Kinh doanh có thể nói là một con đường đầy gai. Nhiều bạn trẻ bước vào đời chỉ nhìn thấy một đoạn của nó, hăm hở lao đi với suy nghĩ: Đam mê là kiếm được tiền. Nhưng… có đi mới biết đường xa.
Nguyễn Phạm Minh Hoàng hiện đang có trong tay cửa hàng game Trúc Sơn với không gian đẹp nhất nhì Hà Nội hiện nay. May mắn được sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ làm kinh doanh, cuộc sống ngày càng đầy đủ khiến cậu nghĩ: Thì ra kiếm tiền không quá khó như nhiều người tưởng. Vay vốn bố mẹ, cậu quyết tâm đứng ra làm “ông chủ”, mở một cửa hàng Internet nhỏ trên đường Cầu Giấy đúng thời điểm dịch vụ Internet công cộng xuất hiện như nấm sau mưa và đang lúc ăn nên làm ra.
Sau một vài tháng kinh doanh có lãi, khách tới cửa hàng của Hoàng cứ thưa vắng dần. Diện tích nhỏ, thái độ phục vụ uể oải, máy móc hỏng lên hỏng xuống chính là nguyên nhân khiến khách quên dần của hàng của cậu. Vốn dần cạn, lúc đó Hoàng mới hiểu, kinh doanh không hề đơn giản.
Nhưng cũng chính khi ấy, ước mong được khẳng định mình lại trỗi dậy mạnh mẽ trong đầu chàng trai 24 tuổi.
Xác định lại đối tượng khách hàng, chú trọng tâm lý và yêu cầu của khách, đầu tư máy móc, chuyển địa điểm rộng rãi và thoáng mát hơn, đưa ra nhiều phương thức thanh toán và quản lý chặt chẽ, hợp lý… Hoàng tìm hướng đi lâu dài cho cửa hàng của mình. Kết quả đã không phụ công ông chủ nhỏ…
Cũng như Hoàng, trước khi bước vào kinh doanh, Thảo chưa hề có kinh nghiệm. Để đỡ tốn thời gian cho việc tìm địa điểm, trang trí cửa hàng, tạo ấn tượng với khách hàng, Thảo bắt đầu bằng việc mua lại một quán café của ca sĩ Thái Thùy Linh. Có quán, Thảo lao vào làm. Nhưng chính cô cũng không ngờ việc mua lại cửa hàng từ một nghệ sĩ mà cô tưởng sẽ đỡ mất thời gian cho mình lại là việc làm sai lầm nhất của cô.
Khách quen tới một vài lần biết quán đã đổi chủ, cách phục vụ khác trước, khách ruột đến quán vì thương hiệu Thái Thùy Linh không còn, khách vãng lai cũng “một đi không trở lại” làm Thảo loay xoay với những khoản tiền phải trả cố định hàng tháng.
Nhận ra sai lầm của mình, cô buộc phải làm lại từ đầu tất cả mọi việc: chọn khách hàng, xây dựng phong cách quán, tìm loại đồ uống thích hợp, giá cả cũng phải tính toán lại… Với một người mới kinh doanh, đó là cả một vấn đề rất lớn.
Có sẵn lợi thế về địa điểm, Thảo quyết định chỉ phục vụ dân teen. Cô dành hẳn một tháng, tháo cửa kính, gỡ máy lạnh, đồng thời phát tờ rơi tại các trường cấp 3 gần đấy. Tên quán cũng được thay đổi – quán “Chút” – rất trẻ trung, nhí nhảnh và dễ nhớ. Sau một tháng “lột xác”, khách kéo đến Chút đông hẳn lên. Thảo thực sự đã mang đến một sức sống mới cho quán của mình.
Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều ví dụ mà chương trình Đường tới thành công – Phiên bản 2 của diễn đàn giải pháp thị trường Làm giàu không khó? phát sóng trên VTV1 tối thứ 4 hàng tuần đưa ra để các bạn sinh viên cùng thảo luận. Các bạn đã đưa ra rất nhiều giải pháp khác nhau để giúp 2 bạn trẻ trong 2 ví dụ này vượt qua những khó khăn của mình. Đó chính là những bài học rất thực tế và bổ ích giúp thế hệ trẻ, nhất là sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường có được cái nhìn rõ ràng, chân thực về việc kinh doanh. Từ đó, các bạn sẽ rút ra những bài học lớn và có sự chuẩn bị thật tốt trước khi quyết định chọn con đường nào để đi, chọn cách nào để vượt qua những trở ngại của mình.
P.V