Hơn 70% phó chủ tịch xã trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 10/09/2013
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Từ 9h30 đến 11h30 sáng nay (10/9), tại Trụ sở Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã diễn ra buổi toạ đàm trực tuyến nhân dịp kết thúc giai đoạn một dự án Thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước.

Dự án này được Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2011 và bắt đầu triển khai từ tháng 4/2011, tới nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Buổi toạ đàm “Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững” sáng 10/9

Nhằm đánh giá lại chặng đường đầu tiên của dự án với những kết quả đã và chưa làm được, những điểm còn hạn chế, thiếu sót, từ đó rút ra những kinh nghiệm nhằm đạt hiệu quả hơn trong giai đoạn 2 sắp tới, buổi toạ đàm đã được tổ chức với có sự góp mặt của ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội Vụ – Giám đốc Ban Quản lý Dự án; ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn; 4 trí thức trẻ hiện đang làm phó chủ tịch xã và một số cán bộ quản lí các tỉnh, huyện, xã.

Hơn 70% phó chủ tịch xã trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Là giám đốc và cũng là người theo sát dự án từ ngày còn là bản kế hoạch trên giấy, ông Vũ Đăng Minh nhận được nhiều câu hỏi của các tri thức trẻ và đồng bào cả nước.

Từ khi bắt tay thực hiện dự án, ông phải đối diện với những hoài nghi rằng những người trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm có thể đảm đương được công việc và vai trò của Phó Chủ tịch xã hay không, làm thế nào tuyển chọn được đúng người, đúng việc.

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội Vụ – Giám đốc Ban Quản lý Dự án 600 tri thức trẻ về xã nghèo

Để giải quyết những thắc mắc này, ban điều hành dự án đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội Vụ xây dựng các văn bản hướng dẫn, trình tự thủ tục đầy đủ: từ khâu phỏng vấn, tuyển chọn cho đến đào tạo bồi dưỡng tri thức trẻ; bố trí về xã, tổ chức bình bầu, phê chuẩn chức vụ phó chủ tịch UBND xã; phân công, giao nhiệm vụ để được chính thức đảm đương chức vụ.

Với việc xây dựng hệ thống văn bản đồng bộ và triển khai sâu rộng, đặc biệt nhận được sự đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, dự án đã được phê chuẩn đẩy nhanh tiến độ theo hướng tuyển được tới đâu đào tạo tới đó và bố trí ngay các trí thức trẻ về xã công tác.

Bằng cách làm quyết liệt như vậy, sau 2 năm, dự án hoàn thành giai đoạn 1 với tổng số 580 đội viên được tuyển chọn, phân công về xã công tác. Sau thời gian thực hiện đến tháng 6/2012, Thủ tướng cho phép tiến hành sơ kết giai đoạn 1, kết quả là đã hoàn thành tốt giai đoạn 1, từ khâu tuyên truyền, tuyển chọn, bố trí công tác.

Hơn 70% tri thức trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều bạn được kết nạp hàng ngũ của Đảng.

Sau thành công của giai đoạn 1, ông Minh cho biết, giai đoạn 2 của dự án nhắm đến ba mục tiêu: tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ.

Phát huy sự sáng tạo, nhiệt huyết của tri thức trẻ

Đại diện gần 600 tri thức trẻ tham gia buổi toạ đàm, 4 phó chủ tịch xã hiện đang công tác tại Phú Thọ, Thanh Hoá, Hà Giang, Bắc Giang đã phản ánh tình hình thực tế triển khai dự án tại buổi toạ đàm.

Theo đó, việc các bạn trẻ đến với dự án “600 tri thức trẻ về làm phó chủ tịch xã” (gọi tắt – PV) là một lẽ tự nhiên.

Anh Nguyễn Văn Huân – Phó chủ tịch xã Ngam Lam, huyện Yên Minh, Hà Giang nêu ý kiến tại buổi toạ đàm.

“Sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, đối mặt với việc tìm việc làm phù hợp và lo cho cuộc sống bản thân, tôi đã tìm hiểu và được biết thông tin về chương trình thí điểm Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Tôi nhận thấy đây là chương trình có tính thử thách, rèn luyện cho bản thân và là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm nên tôi nộp đơn đăng ký”, anh Nguyễn Văn Huân – Phó chủ tịch xã Ngam Lam, huyện Yên Minh, Hà Giang cho biết.

Quá trình theo đuổi con đường nhiều thử thách của các tri thức trẻ không phải ai cũng giống nhau. Có người được gia đình ủng hộ giúp đỡ, cũng có người phải tranh đấu mới thành công. Dù có những bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gia đình có điều kiện đầy đủ, có khả năng tìm việc làm ổn định tại thành phố lớn song vẫn kiên định ý muốn đóng góp sức mình cho dự án.

Đến với những xã nghèo, các tri thức trẻ gặp phải muôn vàn khó khăn, điều kiện đi lại, ăn ở đều không thuận tiện. Tại xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ – nơi anh Nguyễn Thái Sơn đang làm Phó chủ tịch, 93% người dân là dân tộc Mường, rất ít người biết tiếng phổ thông, thu nhập bình quân đầu người chỉ 10,2 triệu đồng/năm.

Bài toán làm sao để thoát nghèo luôn là vấn đề khó khăn tại địa phương này. Và để giải quyết bài toán ấy, ngay khi nhận nhiệm vụ anh Thái Sơn đã khảo sát, triển khai mô hình chăn nuôi lợn rừng lai tại hộ gia đình. Đây là mô hình do chính anh nghiên cứu và đã đạt được những thành công bước đầu, mang lại thu nhập cho người dân.

Không chỉ có anh Sơn, anh Lê Văn Thiện, chị La Thị Hằng là những phó chủ tịch xã tại Thanh Hoá, Bắc Giang cũng đang triển khai mô hình trồng mía cao sản và nuôi ong mật; xây dựng nhà truyền thống, gìn giữ nét đẹp văn hoá dân tộc thiểu số… đạt hiệu quả rõ rệt tại địa phương.

Từ những ví dụ cụ thể về quá trình công tác của các tri thức trẻ trên cương vị phó chủ tịch xã, có thể thấy sức trẻ, sự sáng tạo của thế hệ thanh niên Việt Nam thời đại mới đang được sử dụng hiệu quả. Kết quả thực hiện các dự án chính là câu trả lời rõ ràng nhất về quá trình triển khai giai đoạn một dự án 600 tri thức trẻ về làm phó chủ tịch các xã nghèo.

Mai Châm

Exit mobile version