“Hối hả” mùa Trung thu ở làng lồng đèn Phú Bình

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 19/09/2015
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Làng lồng đèn Phú Bình: “Hối hả” mùa Trung thu

Chỉ còn ít ngày nữa là rằm Trung Thu lại đến với các em thiếu nhi, không khí tại những nơi chuyên làm lồng đèn vô cùng khẩn trương cho những đơn hàng cuối cùng trước tết “Trông Trăng”. PV Dân trí đã có mặt tại làng lồng đèn truyền thống Phú Bình thuộc phường 5, quận 11, TPHCM để ghi nhận không khí tại làng nghề có truyền thống hơn 50 năm này…

Làng lồng đèn Phú Bình: Hối hả vào mùa trung thu

 

Hộ nhà chị Nguyễn Thị Ánh Loan đang chuẩn bị những công đoạn cuối cho sản phẩm.

 

Dán đuôi lồng đèn cá chép.

Hiện nay, tuy số hộ theo nghề còn rất ít, nhưng lồng đèn truyền thống vẫn có chỗ đứng quan trọng trong lòng người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc lựa chọn cho con trẻ những chiếc đèn lồng thủ công chính là lựa chọn tối ưu. Các phụ huynh chọn lồng đèn chạy pin chỉ khi con trẻ còn nhỏ, sợ sẽ gây hỏa hoạn khi chơi nến.

 

Anh Hoàng Anh( ngụ quận 11) cho biết: “Sở dĩ mua cái lồng đèn chạy pin này là do bé ở nhà mới có 4 tuổi, bé chưa chơi được nến. Sợ cháy nổ, nên tôi chọn lồng đèn này, chứ bản thân thì chuộng lồng đèn truyền thống hơn. Tôi thấy chơi lồng đèn truyền thống rất hay, nó giữ một chút sự hoài niệm cổ xưa, nó làm cho đêm Trung Thu các bé lung linh hơn…”

 

Một trong những sản phẩm chủ đề biển đảo của cơ sở chị Loan.

Tại gian hàng của chị Nguyễn Thị Ánh Loan, những chiếc lồng đèn đang trong giai đoạn hoàn thành những khâu cuối cùng. Theo chị Loan: “Năm nay các lồng đèn hình thú bán rất chạy, người mua vẫn chuộng mẫu truyền thống, các đèn chạy pin chỉ dành cho các bé nhỏ, 3-4 tuổi. Các mẫu theo chủ đề biển đảo thường được các cơ quan, trường học ưa chuộng vì vừa mang tình truyền thống vừa mang tính giáo dục …” vừa nói, chị vừa quét một đường keo, dán mảnh lông vào đuôi lồng đèn cá chép…và một sản phẩm vừa ra lò.

 

Chị Tường Vy – Cán bộ đoàn trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Tân Phú).

Cũng có mặt tại cửa hàng lồng đèn, bạn Tôn Nữ Tường Vy- Cán bộ đoàn trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Tân Phú) cho biết: “ Năm nào mình cũng mua lồng đèn ở đây, năm nay mình tìm lồng đèn chưa trang trí để tổ chức cuộc thi trang trí lồng đèn cho các bé. Chơi lồng đèn truyền thống cũng một phần giúp kích thích trí tò mò của các bé. Đã có bé hỏi tôi tại sao dán được miếng giấy mỏng thế này cho nó căng ra được. Tôi thấy các bé rất thích những lồng đèn truyền thống…”

 

Cở sở của chị Kim Thu.

Bước qua kế bên là xưởng sản xuất lồng đèn của chị Nguyễn Kim Thu. Các đơn đặc hàng đề đã làm xong và giao, hiện xưởng đang xử lý đơn hàng phát sinh của một công ty đặt 1000 đèn ông sao. Chị cho biết: “Cơ sở làm cả năm, nhưng mùa trung thu là cao điểm, làm ngày đêm. Qua rằmTrung Thu, nghỉ vài ngày sẽ nhảy vào đợt hàng Nô-en, coi như làm lai rai cả năm…”

 

Trang trí đèn ông sao.

 

Chị Thu chỉnh lại phần khung cho lồng đèn ông sao.

 

Lồng đèn hình thuyền.

 

Lồng đèn làm sẵn là lựa chọn cho những bé khoảng 3-4 tuổi, chưa chơi được nến.

Để chuẩn bị cho hàng cho tết Trung Thu, các cơ sở ở đây phải làm từ tết Nguyên Đán, nếu không sẽ không kịp vì mỗi cơ sở chừng 5-6 thợ. Tuy không còn rầm rộ như thời hoàng kim và cũng không còn nhiều hộ bám trụ với nghề nhưng làng Phú Bình vẫn là địa chỉ tìm đến mỗi mùa Trung Thu.

Hiện nay, giá mỗi sản phẩm thủ công dao động trên dưới 40.000. Mỗi cơ sở hàng năm cho ra hơn mười ngàn sản phẩm. Dịp cao điểm, có ngày các cửa hàng bán ra hơn 2000 sản phẩm.

Phạm Nguyễn

phamnguyen.dtr@gmail.com

Exit mobile version