thai chắc chưa xuất hiện trong đời sống hằng ngày của người Việt.
Hai mươi năm trước, chỉ những người phụ nữ đã có gia đình mới hiểu đi đặt vòng nghĩa là gì.
Bây giờ tờ rơi khuyến khích, hướng dẫn sử dụng bao cao su và thuốc tránh thai được phát khắp nơi.
Chúng ta thấy gì ở những mẩu so sánh trên? Chẳng cần phải vắt óc suy nghĩ nhiều lắm cũng có thể trả lời được. Đó là sự thay đổi. Kỹ thuật, công nghệ thay đổi làm hành vi, thói quen của con người thay đổi. Và sau đó các chuẩn mực, giá trị đạo đức trong xã hội cũng thay đổi theo. Không có gì là bất biến. Và quan niệm của giới trẻ về cuộc sống nói chung và tình dục nói riêng là thứ khó giữ im nhất. Một bộ phim nổi bật trên truyền hình, một bài viết đình đám trên blog hay một góc quảng cáo sặc sỡ trên báo, tất cả đều có thể gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu tới suy nghĩ của giới trẻ.
Hãy trở lại với phép so sánh:
Một trăm năm trước, người ta lập gia đình khi tuổi còn… teen (Lấy chồng từ thuở mười ba / Đến năm mười tám thiếp đà năm con).
Hai mươi năm trước, người ta lập gia đình khi vừa tốt nghiệp THPT và có việc làm đầu tiên.
Bây giờ, người ta lập gia đình sau khi lấy bằng cử nhân, thậm chí nấn ná sau thạc sĩ hoặc tiến sĩ và sau khi đi làm vài năm.
Nếu cứ suy diễn một cách ngây ngô dựa trên nền tảng lễ giáo phương Đông rằng việc quan hệ tình dục đúng mực đúng chuẩn chỉ có thể diễn ra sau hôn nhân thì phải đi đến một kết luận: Người Việt Nam càng ngày càng chậm phát triển về giới tính (dậy thì muộn) hoặc bất thường về tâm lý (bị ức chế hay vô cảm). Xét về y học, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại, nó cho thấy tình trạng sức khỏe của thanh niên nước ta thật sự có vấn đề!
Tất nhiên, thực tế không hoàn toàn “bi đát” như vậy. Độ tuổi kết hôn của người Việt Nam có thể muộn hơn nhưng độ tuổi có quan hệ tình dục lần đầu thì loanh quanh trong khoảng 19-20. Điều này có nghĩa là tình dục trước hôn nhân – tình dục thoáng đang tồn tại và khá phổ biến. Nó cũng có nghĩa là nhiều người Việt trẻ đã và đang phát triển thể chất một cách hết sức bình thường, không suy dinh dưỡng, không rối loạn nội tiết tố, không ức chế tâm lý!
Đã có nhiều bài viết nói về những hậu quả của việc quan hệ tình dục trước hôn nhân với những lời cảnh báo về nguy cơ có thai khi còn quá trẻ, hay về các bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, thậm chí hại tới tính mạng (HIV/AIDS). Thật ra những tổn thương thể chất ấy có thể phòng tránh khá đơn giản và hữu hiệu. Chỉ có những sang chấn tâm lý mới phức tạp, khó chống đỡ và kéo dài dai dẳng. Mà một trong những yếu tố ảnh hưởng nặng nề tới tinh thần người trong cuộc chính là thái độ của mọi người.
Đến bây giờ mà vẫn còn ngồi lắc đầu chép miệng chê trách hay lên án thì e rằng đã muộn mất rồi. Và cả những ý kiến bảo vệ quan điểm thoáng, kêu gọi sự thấu hiểu hay chấp nhận cũng đã không còn cần thiết nữa.
Chỉ nhìn vào lượng truy cập các web đen (mà theo báo chí thì nước ta đang đứng đầu thế giới về lệnh tìm “sex” trên Google), số nhà nghỉ đang kinh doanh, số thuốc tránh thai khẩn cấp đã tiêu thụ, số ca nạo phá thai, số trẻ bị bỏ rơi trong các bệnh viện phụ sản… là đủ biết những lời than vãn kêu gọi hô hào chẳng đem lại nhiều hiệu quả (thậm chí ở đâu đó trên mạng còn có ý kiến cho rằng “những kẻ than vãn hô hào cũng đi nhà nghỉ và xem phim sex bỏ xừ còn nói được ai!”).
Nên chăng hãy dừng những diễn đàn tranh luận theo kiểu “for and against” (ủng hộ và phản đối) để tập trung những chủ đề thiết thực hơn như tình dục an toàn, tôn trọng mong muốn, bày tỏ cảm xúc, chịu trách nhiệm…
Và một phép so sánh cuối cùng:
Một trăm năm trước, phần lớn người dân không biết chữ, kiến thức về sức khỏe sinh sản lạc hậu.
Hai mươi năm trước, phần lớn người dân đã biết chữ, tin học võ vẽ, kiến thức về sức khỏe sinh sản sơ sài.
Bây giờ, phần lớn người dân biết chữ, nhiều người biết ngoại ngữ, rành Internet, kiến thức về sức khỏe sinh sản vẫn chưa đâu vào đâu!