Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn 3 trong số 5 gương mặt 8X đó với những kinh nghiệm của họ.
Bùi Mậu Luyến: “Thành công phải từ thực tế”
“Tôi nghĩ là dù đi thi hay làm kinh doanh thật thì đều nên có trước một “cái gì đó” rồi hãy tiến hành. Tôi vẫn cho rằng thành công phải từ thực tế, để người khác nhìn thấy được là mình sẽ làm, đang làm chứ không phải chỉ có nói khơi khơi trong cuộc thi vậy thôi. Trước khi dự thi, “vốn” của tôi chỉ là những trang web về chăn nuôi tôi tìm thấy trên mạng và kinh nghiệm nuôi gần chục con thỏ ở trong vườn nhà.
Khi đi thi, tôi mang theo cả con thỏ thịt Miu Miu và thỏ sinh sản Mi Mi kèm theo cái túi may bằng lông thỏ. Họ cũng “quay” tôi, lật đi lật lại những vấn đề rủi ro trong việc nuôi thỏ, tôi cứ thẳng thắn mà trả lời, “chẳng đao to búa lớn” mà làm gì. Bây giờ bầy thỏ của tôi đã lên đến gần 40 con rồi.
Hiện nay, đã khá nhiều khách đến, nhìn thấy đúng là mình trẻ mà mình làm được như thế nên cũng tin tưởng, họ hỏi mua thỏ, nhưng vì chưa mở rộng được quy mô chuồng trại nên tôi vẫn phải chờ đợi thêm…”
Nguyễn Thị Hải Hà: “Sự chuẩn bị kỹ càng làm nên thành công”
“Theo mình thì trước hết, bản dự thi đừng chỉ căn cứ theo mẫu của đơn tham gia KN mà nên coi nó là một business plan trọn vẹn. Bản kế hoạch của mình dài 41 trang. Bất cứ thứ gì họ cần hỏi vặn thêm mình thì cũng đã có sẵn trên đó rồi. Rõ ràng và đầy đủ, đó là điều quan trọng để BGK hiểu sâu về dự án của mình.
BGK rất quan tâm đến tố chất cá nhân: Đó là bạn đã thực sự sẵn sàng bắt đầu chưa? Bạn đủ sức làm dự án của mình không? Nó như là một sự cam kết để người ta quyết định đầu tư đấy. Với mình thì cần nhất là chứng tỏ cho nhà đầu tư biết mình có đủ mọi điều kiện rồi, trải sẵn thảm đỏ rồi, chỉ thiếu mỗi… vốn họ cấp thôi!!!
Tụi mình chuẩn bị sẵn cả website của công ty, cả hệ thống nhận diện thương hiệu, từ phong thư, bảng hiệu một cách nhất quán, chương trình tour, mặt bằng dự tính thuê ở đâu… Khi chất vấn, BGK thấy rằng mình chuẩn bị rất công phu rồi là… OK! Mà bạn cũng nhớ rằng tố chất cá nhân thể hiện rõ nét nhất ở vòng thi thực tế (vòng 2) đấy”.
Doãn Quỳnh Nga: “Cho những người trẻ như mình”
“Nhóm 4 đứa sinh năm 1988 tụi tôi là trẻ nhất “chợ” đấy. Đi dự thi thì quan trọng là nên nhận thức rõ 2 vấn đề: Hội đồng thẩm định cần gì và người tiêu dùng cần gì. Mình chỉ có vai trò là phục vụ cho 2 bên đó, đáp ứng nhu cầu của hội đồng thẩm định để mình chiến thắng trong cuộc thi và hiểu nhu cầu của người tiêu dùng là để mang sản phẩm đến họ.
Dự án của tôi có đối tượng khách hàng chiếm 70% là người trẻ. Hội đồng thẩm định thích vì sản phẩm đó đi đúng hướng của giới trẻ bọn mình. Hiện nay, bọn tôi đang ký hợp đồng với công ty may Hưng Yên để lấy nguyên liệu của họ và có thể sử dụng được 30 nhân công may, 10 thợ cắt. Hết tháng 7, tôi thi ĐH học xong sẽ hình thành qui trình sản xuất và đi vào xây dựng cả trụ sở nữa”.
Nhà báo Tạ Bích Loan: “Tôi ngạc nhiên với các bạn 8X”
Qua những vòng khởi nghiệp vừa qua, chị có nhận định riêng gì về các 8X tham gia?
Tôi cực kỳ ngạc nhiên. Có những bạn học lớp 12, chưa tốt nghiệp hoặc vừa tốt nghiệp, tôi tưởng các bạn ấy còn rất non nớt, nhưng các bạn ấy có thể trả lời câu hỏi của BGK đâu vào đấy, các câu trả lời không chỉ thông minh mà rất hiểu biết. Như Nga (dự án Two cats) hay Luyến (dự án nuôi thỏ) chẳng hạn.
Tôi thấy đó đúng là những suy nghĩ họ ấp ủ, họ trăn trở và thực sự muốn làm. Điều này cực kỳ quan trọng. Tuy là những là kế hoạch nhỏ thôi, nhưng đó là những bước khởi nghiệp đầu tiên. Tôi thấy qua các vòng thi, người trẻ coi đó như sân chơi của họ, họ đầy nhiệt tình. Và nhìn một người trẻ năng động là bạn đã thấy thích họ rồi, đúng không nào?
“Khởi nghiệp” sẽ không làm mất lòng tin của các bạn trẻ như một số doanh nghiệp đứng ra hứa hẹn tài trợ rồi lại bỏ rơi dự án của họ chứ?
Chắc chắn không. Quỹ khơi nguồn sáng tạo của chúng tôi trội hơn hẳn so với việc các DN tự đứng ra bảo trợ và cho SV vay. Vì ở đây, có quỹ là có cho vay tiền thật, dốc thẳng tiền vào dự án của các bạn.
Sẽ có những đột phá gì trong những đợt khởi nghiệp mới, thưa chị?
Tôi nghĩ rằng cái không lặp lại ở chương trình này chính là ngành hàng. Mỗi ngành nghề có vấn đề khác nhau, những gương mặt tham gia khác nhau. Có những vấn đề về nông nghiệp rất cảm động, rất con người, cũng có những vấn đề du lịch không kém phần thú vị khi các bạn bàn đến những chiến lược vĩ mô như phát triển du lịch VN, quảng bá hình ảnh đất nước… Đó là điểm mạnh của “Khởi nghiệp”.
Tôi muốn dự thi, phải làm gì? Chỉ cần bạn có một dự án kinh doanh hợp lý là có thể dự thi. Ngay bây giờ, bạn hãy lấy mẫu đăng ký của chương trình tại địa chỉ: http://vtv.vn/vi-vn/kinhte/khoinghiepkt/2005/2/37781.vtv
Để tham gia chương trình, bạn hãy gửi bản đăng ký về địa chỉ: Phòng biên tập VTV Web, Ban Thư ký Biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam, 43 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Dự án của bạn cũng có thể gửi qua email tại địa chỉ: banbientap@vtv.vn
4 ngành hàng đang được chuẩn bị cho các đợt Khởi Nghiệp tới: 1. Hàng thủ công mỹ nghệ2. Giáo dục3. Sản xuất và chế tạo4. Quảng cáo và truyền thông đại chúng |