“Hot girl” tích lũy kỹ năng mềm bằng cách nào?

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 10/06/2013
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Diễm My 9X – 85% thành công quyết định ở  kỹ năng mềm

 
 

So với năm nhất, giờ đây Diễm My cảm thấy mình đã tích lũy, rèn luyện được hơn rất nhiều kỹ năng mềm. My chia sẻ: “Người ta nói rằng muốn thành công thì những kiến thức được học ở trường chiếm 15% còn cần kĩ năng mềm chiếm tới 85%.

 

Ngoài kiến thức chuyên môn, các kĩ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian, làm chủ bản thân, … là những chìa khóa cần thiết để mở ra cánh cửa thành công cho mỗi người.

 

Vì chúng ta không làm việc một mình nên muốn làm việc hiệu quả nhất thiết phải có sự kết nối với nhau. Thực sự trên giảng đường không có môn học chính qui nào về kĩ năng mềm cả. My tích lũy những kĩ năng mềm của mình thông qua các lớp học ngoại khóa”.

 
 

Dù phát triển rất nhanh trong lĩnh vực điện ảnh nhưng cô bạn cho biết định hướng nghề nghiệp của mình không khác biệt so với quyết định thi vào trường ĐH Ngoại thương.

 

Đang theo học ngành Kinh tế đối ngoại của trường ĐH Ngoại thương TP. HCM – được đánh giá là “hot” và dễ xin việc làm nhưng Diễm My lại có suy nghĩ rất riêng. Bạn chia sẻ: “Trong thời kì khủng hoảng kinh tế như hiện nay thì ngay cả người đi du học về còn thất nghiệp, không phải là ngành nào “hot” hơn ngành nào mà quan trọng là sự tương thích giữa công việc, niềm đam mê và thực lực, các khó là sự quyết tâm và nhẫn nại”.

 

Hà Thanh Tâm (Hà Mjn) – Nghề gì cũng cần đến kỹ năng mềm

 
 

Hà chia sẻ, kỹ năng mềm có vai trò rất cần thiết đối với cuộc sống cũng như công việc. Bạn cho biết: “Công việc hiện tại của mình cần phải gặp gỡ, giao tiếp với nhiều người.

 

Môi trường công việc hiện tại của Hà cũng dễ bị hiểu nhầm và gặp nhiều thị phi. Nên Hà cần phải khéo léo, cân nhắc trong mọi mối quan hệ. Bởi vậy kỹ năng mềm càng tốt, công việc của mình càng phát thuận lợi và phát triển hơn.
 

 

Còn với công việc kế toán sau này, những kỹ năng đó cũng giúp Hà áp dụng để có thể thích nghi vào môi trường văn phòng với sếp và các đồng nghiệp. Bởi vậy, nghề nào cũng rất cần đến kỹ năng mềm”.

 

Về vấn đề “chạy việc” khi ra trường, Hà bày tỏ khá thẳng thắn: “Thực ra xã hội bây giờ cung không đủ cho cầu nên tình trạng này là điều hiển nhiên. Nhưng nếu bạn chạy chọt vào công việc đó rồi làm không tốt bạn cũng sẽ bị “đá” nhanh chóng. Còn nếu bạn có năng lực thì dù bắt đầu từ công việc nào thì bạn cũng sẽ đến được thành công”.

 

Thanh Hà (Hà Lade) – Rèn luyện thêm khả năng giao tiếp để thành công

 
 

Theo Hà, kỹ năng mềm là cái mà bất cứ người nào cũng cần phải có để có thể phát triển bản thân mình theo chiều hướng tích cực nhất. Bây giờ Hà đã cải thiện được rất nhiều trong vấn đề giao tiếp, ứng xử. Nhưng cô bạn vẫn cần phải trau dồi nhiều hơn vì hiện tại Hà vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ngại tiếp xúc với người lạ.

 

Hà chia sẻ: “Mình không thích những nơi quá đông người, chỉ muốn trò chuyện thoải mái với bạn bè thân. Chính vì vậy nhiều người chưa tiếp xúc sẽ bảo mình chảnh, nhưng nếu thân rồi thì “vỡ nhà” vì cười. Chính điều đó cũng làm cản trở công việc của Hà”.

 

Hà cho biết tất cả mọi kỹ năng bạn đang có là học từ bên ngoài. Trường cũng tổ chức nhiều sự kiện cho sinh viên, nhưng chủ yếu là phục vụ cho ngành đạo diễn mà cô bạn đang theo học.

 

Hoa khôi Sinh viên TP.HCM 2012 Nguyễn Phương Ân – Trưởng thành các kỹ năng từ những cuộc thi

 
 

Khi vừa bước chân vào đại học, môi trường sống cũng như phương pháp học ít nhiều thay đổi, thời gian đầu Ân cũng gặp không ít bỡ ngỡ. Tuy nhiên bây giờ, khi đã là sinh viên năm 2, bạn dần quen và không còn gặp những trở ngại đó nữa.

 

Việc tham gia các công tác xã hội, các hoạt động của đoàn trường cũng như đăng kí tham gia các cuộc thi lớn như Hoa khôi sinh viên cho khu vực miền Nam, Ân thấy mình có được nhiều những kĩ năng mềm cần thiết, tự tin hơn trong cuộc sống.

 

Việc sống và học tập ở một thành phố lớn, phát triển nhanh như TP.HCM là một cơ hội để chọn nghề sau khi ra trường. Tuy nhiên, Ân vẫn định hướng sau này sẽ gắn bó với ngành luật mà Ân đã chọn từ ban đầu.

 

Công việc của Ân sau khi ra trường, liên quan về ngành luật nên bạn cũng chuẩn bị cho mình một số kĩ năng mềm cần thiết, như: giao tiếp, thuyết trình, quan sát, giải quyết mâu thuẫn, …

 
 

Hiện nay ngành Luật tại Việt Nam chưa thực sự phát triển nhưng cô sinh viên trường Luật đã coi đó là một cơ hội để mình phát triển. Ân bày tỏ: “Ngày nay ngành Luật được ứng dụng rất nhiều trong thực tế.

 

Các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty… đều có phòng pháp chế hoặc cần luật sư tư vấn. Sinh viên ngành Luật ra trường cũng sẽ khó khăn trong vấn đề việc làm nhưng Ân nghĩ thành công hay thất bại còn tùy vào khả năng của mỗi người.

 

Mình sẽ coi đó như là những thử thách bước đầu và không ngừng tìm kiếm cơ hội cho bản thân. Ân sẽ cố gắng trau dồi kiến thức và chuẩn bị cho mình những kĩ năng mềm thực sự cần thiết với công việc để có thể thích nghi và làm tròn trách nhiệm của một luật sư sau khi ra trường”.
 

 

Hoàng Dung

Exit mobile version