Nhiều dự án lớn của Hollywood đang được làm lại như Chiến tranh giữa các vì sao, Công viên kỷ Jura, Biệt đội săn ma, Hồ sơ tuyệt mật và Indiana Jones. Các nhà làm phim dường như đã tìm ra một hướng đi mới cho mình. Nhưng bất cứ ai ra rạp và phải “chịu đựng” chất lượng tệ hại của bộ phim Siêu ngốc gặp nhau bản làm lại năm 2014 cũng biết rằng, “tái sinh” một tác phẩm kinh điển giống như chơi 1 con dao hai lưỡi. Khả năng thành công cũng đi liền với nguy cơ phá hủy danh tiếng vốn có của bộ phim.
Theo Shareda, những yếu tố sau đây cần được lưu ý để làm nên thành công của một bộ phim làm lại:
1. Dàn diễn viên
Diễn viên luôn là yếu tố quan trọng nhất của bất kì bộ phim nào. Lý tưởng nhất cho các bộ phim làm mới là dàn diễn viên ban đầu có thể xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thực tế bởi thời điểm giữa hai bản phim mới – cũ thường khá xa, vì thế các yếu tố tuổi tác và danh tiếng… sẽ gây ảnh hưởng.
Một vài sự thay thế phù hợp sẽ đem lại thành công cho bộ phim, như Christian Bale đã làm rất tốt trong Người dơi trong khi dự án này khởi động lại vào năm 2005.
2. Thời gian
Khởi động lại một dự án đòi hỏi có thời gian để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Đơn cử như bộ phim truyền hình Star Trek đã bắt khán giả phải chờ đợi 25 năm mới chịu trở lại vào năm 1987.
Một thất bại điển hình do chọn thời gian không phù hợp là hai loạt phim về Người Nhện với sự tham gia diễn xuất của hai ngôi sao khác nhau, chỉ cách nhau có bốn năm: bản phim của Tobey Maguire trong năm 2007 và Andrew Garfield trong năm 2012. Chính vì vậy, loạt phim năm 2012 về Người Nhện siêu đẳng có sự sụt giảm doanh thu phòng vé rõ rệt và hãng Sony đã buộc phải “khai tử” nó.
3. Những điểm mới
Những thay đổi so với nguyên tác rất cần thiết cho các tác phẩm sau này. Cho dù đó là sự thay đổi về cốt truyện hay nhân vật, thì với những khán giả đã quá quen nhàm kịch bản trong quá khứ, họ cần thấy được sự mới mẻ.
Nếu chỉ đơn giản viết một kịch bản khác với hình thức và định dạng giống như bộ phim cũ sẽ chẳng gây ấn tượng cho bất cứ ai. Nhưng bộ phim Sự trỗi dậy của bầy khỉ năm 2011 đã giới thiệu cho khán giả một cách tiếp cận hoàn toàn mới cho một câu chuyện quen thuộc từ những năm 1960. Bộ phim vừa kết nối với câu chuyện gốc vừa có sự phát triển đi lên. Chính bởi vậy, doanh thu phòng vé của bộ phim lên tới gần nửa tỷ USD trên toàn thế giới.
4. Làm phim về những phần trước
Một cách thức tuyệt vời để đáp ứng người hâm mộ đó là khám phá những câu chuyện và nhân vật ở thời điểm trước cả bộ phim gốc, khi tất cả trở về nơi bắt đầu. Điều này tạo cơ hội để làm việc với một loạt diễn viên mới mẻ mà vẫn không làm mất lòng các fan trung thành của nguyên tác.
Những ai từng theo dõi Chúa tể những chiếc nhẫn sẽ rất háo hức chờ đón loạt phim The Hobbit về ông chú Bilbo Baggins ngày còn trai tráng.
5. Tri ân “bản gốc”
Khi mà người hâm mộ đã thuộc lòng kịch bản cùng cốt truyện của các bộ phim trước thì những cử chỉ bày tỏ lòng kính trọng với nguyên tác sẽ được đánh giá rất cao.
Như trong bộ phim Công viên kỷ Jura đang càn quét phòng vé những ngày gần đây có một chi tiết đáng lưu ý. Ngôi sao của loạt phim Công viên kỷ Jura thập niên trước, Richard Attenborough từng bày tỏ mong muốn sẽ trở lại với bộ phim về công viên khủng long tiếp theo nhưng ông đã qua đời trong khi dự án còn đang trong giai đoạn phát triển.
Đoàn làm phim đã dựng một bức tượng của John Hammond, nhân vật của Richard Attenborough trong công viên khủng long. Ông được giới thiệu là người sáng lập của cả công viên khủng long lẫn Ingen, công ty đã đưa những con khủng long trở lại từ cõi tuyệt chủng.