Chuyện cũ
Còn nhớ thời điểm mà Nguyễn Thị Huyền sang Anh học chuyên ngành Báo chí tại Đại học Middlesex. Mặc dù được học bổng toàn phần, nhưng Huyền vẫn muốn làm thêm, mà toàn là làm những việc rất bình thường. Cô không ngại việc bưng bê thức ăn, rửa bát ở nhà hàng hay thu nhặt hoa quả.
Có không nhiều hoa hậu của chúng ta có được suy nghĩ như thế. Hoặc nghĩ mình ở một đẳng cấp khác, hoặc đơn giản là họ cho rằng có nhiều dạng công việc có thể làm, cứ gì phải làm mấy việc đó.
Còn một người nữa cũng đi Anh gần như cùng thời điểm với Huyền, hoa hậu Mai Phương. Phương kể rằng hồi đó mỗi tháng gia đình chỉ gửi sang 150-200 USD, với mức sinh hoạt phí đắt đỏ ở Anh, con số đó đúng là không đáng kể bởi mua một quyển sách có khi cũng đã 50 Bảng.
Thế là cô cũng làm thêm – Phương làm ở phòng marketing ở ngay trường cô theo học. Công việc thì khá đúng chuyên ngành bởi Phương học Quản trị kinh doanh – nhưng đó cũng chỉ là công việc thời vụ nên khi có khi không – nhà Phương thì còn phải nuôi một cậu em cũng đang ở Manchester, nên tiền cũng không dư dả cho hoa hậu.
Hoa hậu thú vị
Đó chỉ là những chuyện của những hoa hậu vào thời điểm trước, bây giờ, khái niệm hoa hậu làm thêm đã có những câu chuyện mới và những ví dụ mới. Và đỉnh cao vào thời điểm hiện nay chắc chắn là Mai Phương Thúy.
Con số 10 tỷ đồng chỉ tính riêng tiền chụp ảnh mà Thúy công khai gần đây – rõ ràng là một con số khó vượt qua! Cô làm với một lịch dày đặc hơn bất cứ hoa hậu nào khác của chúng ta. Chắc chắn chụp ảnh là việc mà các hoa hậu hay làm nhất, nhưng chụp nhiều như Thúy thì đúng là cũng khá kinh hoàng.
Nếu không tính thời gian gần đây vướng vào bận rộn với phim “Âm tính” thì toàn bộ thời gian trước đó Thúy chỉ toàn tâm… nhận chụp ảnh. Hết quảng cáo này đến quảng cáo khác. Thế nên, có lần tôi nhớ Thúy nói rằng: khi nhận vương miện hoa hậu 2006, Thúy được giải thưởng là 90 triệu đồng, nhưng cô nghĩ mình sẽ đóng góp lại cho xã hội ít nhất 900 triệu đồng thì mới hài lòng.
Có thể từ tiềm thức của tuổi thơ sống với mẹ, Thúy có ý thức tự lập sớm. Cô không ồn ào, không quá hồ hởi với thứ gì, cứ lặng lẽ “cày” việc làm thêm như thế. Vẫn nhớ, khi nghe về chuyện Thúy định chụp ảnh nude, tôi cũng khá giật mình, nhưng rồi nghe cô chia sẻ về hình tượng John Lennon, Jane Fonda, nghe cô nói rằng “Ai cũng phải lớn, rời xa tuổi thơ” tôi lại thấy Thúy vẫn “trụ” rất tốt.
Khi vào Sài Gòn gặp cô ở Ibox trong một buổi hẹn bạn bè, tôi thấy cô nói về việc quay phim “Âm tính”, về việc cô vào vai cô gái đứng đường như thật. Tôi thấy sự nghiêm túc trong công việc của cô. Cô có ý thức về một thứ gì đó hơn cả kiếm tiền.
Thúy là người đầu tiên cho tôi cảm giác về một hoa hậu kỳ lạ, bởi mặc dù lịch làm thêm kín đặc, cô không bao giờ quên mình là ai. Khi đó, vào buổi tối muộn, cô vẫn qua chợ Bến Thành mua một tô hủ tíu mang về cho một người thân ở nhà. Tôi đứng đó nhìn hoa hậu của chúng ta mua đồ ăn tại một quán vỉa hè cho người thân, sau cả ngày làm việc mệt mỏi, và thấy rằng những công việc làm thêm đầy cám dỗ, may thay đã không đánh mất của chúng ta một hoa hậu thú vị.
Trúc trắc
Rồi cả Thùy Lâm, người từng được thừa nhận là có tài năng khi đỗ thủ khoa Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật TPHCM, từng làm DVD với Huỳnh Phúc Điền, từng đóng phim của đạo diễn Trương Dũng, từng được giải trong Tiếng hát Truyền hình, thì sau khi có danh hiệu hoa hậu Hoàn vũ – lại cũng không “làm nghề” nổi nữa. Hôm trước hoa hậu thì hôm sau có scandal ảnh ở vũ trường. Thực hư không bình luận, nhưng nếu giờ Thùy Lâm chọn việc đi hát như làm thêm thì chắc phải vất vả hơn trong thuyết phục mọi người.
Chuyện làm thêm với hoa hậu không phải ai cũng dễ dàng, với đa số là rất trúc trắc. Chỉ cần mất lòng mọi người là không còn làm được gì nữa. Không nhiều người có được “cả tiếng và miếng” như Mai Phương Thúy. Có rất nhiều hoa hậu đơn thuần là mặc kệ chuyện đi làm ở đó. Bởi nếu một vài người coi danh hiệu hoa hậu là một bàn đạp, thì cũng có người lại chỉ coi đó là một cái đích. Và nếu đến được đích rồi thì… họ dừng lại.
Theo Lê Minh
Sinh Viên Việt Nam/TTOL