Bóng bay
Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao với vụ việc xảy ra tại nút giao thông ngã 5 giao giữa phố Cửa Đông – Hàng Phèn – Nhà Hỏa – Hàng Gà: một chiếc xe tô tô đang di chuyển thì bất ngờ quả bóng bay bên trong phát nổ làm vỡ cửa kính xe. Cả 4 người trong xe đều bị cháy xém phần tóc, riêng có cháu gái nhỏ bị bỏng ở phần má.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tai nạn do bóng bay gây ra. Cách đây vài tháng, tại Đồng Hới, Quảng Bình, trong khi hàng trăm người đang tập trung tại một điểm vui chơi trung thu ngoài trời thì một chùm bóng bay bơm khí hydro bất ngờ phát nổ. Tuy các nạn nhân đều may mắn sống sót song hậu quả của vụ nổ này vô cùng nặng nề: 1 nạn nhân bỏng độ 3, 5 người bỏng độ 2 và 3 người còn lại đều chịu thương tích không nhẹ.
Nhìn những quả bóng bay lung linh màu sắc, nhiều người cứ nghĩ nó vô hại nhưng kì thực lại ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt là loại bóng bay bơm bằng khí hydro. Khí hydro có thể làm bóng bay cao, nhưng khi gặp oxy trong không khí, hydro sẽ phản ứng rất mạnh, dẫn đến nổ và gây thương tích cho người đứng gần.
Đặc biệt, khi có tác dụng của lửa, dù nhỏ như bật lửa, tàn thuốc, bóng cũng bị giãn nở quá mức, khiến áp suất khí bên trong tăng làm nổ bóng bay. Sức công phá khi một quả bóng phát nổ có thể không lớn, nhưng khi cả chùm cùng nổ một lúc, hậu quả sẽ thật khôn lường.
Bên cạnh đó, hầu hết các loại bóng bay trên thị trường hiện nay đều rất độc. Khi trẻ nhỏ thổi, ngậm, mút hay cầm tay, các chất này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của trẻ.
Do giá thành rẻ, màu sắc đẹp mắt nên bóng bay hydro vẫn được dùng nhiều tại các bữa tiệc, nhà hàng, sinh nhật, khánh thành, khai trương… Và dường như ít ai mảy may để ý rằng mình đang chơi đùa cùng tử thần.
Gói hút ẩm
Gói hút ẩm tuy chỉ là vật rất nhỏ bé nhưng lại ẩn chứa những mối nguy hại không ngờ. Thông tin về các vụ tai nạn từ gói hút ẩm không còn mới, nhưng mỗi khi nhắc đến, người ta lại thấy rùng mình vì di chứng mà gói hút ẩm để lại cho các nạn nhân.
Tháng 1 năm 2016, theo tin tức của tờ People’s Daily, một bà mẹ Trung Quốc đã mua cho con trai một gói bimbim như phần thưởng vì cậu bé đã đạt điểm tốt. Cậu bé ăn xong đã hồn nhiên nghịch gói chống ẩm bên trong. Chỉ 5 phút sau, bà mẹ nghe thấy tiếng con trai con trai hét thất thanh từ phòng khách.
Bà vội vã lao đến thì đã thấy cậu bé đang lấy tay ôm mắt, xung quanh sàn nhà vương vãi nước và bên cạnh đang có một gói chống ẩm bốc cháy trong cốc. Dù nhanh chóng đưa con trai đi bệnh viện nhưng chỉ 20 phút sau, đôi mắt của cậu bé đã bị phá hủy. Một bên mắt của em mù vĩnh viễn, toàn bộ khu vực da mặt, má bị đỏ ửng, sưng vù và bong tróc.
Vào tháng 12/2012, một vụ tai nạn do gói hút ẩm cũng bất ngờ ập đến với bé trai hơn 2 tuổi ở TP Bắc Giang. Cháu bé được đưa đến điều trị khoa Kết – Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương). Bé nhập viện trong tình trạng mắt trái sưng húp, không mở được.
Sau 4 ngày điều trị ở viện, bé mới có thể mở mắt nhưng toàn bộ mắt trái của cháu mờ đục, ở tròng đen mắt xuất hiện những đốm mờ trắng. Bệnh nhi được xác định bỏng giác mạc và sẽ phải phẫu thuật điều trị.
Theo các chuyên gia, không phải mọi trường hợp gói chống ẩm khi hòa vào nước đều phát nổ. Những gói hút ẩm mà chúng ta thường thấy được làm từ silica gel hoặc vôi bột. Silica gel tuy không hút ẩm tốt bằng vôi bột, nhưng an toàn hơn.
Còn những loại gói chống ẩm có thành phần từ vôi, cấu tạo chủ yếu gồm calcium oxide, khi gặp nước sẽ dẫn tới phản ứng hóa học cực mạnh, tỏa ra lượng nhiệt rất lớn. Trong một số trường hợp có thể phát nổ và gây bỏng cho những người xung quanh.
Thực chất, chất hút ẩm không độc hại, không dễ cháy hay phản ứng với những chất thông thường khi ta sử dụng để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, dù là hạt chống ẩm dạng nào cũng không nên cho trẻ cầm chơi để đề phòng hậu họa. Bên cạnh đó, tiếp xúc với bụi từ các hạt này cũng có thể gây kích ứng cho da, mắt, hệ hô hấp và hệ tiêu hóa…
Nam châm
Nam châm là vật thường được sử dụng trong các gia đình, đặc biệt hữu ích trong việc gắn các mẩu giấy nhớ lên tủ lạnh hoặc góc làm việc. Ngày càng có nhiều các loại đồ chơi làm từ nam châm bởi những đặc tính thú vị của nó.
Tuy nhiên, từ năm 2013, bộ Y tế Canada đã thực hiện kế hoạch cấm lưu hành bán đồ chơi làm từ loại nam châm bởi chúng có thể gây nguy hiểm, dẫn đến dính hoặc tắc ruột, thậm chí thủng ruột và tử vong cho trẻ em nếu nuốt phải.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Bệnh viện nhi Toronto, loại nam châm đồ chơi có thể hút kết nhau từ nhiều điểm trong đường ruột, hủy hoại chỗ thành ruột bị kết dính, gây nhiễm trùng và thủng ruột đe dọa đến tính mạng.
Các nhà khoa học cho biết trong trường hợp nuốt phải một nam châm đồ chơi, cơ thể sẽ vẫn bình thường như nuốt phải các vật trơn khác. Tuy nhiên, nếu nuốt nhiều nam châm đồ chơi ở các thời điểm khác nhau, tình trạng sẽ trở nên nguy hiểm vì các nam châm có thể hút nhau qua thành ruột hoặc dạ dày.
Vỏ ni lông/lá thiếc/giấy bạc bọc ngoài thực phẩm
Màng bọc thực phẩm không chỉ được dùng phổ biến ở các thành phố lớn, mà còn ở nông thôn, nhất là vào dịp cỗ bàn, lễ Tết. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc lạm dụng màng bọc thực phẩm sẽ để lại hậu quả khó lường.
Đáp ứng như cầu sử dụng, các nhà sản xuất đưa ra các mẫu màng bọc với quảng cáo được làm từ 100% nhựa PVC hoặc PE, không có hóa chất độc hại và có thể dùng với mọi hình thức, từ bảo quản đến chế biến…
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy có tới 50% thành phần màng bọc là chất hóa dẻo có phụ gia. Vì bản thân nhựa PVC, PE không thể dẻo như những màng bọc đang được quảng cáo mà cần có chất hóa dẻo. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại chất hóa dẻo như DOP, CD… Những chất này đều bị cảnh báo là độc hại với sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, nếu bạn không chú ý, ngay cả vỏ nhựa hay giấy bạc bọc ngoài thực phẩm cũng có thể làm tổn thương làn da mỏng manh của người sử dụng, nhất là trẻ nhỏ do cạnh sắc của chúng. Bởi vậy, khi muốn sử dụng thiếc cán mỏng đóng cuộn để bọc đồ ăn, hãy chú ý hơn tới đường cắt.
Hoàng Ngọc