Khi trào lưu chụp ảnh Studio chỉ với tạo dáng và make-up cầu kỳ của các hoa hậu, siêu mẫu nở rộ, Á hậu Hoàng My đã bắt đầu một lối đi riêng với những chùm ảnh có nội dung được trình bày như một câu chuyện được kể bằng hình ảnh. Sau những bộ ảnh Cô bé bán diêm, Bánh chưng bánh tét… ra mắt có được ít nhiều ấn tượng đẹp với độc giả, Á hậu Hoàng My và ê-kíp tiếp tục trình làng bộ ảnh Thiên tình sử Labiang. Bộ ảnh kể lại câu chuyện tình huyền thoại giữa nàng Hơ Biang (người Chil, một nhánh khác của dân tộc K’Ho) và chàng K’Lang ((người Lát, một nhánh của dân tộc K’Ho), câu chuyện đã được lưu truyền trong văn hóa dân gian của dân tộc K’Ho.
Hoàng My lên tiếng trước những ý kiến phản ứng về bộ ảnh Thiên tình sử Langbiang
Tuy nhiên, ngay sau khi ra mắt, bộ ảnh Thiên tình sử Langbiang của Á hậu Hoàng My và ê-kíp đã gặp những phản ứng. Có ý kiến cho rằng, bộ ảnh chưa hiểu đúng về văn hóa của dân tộc K’Ho. Có ý kiến khẳng định, cách mặc bikini 2 mảnh “bằng chất liệu vải thun” của Á hậu Hoàng My đã “bóp méo” văn hóa của người K’Ho. Và cũng có ý kiến, các tạo hình của 2 nhân vật chính có phần gợi cảm quá đà…
Trước những phản ứng, Á hậu Hoàng My chia sẻ “Về cách tạo hình gợi cảm, tôi không có gì để chia sẻ. Sẽ có người thấy đẹp, có người thấy gợi cảm… Đó là cảm nhận riêng của mỗi người xem. Tôi sẽ chỉ nói về văn hóa của người K’Ho. Tôi khẳng định, tôi và ê-kíp của mình đã tìm hiểu rất kỹ về văn hóa của dân tộc K’Ho trước khi thực hiện bộ ảnh Thiên tình sử Langbiang. Chúng tôi không bao giờ sử dụng chất liệu thun cho trang phục trong ảnh. Bộ bikini ấy được làm hoàn toàn bằng thổ cẩm. Có lẽ, màu sắc của nó đã khiến người ta hiểu lầm là chất liệu thun chăng?”.
Hoàng My khẳng định, bộ bikini cô mặc được làm hoàn toàn từ chất liệu thổ cẩm, không phải bằng vải thun như ý kiến chỉ trích.
Bức tượng thể hiện thiên tình sử Langbiang, nàng Hơ Biang ở trần.
Về ý kiến cho rằng, việc Á hậu “diện bikini” 2 mảnh có gắn lông thú là quá sexy, gợi cảm, Hoàng My cho biết “Vào thời ấy, phụ nữ K’Ho hoàn toàn… ở trần. Họ không mặc áo. Để câu chuyện bám sát văn hóa của người K’Ho, tôi nghĩ mình… không thể (cười). Việc mặc bikiki 2 mảnh có gắn lông thú đã được ê-kíp chúng tôi suy tính, cân nhắc. Tôi nghĩ, lúc ấy chàng K’Lang và nàng Hơ Biang chạy vào rừng. Cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tôi đã nghĩ đến cảnh, nàng Hơ Biang ngồi khâu lông thú thành áo cho chàng K’Lang. Việc có gắn lông thú lên trang phục, theo ý của chúng tôi, đó là thể hiện cuộc sống ở rừng của đôi trai gái”.
Hoàng My cho biết, “Mục đích của chúng tôi là tôn vinh vẻ đẹp văn hóa”
Theo Hoàng My, câu chuyện của họ thể hiện mối tình thắm thiết, vượt qua mọi hoạn nạn, khó khăn để được bên nhau của đôi trai gái. Mục đích của ê-kíp là tôn vinh vẻ đẹp văn hóa dân gian của người Việt. Họ không thể làm việc khi không hiểu biết gì về những điều mình muốn tôn vinh, và càng không thể “bóp méo” văn hóa- như ý kiến chỉ trích.
Hiền Hương
(Ảnh: Đặng Minh Tùng)