Khôi “khùng” và hành trình lên rừng

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 26/12/2005
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Bỏ phố lên rừng

Huỳnh Đăng Khôi (quê Quảng Nam) đi bộ đội năm 1989. Trong một lần truy quét tàn quân Pol Pot, Khôi bị thương và ra quân về quê với thương tật 3/4, khi trong đầu Khôi vẫn còn nhiều mảnh đạn chưa kịp lấy ra. Tưởng chịu yên bề sau khi lập gia đình. Nhưng không bằng lòng với mấy sào ruộng khoán, thế là trả ruộng đất cho hợp tác xã, Khôi dắt vợ mới cưới nhảy tàu vào Sài Gòn bằng số tiền bán hai con gà mái mới đẻ.

“Năm 1990, lúc mới vô Sài Gòn vợ chồng tui cực lắm, ban ngày đạp xe hết ngõ ngách ở Sài Gòn đi bỏ mối vải lót túi quần, ban đêm về hì hục nhận hàng may gia công…” – Khôi nhớ lại. Có được chút vốn kha khá, Khôi tiếp tục thuê đất lập xưởng in lụa, thuê nhân công làm. Nhờ chịu khó, sống chết với nghề, nên gần bốn năm sau Khôi đã có số vốn kha khá. Việc làm ăn ổn định, con cái học hành đàng hoàng, vậy mà Khôi bàn với vợ bỏ phố về lại quê lên rừng lập trang trại trồng cây, nuôi cá.

Nói thế rồi, Khôi về thật. Gom chút vốn lận lưng, nhét tạm mấy bộ đồ vào chiếc balô kỷ niệm thời bộ đội, Khôi nhảy tàu về lại vùng đồi núi trọc Bình Lâm (Quảng Nam) thuê đất dựng trại lập vườn. Đó là vào đầu năm 1998. Không kịp đi thăm bạn bè cũ, Khôi lao vào khai hoang. Ròng rã hơn hai năm trời, cả khu đồi rộng 9ha với hơn 20.000 cây quế và các loại cây ăn quả phủ xanh cùng một ao nuôi cá rộng 5ha. Hơn hai năm gối đất nằm sương cùng trang trại, với cơ ngơi bề thế, vẫn chưa bằng lòng, Khôi nhờ người thân coi sóc trang trại, còn mình khoác balô trở lại Sài Gòn…

Công ty nhà nông và làm du lịch kiểu nhà quê

Ý tưởng ban đầu được Khôi phác thảo mới nghe ai cũng trợn mắt cho là ảo tưởng, bởi vùng rừng núi heo hút này có “ma” nào đến mà làm du lịch. Thế nhưng, do kiên trì thuyết phục và tự mình chứng minh cách làm, đến đầu năm 2005 cả bốn người bạn đồng ý góp vốn thành lập công ty nhà nông đầu tiên ở huyện vùng núi Hiệp Đức (Quảng Nam) này với tên gọi An Hiệp, và thuê toàn bộ diện tích 194ha mặt nước của hồ chứa nước Việt An (Bình Lâm, huyện Hiệp Đức) để xây dựng trang trại nuôi cá qui mô lớn kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái, với tổng nguồn vốn đầu tư ban đầu hơn 2 tỉ đồng.

Trước khi quyết định thành lập công ty kiểu nhà quê, đầu năm 2004 Khôi thả hơn 14 tấn cá giống các loại xuống lòng hồ. “Đến chừ thì khỏe rồi, cá đánh bắt bình quân mỗi năm khoảng 20 tấn, chủ yếu phục vụ tại nhà hàng của khu du lịch sinh thái ngay bên lòng hồ…” – Khôi kể.

Khôi “khùng” lý luận cho kiểu làm du lịch của mình: “Ở vùng quê nghèo này bà con nông dân làm chi có khái niệm đi du lịch. Nếu xuống Hội An hay các khu vực ven biển phải có nhiều tiền, đường đi lại quá xa.

Còn ở đây, chỉ cần 20.000 đồng là ung dung vào khu du lịch sinh thái suốt cả ngày tận hưởng thú câu cá và tự mình chế biến món ăn cho mình ngay bên bờ hồ, với những con cá câu được mỗi kilôgam 10.000 đồng”. Chính nhờ thoải mái với giá cực rẻ mà vào mùa nắng nóng hay các dịp lễ, người ta kéo bạn bè, vợ con lên khu du lịch để vui chơi sau những ngày mùa bận rộn.

Một điều khá thú vị là cả bốn thành viên góp vốn thành lập công ty nhà nông với Khôi lại là bốn nông dân thứ thiệt một thời là bạn nối khố với Khôi, đó là Lê Văn Siêng, Dương Quang Đức, Dương Quang Chấn và Đoàn Văn Tuấn.

Do quá nghèo, ở quê thiếu đất sản xuất nên họ nhảy tàu vào Sài Gòn những năm 1980, và bây giờ họ cùng hiệp sức quay về quê đầu tư. “Thú thật, cái tụi tui tâm huyết là làm một cái gì đó để giải quyết được công ăn việc làm cho thanh niên tại địa phương. Ngày xưa mình nghèo khó ra đi, chừ không thể vì cái nghèo mà để thanh niên ra đi nữa…” – Lê Văn Siêng tâm sự.

Bây giờ sau gần một năm thành lập, công ty kiểu nhà quê của Khôi và bốn người bạn đã giải quyết việc làm cho hơn 30 thanh niên tại địa phương với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một lần đưa đoàn của Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên thăm hồ Việt An đã không tiếc lời khen và xem đây là mô hình kinh tế đầu tiên theo kiểu nông dân phục vụ nông dân, khai thác được thế mạnh của địa phương vùng rừng núi để phát triển kinh tế.

Bây giờ thì công ty nhà nông và kiểu du lịch nhà quê của Khôi đang là mô hình được nhân rộng ra toàn tỉnh. “Ý định của tui là trong vài năm tới đưa toàn bộ gia đình bỏ phố lên rừng…” – Khôi “khùng” khẳng định.                       

Theo Hoài NhânTuổi Trẻ

Exit mobile version