Học sinh lớp 11 chuyển thể “Người lái đò sông Đà” thành game 3D sống động

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 10/05/2019
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021
Học sinh lớp 11 biến tác phẩm “Người lái đò sông Đà” thành game 3D sống động

Mới đây video 3D dựng từ tác phẩm “Người lái đò sông Đà” được chia sẻ nhiều trên các nhóm học sinh, đồ hoạ khiến cư dân mạng trầm trồ bởi ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại: nhập vai chơi game 3D “Người lái đò sông Đà”, dùng app “quét” sách ra kiến thức về “Rừng xà nu”…

Được biết đây là hình ảnh trong game 3D “Người lái đò sông Đà” do bạn Nguyễn Lân – học sinh lớp 11A4, THPT FPT (Hà Nội) thực hiện trong 3 tháng.

Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” trở nên sống động qua hình ảnh 3D. Những câu chữ nổi tiếng của Nguyễn Tuân về sông Đà “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm” được tái hiện bằng hình ảnh, âm thanh chân thực.

Sông Đà hung dữ của Nguyễn Tuân được 3D hoá.

Bạn Thu Hiền – một học sinh trải nghiệm tiết học Văn 3D cho biết: “Áp dụng công nghệ 3D vào bài văn không làm mất đi xúc cảm tự nhiên, đóng khung cảm nhận của em về tác phẩm.

Trái lại, phần công nghệ được thêm vào trong bài học này là chất xúc tác giúp em có thêm những trải nghiệm cá nhân, đối chiếu với ngôn ngữ của tác giả, dẫn dắt bình giảng của thầy cô tạo thành cảm xúc và kiến thức cho riêng mình”.

Ngay khi chia sẻ, cách học Văn mới lạ này nhận được rất nhiều bình luận tán thưởng: “Thời đại 4.0 có khác, học Văn sống động thế này còn gì bằng!”;“Không thể tin nổi ác mộng mùa thi của tôi lại có ngày thành game 3D thế này. Ngày xưa mà được học như vậy thì có phải đi thi được 8 điểm văn rồi không.”; “Thật đúng là trường người ta”…

Trải nghiệm học Văn bằng phương thức xem video 3D và chơi game

Hiện tại, học sinh của trường này đã được trực tiếp trải nghiệm, chơi game nhập vai điều khiển chiếc đò đi trên sông Đà, lướt vào thế giới đá vách thành, trùng vi thạch trận, cửa ải nước… kinh điển trong văn Nguyễn Tuân.

Học sinh sẽ tự mình khảo sát vùng sông núi, vượt qua những thác ghềnh khúc khuỷu đầy hung dữ. Chỉ khi tự mình trải nghiệm trực tiếp thì những xúc cảm đến từ dòng chữ, câu văn của tác giả mới thật sự thấm thía đến người đọc người xem.

Cách chơi game “Người lái đò sông Đà” khá đơn giản.

Game 3D “Người lái đò sông Đà” nằm trong dự án Ứng dụng CNTT trong dạy & học các môn Xã hội trường THPT FPT.

Thầy giáo Đoàn Mạnh Linh – Phụ trách dự án cho biết: “Kí là thể loại nghiêng về cảm nhận, góc nhìn và trải nghiệm của người viết về sự vật hiện tượng nên những bạn nào chưa từng đến sông Đà rất khó để hình dung. Đặc biệt, với ngòi bút vi diệu, trừu tượng của Nguyễn Tuân cái khó ấy càng tăng lên gấp bội”.

Điều thú vị của cách học này ẩn chưa bên trong cuốn giáo trình công nghệ được mã hoá nhiều bài giảng dưới nhiều hình thức multimedia khác nhau.

Không còn những đoạn văn bản dài trên giấy, giờ đây các kiến thức quan trọng được thể hiện ngắn gọn và thông minh bằng sơ đồ tư duy, file âm thanh và các video sinh động khiến việc học ngữ văn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Khi học sinh sử dụng các thiết bị thông minh quét mã, hoặc hình ảnh trên sách, slide thông tin về tác giả, tác phẩm, audio hoặc video bài giảng sẽ lần lượt hiện lên.

Học sinh thử nghiệm vừa học vừa chơi game 3D

Tác giả của giáo trình công nghệ này, thầy Đoàn Mạnh Linh cũng cho biết: “Thời buổi bây giờ các bạn học sinh cầm điện thoại cả ngày thì được, chứ cầm sách cầm vở thì ngại.

Cuốn sách này hỗ trợ học sinh trong quá trình ôn tập, tự học bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu. Tuy nhiên nó chỉ là phần bổ trợ chứ không thay thế việc học trên lớp của học sinh.”

“Để có 1 bài học Văn công nghệ thế này, mất rất nhiều thời gian, công sức: bố cục bài giảng lại xem phần nào dùng công nghệ, phần nào giảng dạy truyền thống, làm slide tóm tắt, thu âm, làm clip, đăng tải lên ứng dụng…”, thầy Linh nói.

Tham gia vào dự án này còn có 4 bạn học sinh Trần Khánh An, Ngô Phúc Lâm, Trịnh Vũ Hưng, Lê Nguyễn Quang Dũng (lớp 12A1). Các bạn hỗ trợ thầy cô làm slide, audio bài giảng, tuy nhiên các thầy cô vẫn là người đảm bảo tính chuyên môn.

Những người thực hiện dự án này tin rằng việc áp dụng công nghệ thông tin trong bài giảng mang đến phương thức giảng dạy mới mẻ, sinh động, tạo nhiều cảm hứng cho thầy và trò thời đại 4.0.

Những yếu tố công nghệ đã phá tan lớp băng của sự khuôn mẫu, nhàm chán trong các môn học truyền thống, giúp học sinh thêm yêu thích và sáng tạo hơn trong việc học, khuyến khích học sinh tự học, tự khám phá tri thức.

Mai Châm

Exit mobile version