Chinh phục tri thức
Nhiều người cho rằng Toán là môn học khô khan khó nuốt, nhưng với bạn Lê Minh Tuấn Kiệt (lớp 10A2 trường Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TPHCM), Toán học hoàn toàn dễ chịu bởi bạn xác định: “Học Toán không phải chỉ để làm bài kiểm tra và rinh điểm 9, 10 mà còn để ứng dụng vào cuộc sống đời thường”.
Đó không phải là một lời nói suông. Trong ngôi nhà nhỏ hẹp có nhiều thế hệ cùng chung sống, để niềm đam mê nuôi cá kiểng của mình không ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình, Kiệt quyết định… treo lơ lửng bể cá ở khoảng không phía trên tủ đựng vật dụng.
Trước tiên, Kiệt áp dụng công thức tính thể tích và định luật Pitagore để xác định trọng lực, độ lệch tiêu chuẩn và bề xéo của những thanh đỡ. Sau đó Kiệt mua các thanh sắt về rồi tự cưa, đóng vào tường theo kích cỡ mà mình đã tính toán sao cho tương ứng với thể tích và trọng lượng của bể cá.
Thế là Kiệt có bể cá kiểng như mong muốn. Cũng bằng cách ứng dụng những kiến thức học được từ môn lắp ráp máy vi tính mà Kiệt trở thành “chuyên gia” sửa chữa máy vi tính và các thiết bị điện tử cho gia đình mình và những nhà trong xóm. Đồ chơi của mấy đứa em trong nhà cũng do một tay anh chàng sáng chế dựa trên kiến thức các môn Toán – Lí – Hóa…
Có thể nói những gì học được trên lớp và đọc từ sách báo, Internet đã được Kiệt khai thác tối đa để phục vụ cho cuộc sống đời thường. Bởi thế, không có gì lạ khi anh chàng ẵm ngôi thủ khoa kì thi học sinh giỏi Toán cấp quận năm lớp 9 và đang giữ vị trí số 1 trong đội tuyển Toán khối THPT của Q.6 trong kì thi Olympic Toán học miền Nam vào 30/4/2006 tới đây.
Chinh phục lòng người
Bửu Văn |
Vừa tròn 18 tuổi, bạn Phạm Bửu Văn (cựu học sinh lớp 12A10 trường Bình Phú, Q.6) đã có đến 3 năm kinh nghiệm chăm sóc người già neo đơn và các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mất mẹ từ nhỏ, Văn cảm nhận được nỗi bất hạnh của người thiếu tình mẫu tử.
Vì vậy, Văn muốn được bù đắp cho họ bằng tình thương của mình. Những lúc rảnh rỗi, Văn nấu cháo và mang đến tận nhà các cụ già neo đơn trên địa bàn P.12, Q.6. Lúc đầu là từ nguồn tiền dành dụm được, nhưng để duy trì lâu dài việc làm ý nghĩa này, Văn quyết định vận động nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm ở khu phố.
Không chỉ làm “người bạn nhỏ” của các cụ già, Văn còn là “người bạn lớn” của các em thiếu nhi khi đứng ra tổ chức sân chơi định kì hằng tháng cho những em nhỏ mà vì hoàn cảnh khó khăn phải sớm bươn chải kiếm sống, không có điều kiện đến trường hoặc vui chơi giải trí. Và với tấm lòng luôn rộng mở, Văn từng thuyết phục thành công hơn 10 cô, cậu bé trong xóm có ý định bỏ học quay trở lại trường lớp.
“Chị Văn” còn vận động được nguồn học bổng, giúp các em yên tâm đến trường mà không phải lo lắng vấn đề học phí, sách vở, dụng cụ học tập. Tuy phải gác dự định vào đại học đến năm sau vì lo quán xuyến việc của gia đình (Văn hiện đang sống với ba và bà nội già yếu), nhưng cô học trò hiếu thảo giỏi giang này vẫn cảm thấy vui khi được chăm lo cho những người bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của mình.
|
Bị bại liệt từ nhỏ, cô bạn Trần Vũ Hoài Phương (sinh viên đại học KHXH&NV TPHCM) hằng ngày vẫn bước đi trên đôi chân nghị lực của người học trò luôn lạc quan với cuộc sống. Là một trong những người sáng lập Trung tâm CTXH và Phát triển cộng đồng trường KHXH&NV, từ ba năm nay Phương luôn có mặt “trên từng cây số” trong những chuyến công tác xã hội đến vùng sâu, vùng xa.
Và cô học trò khuyết tật này có lần đã khiến người dân ở thôn Tạ Nghịch, xã Lộc Châu, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng xúc động đến rơi nước mắt khi không ngại ngần xếp đôi nạng gỗ qua một bên để cùng mọi người phát quang cỏ dại, xây dựng đường nông thôn, bất chấp đôi tay tê buốt vì phải di chuyển trên nền đất lầy lội thay cho đôi chân không lành lặn của mình.
Đôi tay ấy cũng dịu dàng đặt lên đầu các em nhỏ lang thang cơ nhỡ, biến những mái tóc khét nắng, lấm lem bùn đất trở nên gọn gàng, sạch sẽ. Chứng kiến những việc Hoài Phương đã làm (như đứng ra tổ chức buổi nói chuyện, tư vấn giáo dục giới tính cho công nhân tại Bình Dương hồi tháng 11/2005; hoạt động liên kết sinh viên các trường đại học với chủ đề: “Sinh viên khuyết tật với môi trường đại học”; thành lập tủ sách cho sinh viên nghèo; thâu băng tài liệu các môn học cho sinh viên khiếm thị…) chẳng ai còn nhớ đến sự khiếm khuyết của cô bạn có vóc người nhỏ nhắn này nữa.
Theo Mực Tím