Nhờ thầy cho…chắc?
Gần kề đến ngày thi quyết định bước ngoặt cuộc đời, nhiều sỹ tử không khỏi hồi hộp, lo lắng, thậm chí có bạn còn hoảng loạn. Một số sỹ tử không tin tưởng vào năng lực của mình, chọn cách đi xem thầy để “tự tin” hơn.
Các sỹ tử đều có một lý do cho riêng mình và ai cũng thấy lí do của mình là chính đáng. “Các cụ nói rồi: có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nên mình cũng không ngoại lệ, phải đi xem thầy xem có đỗ không còn biết đường mà ôn, không thì ôn làm gì cho tốn công mà vẫn trượt”, Đ. Thịnh, Hà Nội nói.
Còn cô bạn Mỹ Anh, gần đến ngày thi rồi nhưng vẫn cuống quýt tìm “thầy” để … xem tương lai. Cả tuần nay, công việc chính của Anh là đi hết “thầy” này “cô” nọ” để “ôn bài” và quyết định tương lai. Mình vừa tìm được một chỗ hay lắm, chỗ ngõ Phất Lộc ý, thấy bảo chỗ này đúng lắm, phải đi xem mình thi thế nào chứ”.
Mấy ngày liền H. Nga không tắm, không gội đầu chỉ vì lo kiến thức sẽ trôi đi hết. “Thầy nói rồi, tớ sẽ đỗ trong kì thi Đại học này, tớ có cả bùa may mắn nữa đây này. Thầy dặn đi thi phải cầm theo”.
Trong khi đó cậu bạn T. Long cũng không dám cắt tóc, cắt móng chân, móng tay cũng vì sợ ôn bao nhiêu rơi hết bấy nhiêu. “Thầy dặn tránh làm việc liên quan đến cắt kéo nên tớ cũng phải cẩn thận”, Long nói.
Linh thì gầy rộc đi và suy nhược thần kinh vì phải “ăn kiêng”. Thực đơn toàn rau với đậu của “thầy” khiến Linh mất tập trung và càng ngày càng mệt mỏi.
Tin thầy mới nhiệm
Rất nhiều sỹ tử tỉnh lẻ khăn gói, lều chõng lên thành phố với mong muốn đỗ đạt và để thay đổi cuộc đời. Nhưng có nhiều cậu ấm, cô chiêu chỉ coi nó như một chuyến dạo chơi.
K. Loan, cô con một trong một gia đình có điều kiện đã xin bố mẹ một mình lên Hà Nội ôn thi. Bố mẹ Loan lúc đầu không đồng ý, nhưng Loan đã hoàn toàn thuyết phục sau những lời thề non hẹn biển. Thế nhưng, khi lên thủ đô, cô bạn bị bạn bè lôi kéo vào mấy trò bói toán, thấy thích thú và cũng mon men theo.
“Lúc đầu nghe nói thôi mình cũng thấy không tin, nhưng mấy anh chị chỗ mình có nói bà ở Đội Cấn này được lắm, mấy chị ý đi thi Đại học cũng đỗ nên mình cũng phải đi. Mình phải đi nhiều cho tỉ lệ đỗ nó cao, thế mới yên tâm”.
Mỗi lần vào các chòi của “thầy”, “cô”, các sỹ tử cũng tốn một số kha khá, ít thì 50 ngàn, 100 ngàn, cao hơn thì đặt 150 đến 500 ngàn.
“Nói chung là tùy tâm, cái chính là tâm mình, phải để cho thầy biết tâm mình như thế nào thì mới hỏi kĩ được”, V. Nguyên, Thái Bình nói.
“Chị Lan ngày trước cũng đi xem thầy, nhưng vẫn trượt Đại học. Nhưng mình nghĩ chắc tại chị ý không làm theo đúng hướng dẫn của thầy thôi. Mình vẫn đi xem để nghe thầy dặn dò. Tiền bố mẹ cho mang ra ôn thi mình chưa dùng hết nên phải đi coi thầy xem sao, phải tin và làm đúng hướng dẫn mới hiệu nghiệm”, Q. Châu, Thái Bình kể.
Một tháng ôn thi trên Hà Nội với Ly là những cuộc ăn uống, mua sắm và đi “thầy”. “Tinh thần phải thoải mái, tâm trạng phải vui vẻ mới thi đỗ được chứ, thầy cũng nói thế mà”, Ly nói
Thay lời kết
Vẫn biết có thờ có thiêng, có kiêng có lành nhưng … các tín đồ mê tín lại đang quá lạm dụng nó như một tấm lá chắn vào cánh cổng Đại học. Thay vì những “câu nói trên trời” vô căn cứ, tốn thời gian và tiền bạc đó, các sỹ tử nên tập trung vào con đường mình đã chọn.
Một nền tảng kiến thức tốt, tâm lý thoải mái cùng sức khỏe vững vàng, các sỹ tử hãy thật thư giãn trước khi vào phòng thi để có được kết quả cao nhất trong cuộc “hóa rồng” này nhé!
Hàn Ngọc Hảo