Rằm tháng 7 âm lịch còn được gọi là ngày xá tội vong nhân. Mọi người đến cửa chùa để tỏ lòng thành với người đã sinh thành ra mình. Đó là đạo lý, là phẩm hạnh cũng như truyền thống tốt đẹp của người Việt từ ngàn đời xưa.
Tối 11/7 âm lịch, tại ngôi chùa Kim Sơn Lạc Hồng, thuộc Công viên Tâm Linh Lạc Hồng Viên, hàng nghìn tăng ni, phật tử đã đến đây từ rất sớm để cầu nguyện, thắp nén hương để bày tỏ lòng thành kính cũng như tham dự lễ Vu Lan.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, đầy xúc động với những nghi thức truyền thống trong văn hóa Phật giáo cổ truyền người Việt.
Một trong những nghi lễ quan trọng và không thể thiếu đối với Lễ Vu Lan báo hiếu là nghi thức bông hồng cài áo. Nếu ai may mắn còn cả cha lẫn mẹ sẽ được vinh dự cài bông hồng màu đỏ trên ngực; Ai mất cha hoặc mẹ sẽ cài lên ngực bông màu hồng, còn ai kém may mắn mất cả cha lẫn mẹ sẽ cài bông màu trắng.
Hình ảnh xúc động, những giọt nước mắt lăn dài trên má khi được lắng nghe những câu chuyện, bài hát, bài thơ…về tình mẫu tử.
Giọt nước mắt tuôn rơi, tự dặn lòng mình sẽ sống tốt hơn và hướng về cũng như chăm nom cha mẹ nhiều hơn khi chưa quá muộn.
Ai nấy đều chọn cho mình một bông hoa tương ứng và cài lên ngực.
Người đàn ông vinh dự khi còn cả cha lẫn mẹ, được cài bông hoa màu đỏ trên ngực.
Cũng tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, nhà chùa làm lễ thả đèn hoa đăng, đây là nghi lễ tôn vinh những giá trị tinh thần và văn hoá tâm linh.
Người theo đạo Phật tin rằng nghi thức thả đèn hoa đăng sẽ giúp cho ước nguyện của mình được chư Phật chứng giám. Và cũng theo quan niệm nhà Phật, những ngọn nến là biểu tượng cho trí tuệ, ánh sáng chân lý phá tan màn vô minh, u ám.
Quân Đỗ